Thông điệp quan trọng của 'Crimea: Đường về Tổ quốc'

Ngày 15/3 vừa qua, thời điểm Tổng thống Vladimir Putin vẫn vắng mặt một cách bí ẩn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kênh truyền hình "Russia-1" của Nga đã trình chiếu bộ phim tài liệu "Crimea: Đường về Tổ quốc", ngầm khẳng định với người dân Nga và dư luận nước ngoài một thông điệp: Tổng thống Vladimir Putin nắm chắc quyền điều hành đất nước và ông sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ nước Nga và các công dân của mình.

Tổng thống Putin trong phim "Crimea: Đường về Tổ quốc". Ảnh: AFP/TTXVN.


Bộ phim tài liệu "Crimea: Đường về Tổ quốc", dài gần 3 giờ đồng hồ, được nhà báo Nga Andrey Kondrashov thực hiện trong suốt 8 tháng từ năm 2014, ghi lại chi tiết hầu hết các sự kiện hồi mùa xuân năm 2014, dẫn đến kết quả bán đảo Crimea tổ chức trưng cầu dân ý, trong đó có tới 97% người dân ủng hộ gia nhập thành phần Liên bang Nga.

Thu hút nhiều sự chú ý nhất trong bộ phim là cuộc phỏng vấn giữa Tổng thống Putin với tác giả bộ phim về lý do ông quyết định tiếp nhận Crimea và các tình tiết liên quan. Trong các diễn biến dần leo thang thành một cuộc khủng hoảng quan hệ Đông-Tây tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã được "sắm" một vai phản diện. Trả lời trước camera, Tổng thống Putin - người vừa tái xuất hiện trước công chúng vào ngày 16/3 sau 10 ngày vắng mặt- cáo buộc Mỹ là "kẻ giật dây" các lực lượng dân tộc chủ nghĩa lật đổ cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và thành lập chính quyền Kiev đương nhiệm thân phương Tây.

Tổng thống Putin cũng khẳng định ông đã chỉ thị phải tiến hành việc sáp nhập hoàn toàn dựa trên nguyện vọng của người dân bán đảo, thực hiện mọi quy trình theo pháp luật. Người đứng đầu nhà nước Nga cho biết ông cũng không sử dụng quyền đưa quân vào Crimea mà Thượng viện Nga trao cho ông trước đó. Ông nói rõ Moskva đã không đưa quân đội vào Crimea cũng như không vượt quá quân số cho phép tại căn cứ của mình ở bán đảo này. Tuy nhiên, Tổng thống V.Putin cho biết sau đó lực lượng phản gián và lính thủy đánh bộ Nga đã được điều đến để hỗ trợ phong tỏa và giải giáp trong hòa bình và không đổ máu 20.000 binh sĩ Ukraine đóng quân tại Crimea.

Tuy nhiên, đối với giới quan sát độc lập, hay thậm chí là với những người từng có mặt tại Crimea khi cuộc khủng hoảng về việc sáp nhập bán đảo này đang ở đỉnh điểm, bộ phim tài liệu này rõ ràng mang tính thiên vị và có quan điểm một chiều. Có thể nói, chính kiến của của tác giả phần nào đã được thể hiện rõ qua tiêu đề của bộ phim "Crimea: Đường về Tổ quốc". Từ "Tổ quốc" mà tác giả sử dụng là cách mà người dân Nga thường trìu mến gọi đất nước mình: "Rodina", hay còn có thể hiểu là "Đất Mẹ".

Hàng nghìn người dân thuộc các thế hệ tập trung tại quảng trường Lenin ở trung tâm thành phố để tham dự kỷ niệm 1 năm ngày sáp nhập vào Nga. Ảnh: Duy Trinh - Phóng viên TTXVN tại LB Nga


Bộ phim khiến một số người ngạc nhiên khi đã đề cập tới cả những thông tin không có bằng chứng xác thực như âm mưu, bị cho là do các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine tiến hành, đầu độc một hồ chứa nước chuyên cung cấp nước uống cho người dân bán đảo Crimea.

