Giới kinh tế đang tập trung theo sát những động thái quanh vấn đề hạt nhân Iran. Triển vọng Mỹ cũng như châu Âu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và Iran, nước có trữ lượng dầu thô đứng thứ tư thế giới, sẽ chính thức trở lại thị trường và bơm thêm một lượng dầu mỏ đáng kể sẽ tác động mạnh mẽ tới bức tranh thị trường dầu mỏ quốc tế. Iran có trữ lượng dầu thô đứng thứ tư thế giới. |
Theo các chuyên gia, nếu Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận cụ thể vào cuối tháng 6/2015 liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran thì cũng phải chờ tới năm 2016, việc bãi bỏ cấm vận xuất khẩu dầu của Tehran mới được thực hiện. Khi đó, thị trường dầu mỏ quốc tế sẽ tiếp nhận thêm từ 500.000 đến 700.000 thùng/ngày từ đất nước Hồi giáo này. Thông tin đó khiến các công ty dầu khí đá phiến của Mỹ rất lo ngại. Theo các chuyên gia kinh tế, các công ty dầu khí đá phiến Mỹ sẽ khó có thể trụ được với giá dầu thô ở mức 45 - 55 USD/thùng như hiện nay. Nếu Iran quay trở lại thị trường, giá dầu thô thậm chí sẽ còn thấp hơn nữa, bởi hiện tại Iran chỉ được phép xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mức 2,5 triệu trước khi lệnh cấm vận được áp đặt.
Khác với các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ hiện đang phải tiếp tục tạm ngừng hoạt động thêm 11 giàn khoan dầu trong tuần trước xuống còn 802 giàn khoan, các tập đoàn liên quan tới dầu mỏ đa quốc gia khác đang rất háo hức chờ đợi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ để bắt tay làm ăn với Teheran.
Theo nhật báo Nikkei, các tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới như BP (Anh), Royal Dusch Shell (Hà Lan), Total (Pháp)... đã nhiều lần tiếp xúc với phía Iran. Đặc biệt, châu Âu đang trông đợi vào nguồn cung cấp khí đốt từ Iran, nước chiếm tới 20% tổng trữ lượng khí đốt thế giới. Cho tới nay, tiềm năng xuất khẩu khí hóa lỏng của Iran là rất lớn. Nước này cũng chưa có cơ sở hóa lỏng và chỉ xuất khẩu sang một số nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ... qua hệ thống đường ống dẫn. Nếu được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, thì dự án Iran xuất khẩu khí đốt sang châu Âu bằng một hệ thống đường ống sẽ trở thành hiện thực.
Cho tới nay, không ít lần ý kiến xây dựng một hệ thống đường ống khổng lồ kết nối từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp tới Italy và châu Âu đã được đề xuất. Đây sẽ không phải là dự án khổng lồ chỉ do lĩnh vực tư nhân thực hiện. Liên minh châu Âu vốn đang chịu “o ép” do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga, sẽ rất hào hứng và tham gia thực hiện dự án này.
Apple - "gã khổng lồ" danh tiếng về công nghệ của Mỹ - cũng đã tiến hành đánh giá, điều tra thị trường tiêu thụ sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng tại Iran. Vào cuối năm 2014, thời báo Wall Street của Mỹ cũng tiết lộ thông tin một số tập đoàn lớn của Mỹ đang tìm kiếm khả năng xây dựng hệ thống đại lý tại Iran.
Cũng trong năm 2014, tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 1979, xuất khẩu linh kiện máy bay sang Iran. Dấu hiệu đó cho thấy bất chấp tình trạng chính quyền Mỹ và Iran vẫn không có quan hệ ngoại giao, các tập đoàn hàng đầu của Mỹ vẫn tìm cách tiếp cận Iran để chờ đợi cơ hội tràn vào thị trường khổng lồ và tiềm năng này. Các tập đoàn lớn của Pháp, Italy... trong năm 2014 cũng đã cử các phái đoàn khảo sát tới Iran.
Iran có dân số 78 triệu và thu nhập quốc dân trên đầu người đạt 6.000 USD một năm. Đây là một quốc gia ứng cử viên hàng đầu trở thành một nước mới phát triển.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng không hề muốn chậm chân so với các đối thủ từ Mỹ và châu Âu. Người Nhật vốn có quan hệ kinh tế khá chặt chẽ với Iran, và Tokyo chỉ chịu dừng dự án phát triển dầu khí tại Iran khi Mỹ và phương Tây nhiều lần chỉ trích. Cho tới nay, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn xuất khẩu thiết bị, phụ tùng ô tô cho Iran, mặc dù với số lượng hạn chế, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Không chỉ cơ hội thương mại, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, nhu cầu đổi mới công nghệ trong lĩnh vực dầu khí... của Iran được đánh giá là rất khổng lồ và là “hũ nếp” cho các tập đoàn đa quốc gia.
Tri Phương (TTXVN tại Tokyo)