Trung Quốc thận trọng
Theo kênh CNBC (Mỹ), Trung Quốc đang từ từ thực hiện các biện pháp thuế quan trả đũa khi căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng. Chính phủ Trung Quốc ngày 1/9 đã áp dụng mức thuế tăng từ 5% tới 10% với nhiều mặt hàng Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó có đậu tương và dầu thô.
Tuy nhiên, tỷ lệ các mặt hàng chịu mức thuế mới có hiệu lực từ ngày 1/9 chỉ chiếm 1/3 trong số hơn 5.000 dòng sản phẩm được liệt kê trong thông báo mới nhất. Đa số các mặt hàng sẽ chịu mức thuế mới từ ngày 15/12 và tới thời gian đó, Trung Quốc mới thực hiện kế hoạch khôi phục các mức thuế với ô tô và phụ tùng ô tô Mỹ.
Báo cáo của Panjiva, công ty dữ liệu chuỗi bán lẻ Mỹ, chỉ ra rằng các sản phẩm bị áp thuế cao từ ngày 1/9 có thể đã được Trung Quốc lựa chọn vì những sản phẩm này lại gia tăng lượng đặt hàng chứ không giảm. Trước đó, các nhân tích ngày 27/8 cho rằng hàng xuất khẩu của Mỹ thuộc nhóm chịu thuế ngày 1/9 đã giảm 15,2% trong quý 2 so với cách đây một năm, trong khi nhóm hàng bị áp thuế từ 15/12 giảm 20,4% số lượng giao hàng.
Đợt tăng thuế này là một phần trong thông báo ngày 23/8 của Bộ Tài chính Trung Quốc, theo đó áp thuế trả đũa với hàng hóa Mỹ trị giá 75 tỷ USD. Một phần hàng hóa Trung Quốc cũng bị Mỹ tăng thuế từ ngày 1/9 theo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tờ Nhân dân Nhật báo trong số báo ra ngày 1/9 viết: “Cây gậy thuế quan to không thể kìm hãm Trung Quốc phát triển”. Trung Quốc đã tìm cách kích thích sản xuất trong nước trong bối cảnh chịu thuế cao khi mà kinh tế đang giảm tốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách chuyển hướng từ tăng trưởng phụ thuộc sản xuất, xuất khẩu sang tăng trưởng nhờ tiêu dùng.
Các phân tích cho biết các công ty Trung Quốc đang tìm cách thích nghi với thuế quan và sống sót trong chiến tranh thương mại về lâu dài. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng kêu gọi hủy mọi mức thuế bổ sung, coi đây là một phần trong thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Gao Feng, nói trong một họp báo ngày 29/8: “Trong tình hình hiện nay, chúng tôi cho rằng vấn đề cần được thảo luận là hủy các mức thuế cao áp vào hàng xuất khẩu Trung Quốc trị giá 550 tỷ USD để ngăn chiến tranh thương mại leo thang. Tại thời điểm hiện nay, phía Trung Quốc đang đàm phán nghiêm túc về chủ đề này với phía Mỹ”.
Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc – Mỹ nhận định trong khảo sát thành viên thường niên: “Khách hàng Trung Quốc lo ngại về các liên kết chuỗi cung phụ thuộc vào công ty Mỹ - đối tượng mà họ ngày càng coi là đối tác kinh doanh không đáng tin cậy do hậu quả biến động quan hệ thương mại song phương”.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc dường như đang chọn cách “chơi đường dài” vì biết rằng chiến tranh thương mại có thể khiến kinh tế Mỹ suy thoái, hủy hoại cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump và nhờ đó có thể đàm phán với một tổng thống mới thuộc đảng Dân chủ.
Mỹ giận dữ, gia tăng căng thẳng
Khi nhận thấy dấu hiệu mới cho thấy cuộc chiến thương mại đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Trump ngày 3/9 đã đưa ra những cảnh báo cứng rắn với Trung Quốc, kêu gọi nước này không kéo dài đàm phán thương mại.
Tổng thống Trump cáo buộc các nhà đàm phán Trung Quốc có thể đang trì hoãn để hy vọng đạt thỏa thuận tốt hơn trong trường hợp ông không tái đắc cử. Ông nói: “Tôi chắc rằng họ muốn đàm phán với một chính quyền mới… Hơn 16 tháng qua là thời gian dài để làm chảy máu việc làm và các công ty.
Và khi đó, hãy nghĩ xem chuyện gì xảy ra với Trung Quốc khi tôi thắng cử. Thỏa thuận sẽ cứng rắn hơn rất nhiều”.
Các nguồn tin còn nói với kênh CNBC rằng ngày 23/8, khi biết Trung Quốc đã thông qua kế hoạch áp thuế hàng hóa trị giá 75 tỷ USD của Mỹ để trả đũa, ông Trump đã rất tức giận và muốn tăng thuế gấp đôi với hàng Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sau đó đã nhờ nhiều tổng giám đốc các tập đoàn gọi cho Tổng thống và cảnh báo ông về hậu quả với thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Khi đó, ông Trump mới cân nhắc áp mức thuế thấp hơn là tăng 5%. Trong những ngày sau đó, điều hối tiếc duy nhất mà ông Trump thể hiện là không tăng thuế cao hơn.
Mặc dù Tổng thống Trump cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu nhưng bản thân ngành sản xuất của Mỹ cũng chịu thiệt hại khi sụt giảm lần đầu tiên trong 3 năm hồi tháng trước. Có thể điều này không có nghĩa là kinh tế Mỹ sắp suy thoái nhưng các nhà kinh tế cảnh báo đó là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Kết quả ảm đạm của ngành sản xuất Mỹ chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Số lượng việc làm mới cũng giảm và đầu tư của cách doanh nghiệp cũng giảm mạnh gần đây. Các nhà đầu tư còn lo ngại kinh tế toàn cầu suy giảm.
Kế hoạch đàm phán
Trong khi đó, theo kế hoạch, các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau trong tháng 9 dù chưa có ngày cụ thể. Đàm phán có thể nối lại nhưng nỗ lực đạt thỏa thuận có thể đang giảm dần.
Các quan chức hai bên gặp khó khăn khi lên lịch cho cuộc gặp sau khi Mỹ bác đề nghị của Trung Quốc về hoãn tăng thuế. Ông Thomas Donohue, Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ, nói rằng bỏ các mức thuế mới nhất sẽ giúp nối lại đàm phán. Tuy nhiên, chiến lược không ổn định của Nhà Trắng có thể khiến Mỹ đi theo hướng mà ông Donohue nói là không thể chấp nhận được.
Nhưng cho dù có nối lại đàm phán thì dường như cả Tổng thống Trump và Bắc Kinh đều khó có khả năng nhượng bộ cần thiết để đạt được thỏa thuận. Mỹ và Trung Quốc rơi vào vòng luẩn quẩn trong đàm phán: đàm phán bế tắc nhiều tháng nay, Trung Quốc không nhượng bộ yêu cầu từ Mỹ, Mỹ lại áp thuế trừng phạt nặng hơn, Trung Quốc tiếp tục trả đũa.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nhận định: “Với những người ủng hộ coi thuế là công cụ để khiến Trung Quốc vào bàn đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận lớn, tất cả tính toán giờ đây dường như không liên quan”.