Ủy viên Công tố Crimea Natalia Poklonskaya, được bổ nhiệm sau khi Nga tiếp nhận Crimea, đã có một phát biểu đáng chú ý. Theo bà, việc đưa Crimea trở về Nga - hành động mà Mỹ và các đồng minh cho là đã vi phạm hiệp ước mà Kremlin từng cam kết - là điều đúng đắn và cần phải làm. Không chỉ vậy, bà Poklonskaya còn nhấn mạnh: "Chúa đứng về phía chúng ta". Những nhân vật "anh hùng" ủng hộ Moskva được đề cập tới trong bộ phim còn là các cựu quân nhân Xôviết và thành viên đoàn môtô Night Wolves, những người được ông Putin đề cập tới trong bài phỏng vấn của mình.

Nếu những diễn biến của khu vực bán đảo nằm trên Biển Đen là chủ đề chính của bộ phim thì "ngôi sao" của tác phẩm này chính là nhà lãnh đạo Nga. Trong cuộc phỏng vấn với tác giả Kondrashov, Tổng thống Putin cho biết ưu thế của Nga trong cuộc khủng hoảng này chính là việc ông đích thân nắm quyền điều hành tất cả, đảm bảo chắc chắn các cấp dưới dành sự quan tâm tối đa và chặt chẽ cho các diễn biến liên quan.

Ông Putin còn tiết lộ chính ông là người đã ra lệnh cho giới chức an ninh triển khai kế hoạch cứu sống cựu Tổng thống Yanukovych và đưa ông này tới một nơi an toàn ở tại Nga. Ông cũng đích thân cho triển khai khẩu đội tên lửa chống hạm dọc bờ biển Crimea để chống lại lực lượng Hải quân Mỹ, và đặt kho vũ khí hạt nhân ở mức cảnh báo sẵn sàng trong trường hợp cần thiết.

Ông Putin không giải thích lý do vì sao ông lại tự mình ra lệnh triển khai quân mà chưa cần thông qua Quốc hội, cũng như tại sao giới chức Moskva ban đầu lại phủ nhận việc quân đội có liên quan đến vùng chiến sự. Thay vào đó, nhà lãnh đạo này nói rằng Washington là phía phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng. Ông nói: "Chính các đối tác người Mỹ và bè bạn của họ là những người 'thai nghén' lực lượng dân tộc chủ nghĩa và kích động quân đội" chiếm chính quyền Kiev. Ông khẳng định những sự chuẩn bị này đã diễn ra tại miền Đông Ukraine, cũng như tại các nước NATO là Ba Lan và Litva. Ông Putin đặt câu hỏi: "Các đối tác của chúng ta đã hành xử ra sao? Họ đã kích động một cuộc đảo chính".

Được cho là nhằm mục đích xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa Moskva với các nước phương Tây và dập tắt các lo ngại cho rằng ông Putin đang muốn hiện thực hóa một cuộc chiến tranh, bộ phim tài liệu nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Nga không phải là một kẻ hiếu chiến. Tác giả Kondrashov cho biết trong khi nhiều chuyên gia quân sự cứng rắn tại Nga muốn có đối đầu cương quyết hơn với phương Tây thì Tổng thống Putin lại từ chối, đồng thời cho rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, và thế giới không cần tái diễn cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba.

Nhắc lại các cuộc nói chuyện giữa mình với Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng như các nhà lãnh đạo phương Tây khác trong suốt cuộc khủng hoảng Crimea, ông Putin cho biết ông đã thẳng thắn nói rằng mình sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ những gì mà ông coi là lợi ích sống còn của Nga: "Tôi đã khẳng định với họ rằng nơi đó (Crimea) vốn thuộc lãnh thổ của Nga. Người dân Nga đang sinh sống tại đây, và họ đang gặp nguy hiểm. Chúng tôi không thể bỏ mặc họ".


TTK

Crimea một năm sau ngày trở về Đất mẹ Nga
Crimea một năm sau ngày trở về Đất mẹ Nga

Hơn một năm sau cuộc trưng cầu dân ý thể hiện nguyện vọng trở về Nga của đa số cử tri Crimea, cuộc sống nơi bán đảo này đã có nhiều thay đổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN