Giám đốc Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran Ali-Akbar Salehi (phía dưới) tại phiên họp Quốc hội ở thủ đô Tehran ngày 11/10. Ảnh: THX/TTXVN. |
Ngày 18/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt bút ký thỏa thuận hạt nhân Iran. Như vậy, thỏa thuận quốc tế này chính thức có hiệu lực. Tờ "Người Hướng dẫn Khoa học đạo Cơ đốc" (Mỹ) ngày 18/10 cho rằng nếu thỏa thuận này thành công, nó có thể đánh dấu bước tiến đầu tiên hướng đến việc khôi phục sự ổn định tương đối tại khu vực Đại Trung Đông, nhờ đó Mỹ có thể giảm bớt sự hiện diện tại đây. Ngược lại, nếu thất bại, tình trạng hỗn loạn hiện nay của khu vực sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.
Khi lần đầu tiên bước chân vào phòng Bầu dục, ông Barack Obama phải thừa kế một mới hỗn độn. Lúc đó, người Mỹ cũng như người dân trên toàn thế giới đã ngây thơ tin rằng vị Tổng thống có tài lôi cuốn công chúng này có thể lập lại trật tự. Tuy nhiên, giờ đây khi chỉ còn hơn một năm nữa là ông Obama kết thúc nhiệm kỳ, dư luận vẫn chưa thấy sự khởi đầu mới nào xuất hiện, và nhìn chung thế giới vẫn trong tình trạng lộn xộn. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng chính sách đối ngoại của ông Obama sẽ để lại những hệ quả thực sự cho thế giới. Tốt hay xấu thì có lẽ phải vài năm nữa mới kết luận được. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là việc ông Obama có đi vào lịch sử nước Mỹ như một người hùng hay không rốt cuộc phụ thuộc vào việc thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được thực thi như thế nào.
Hiện tại, dự án quân sự của Mỹ tại Iraq đã thất bại và “chương trình nghị sự tự do” chưa đi đến đâu. Tồi tệ hơn nữa là bất luận đã có hàng nghìn người Mỹ phải bỏ mạng, hàng trăm tỷ USD bị tiêu tốn, các nỗ lực quân sự của Mỹ trên thực tế đã khiến cho an ninh của khu vực Đại Trung Đông tồi tệ đi rất nhiều, với tình trạng bạo lực tôn giáo cực đoan lan rộng.
Với sáng kiến Iran, ông Obama muốn đảo ngược tình thế. Mục tiêu cuối cùng của sáng kiến này là một mũi tên trúng hai đích: một là, giải thoát cho quân đội Mỹ khỏi thứ đã trở thành một cuộc chiến tranh không có hồi kết; hai là, đẩy trách nhiệm duy trì ổn định khu vực sang cho những nước có nhiều thứ để mất nhất nếu như tình trạng bất ổn này cứ kéo dài.
Ông Obama đang đặt cược rằng bằng cách khôi phục vị thế của Iran như một cường quốc khu vực - là một “bên xây dựng” chứ không phải là “kẻ phá quấy” - một sự cân bằng quyền lực nào đó sẽ xuất hiện và do đó Mỹ có thể thoát khỏi đầm lầy mà họ tự lao vào. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chính phủ Israel có đồng ý tham gia canh bạc của ông Obama hay không? Hoàng gia Saudi Arabia và người Sunni Arập nói chung có tán thành không?
Thái độ lưỡng lự của những thế lực trên là hoàn toàn dễ hiểu. Nếu canh bạc này thất bại, họ rất có thể bị đẩy vào giữa làn đạn, phải đương đầu với một Iran được trao quyền "rửa hận". Những kịch bản đáng sợ có thể xảy ra bao gồm: một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên toàn khu vực, chiến dịch chống người Do Thái lan rộng tại các quốc gia đua nhau thể hiện sự trung thành với đạo Hồi, hoặc Israel tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu với lý do đang phải đương đầu với một mối đe dọa hiển hiện. Tất cả đều có thể xảy ra.
Việc ông Obama có đi vào lịch sử nước Mỹ như một người hùng hay không rốt cuộc phụ thuộc vào việc thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được thực thi như thế nào. |
Do đó, đối với Israel và các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, sức hấp dẫn của một nền hòa bình kiểu Mỹ - tức là binh sĩ Mỹ đồn trú vĩnh viễn tại khu vực để duy trì trật tự và kiểm soát phần tử ngoan cố này (Iran) - là điều không có gì phải bàn cãi. Vấn đề là những nỗ lực của Mỹ nhằm kiểm soát Đại Trung Đông đã bị chệch hướng. Nền hòa bình kiểu Mỹ có thể phát huy tại một số nước vào một số thời điểm, song chắc chắn nó đang không có lợi cho nước Mỹ. Trầy trật bám giữ chính sách sai lầm này sẽ làm phương hại, chứ không thể củng cố an ninh của nước Mỹ, và sẽ làm xói mòn vị thế của Mỹ trên thế giới.
Chẳng sớm thì muộn, thực tế tại khu vực sẽ buộc những kẻ sùng bái nước Mỹ phải thừa nhận rằng quyền lực của Mỹ cũng có những giới hạn thực sự. Chẳng sớm thì muộn, các đồng minh của Mỹ tại Đại Trung Đông - kể cả Israel - sẽ phải mở cửa cho một tiến trình thỏa hiệp từng bước, tuy là rất chậm, giữa người Do Thái và người Hồi giáo, giữa người Sunni và người Shi'ite, giữa người Arập và người dân vùng Vịnh.
Nếu canh bạc của ông Obama thành công, có thể phải mất 1 thập niên hoặc lâu hơn mới biết được những kết quả mang lại là gì. Ngay cả trong kịch bản tốt nhất, tức là Iran chọn trở thành một "cổ đông có trách nhiệm", đồng thời từ bỏ hoạt động khủng bố và tuân thủ cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân, thì cũng khó có thể kỳ vọng vào nền hòa bình và sự hài hòa giữa các tôn giáo lan tỏa ngay lập tức. Những nhân tố gây bất ổn Đại Trung Đông nhiều và đa dạng đến mức không một bước đột phá ngoại giao nào có thể giải quyết hết được. Xét cho cùng, nếu tất cả các bên liên quan tập trung trí lực, họ có thể làm được nhiều điều cho an ninh khu vực hơn là Mỹ.