Không lâu sau khi vận hành, nội các "đại liên minh" ở Đức đã gặp phải sự cố đầu tiên phát sinh ngay giữa các chính đảng cầm quyền, đó là bất đồng giữa đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) về chính sách nhập cư. Và không ai khác, chính người đứng đầu nội các đã tìm biện pháp tháo gỡ mâu thuẫn đầu tiên trong chính phủ Đen-Đỏ này.
"CSU không muốn hiểu châu Âu"
Mâu thuẫn giữ CSU và SPD nảy sinh khi hai quốc gia mới gia nhập ngôi nhà EU là Bulgaria và Romania, sau 7 năm chờ đợi, chính thức được tự do tới các nước EU khác để tìm kiếm việc làm.
Đức hiện đang rất thiếu lực lượng lao động tay nghề cao. |
Theo quy định của EU, các quốc gia thành viên (cũ) có quyền áp đặt lệnh cấm công dân các nước thành viên mới tự do di chuyển để tìm việc làm trong tối đa 7 năm và trong trường hợp hai quốc gia nêu trên, có 9 nước cũ trong EU áp dụng biện pháp này, trong đó có Đức và Anh. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014, hạn chế này hết hiệu lực và đây chính là nguyên nhân khiến chính trường Đức nóng lên sau kỳ nghỉ Noel và Năm mới.
Đảng CSU đã lập tức lên tiếng cảnh báo hiện tượng được gọi là "nhập cư nghèo đói" vào Đức, đồng thời kêu gọi siết chặt kiểm soát làn sóng người nghèo nhập cư và tái thiết lập lệnh cấm đối với các trường hợp nhập cư nhằm hưởng chế độ phúc lợi ở Đức. Bộ trưởng Quốc vụ thuộc Bộ Ngoại giao Đức Michael Roth (SPD) đã gọi những tuyên bố của CSU là "ngớ ngẩn". Ông Roth nói: "CSU không hiểu châu Âu và thực tế cho thấy họ thậm chí không muốn hiểu điều đó". Trong khi theo Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier (SPD), việc nghi ngờ vấn đề tự do đi lại trong EU "gây phương hại cho Đức và cả châu Âu". Ông gọi quyền tự do di chuyển trong EU (được xem là hợp pháp khi công dân tìm được việc làm trong vòng 90 ngày đầu tiên) là một phần tất yếu của việc hội nhập châu Âu, mà "rõ ràng Đức được hưởng lợi hơn so với các nước khác".
Đáp lại những chỉ trích của SPD, Thủ hiến bang Bayern đồng thời là Chủ tịch CSU Horst Seehofer gọi đó là lập luận "lố bịch". Ông cho rằng chính phủ liên minh đã nhất trí trục xuất mọi công dân EU nhập cư bị phát hiện xin phúc lợi xã hội ngay trong thời gian 90 ngày tìm kiếm việc làm, điều cũng phù hợp với luật pháp EU. Muân thuẫn lời qua tiếng lại giữa hai đảng liên minh CSU và SPD đã khiến Thủ tướng, Chủ tịch CDU Angela Merkel phải vào cuộc.
Sẽ điều tra người phạm luật
Trước những bất đồng ngày càng gay gắt giữa CSU và SPD, Thủ tướng Merkel ngày 3/1 đã điện đàm với Phó Thủ tướng, Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel. Sau đó, bà Merkel thông báo Nội các sẽ lập một ủy ban cấp cao để điều tra liệu luật pháp nước này có cho phép cấm những "vị khách muốn hưởng lợi" sau khi những hạn chế về thị trường lao động trong EU được dỡ bỏ hay không.
Phó phát ngôn viên của Thủ tướng Merkel, ông Georg Streiter, bác bỏ mối bất hoà giữa CSU và SPD về vấn đề này, đồng thời khẳng định nước Đức đã cam kết về quyền tự do di chuyển để tìm kiếm việc làm trong EU và Đức cũng là một trong số nước được hưởng lợi từ điều này. Theo giới quan sát, việc thành lập một ủy ban điều tra như trên là nhằm loại bỏ vấn đề nhạy cảm này ra khỏi chính trường trước khi mối bất hoà nảy sinh thêm nữa.
Các nhà phân tích cho rằng, tranh cãi về vấn đề trên thực ra xuất phát từ tâm lý "hoảng sợ" và "phòng vệ" trước lo ngại làn sóng nhập cư có thể đổ xô tới Đức. Ủy viên phụ trách nhập cư của Chính phủ Đức Aydan Özoguz (SPD) tức giận nói: "Chúng tôi vẫn nghe CSU nói như vậy" mỗi khi có một nước EU hưởng quy chế tự do di chuyển để tìm việc làm, song rút cuộc họ "cũng phải thừa nhận điều đó không xảy ra".
Bài và ảnh: Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Đức)