Thị trường dầu mỏ ‘nóng’, giới đầu tư dự đoán dầu thô sẽ cán mốc 100 USD/thùng

Thị trường dầu mỏ đã khởi đầu năm mới với đà tăng ấn tượng, khi tâm lý tích cực về nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đi kèm với những lo ngại về nguồn cung, khiến giới đầu tư dự đoán giá dầu ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) sẽ cán mốc 100 USD/thùng trong năm nay.

Chú thích ảnh
Nguồn cung dầu mỏ trong năm 2022 được dự báo sẽ không có đột biến. Ảnh: Getty Images

Trong tuần đầu tiên của năm 2022, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng 5%, lấy lại toàn bộ mức giá sụt giảm hồi tháng 12 – thời điểm biến thể Omicron xuất hiện, gây đe dọa về cầu tiêu thụ sụt giảm trước viễn cảnh các nước tái áp đặt các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/1, dầu Brent giảm 1 USD, xuống còn 80,92 USD/thùng, dầu WTI giảm 0,8%, xuống mức 78,27 USD/thùng. Nhưng giới phân tích và giao dịch dầu mỏ vẫn đặt cửa cho đà đi lên của giá dầu trong thời gian tới, khi những đứt gãy về nguồn cung ngày một rõ nét.

“Chúng ta vẫn chưa phải đối diện với thị trường con gấu (giá xuống) đối với dầu thô trong năm nay, dù là xét dưới góc độ hàng hóa, nhà đầu tư hay khách hàng công ty”, Michael Tran, nhà chiến lược về thị trường năng lượng tại quỹ Capital Markets, nhận định.

Chính điều này đã dẫn tới sự gia tăng mạnh của quyền chọn mua (call opitons), với vị thế mở mua ở mức giá 100 USD/thùng đối với dầu thô giao tháng 6 năm 2022 tăng 10% trong tuần vừa qua. Kể từ tháng 9/2021, vị thế mở mua đối với mức giá 105 USD/thùng và 150 USD/thùng đã tăng 14 lần.

Quyền chọn mua, khái niệm tạo quyền cho bên mua, nhưng không có nghĩa vụ nhận dầu trên thực tế, là quyền mua hàng hóa ở một mức giá cụ thể. Đơn cử, nếu quyền mua với giá 100 USD/thùng thời điểm tất toán hợp đồng trong tháng 6, điều này đồng nghĩa với việc giá dầu sau chưa đầy 6 tháng tới sẽ tăng gần 30% so với mức giá hiện tại.

Lo ngại nguồn cung: Một thách thức chủ chốt mà các thị trường dầu mỏ đang phải đối mặt là những đứt gãy về nguồn cung, vốn đang tạo ra khan hiếm về cung dầu mỏ bất chấp việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) theo đuổi kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 2.

Theo Daniel Hynes, chiến lược gia cao cấp về hàng hóa tại ngân hàng ANZ, nhiều nước thành viên OPEC+ đang phải vật lộn với việc đạt mục tiêu sản lượng kể từ tháng trước. Nga không thể vươn tới ngưỡng sản lượng như dự kiến trong tháng 1, trong khi Nigeria gặp phải khó khăn dai dẳng về bảo đảm cơ sở tích trữ, vận hành hệ thống trước nạn trộm cắp, phá hoại. Thời tiết lạnh giá ở Canada và Mỹ cũng làm đứt gãy dòng dầu khai thác.

RBC lưu ý rằng OPEC+ dù vẫn kiên định với kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày theo từng tháng, nhưng dữ liệu cho thấy mức sản lượng tăng thêm hàng tháng thời gian qua thực chất chỉ đạt 250.000 thùng/ngày, do thiếu hụt nguồn cung điện dẫn đến hoạt động khai thác bị hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc đã có tới gần 14 triệu thùng dầu không được bơm ra thị trường trong quý 4 năm 2021 như cam kết.

Libya là một thành viên của OPEC phải đối mặt với thách thức từ xuất khẩu dầu thô. Nước này đã ngưng xuất khẩu dầu từ hai cảng lớn sau khi các tay súng đối lập đóng cửa giếng dầu lớn nhất ở Libya ba tuần trước đây. Kế đến là những bất ổn xảy ra tại Kazakhstan, đe dọa đến sản lượng xuất khẩu dầu của quốc gia Trung Á này.

Chú thích ảnh
Cầu tiêu thụ dầu thô tại Trung Quốc trong năm 2022 vẫn còn là một ẩn số. Ảnh: Chinadaily

Cầu tiêu thụ đứng vững: Giới phân tích chiến lược nhận định nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ vẫn mạnh bất chấp việc biến thể Omicron lây lan trên phạm vi toàn cầu. Theo dữ liệu thống kê của ANZ, tần suất sử dụng xe ô tô trong di chuyển, đi lại tại các thị trường chủ chốt ở châu Âu và Mỹ cuối tháng 12 gần như không thay đổi so với thời điểm đầu tháng. Còn tại châu Á, lượng dầu diesel bán ra ở Ấn Độ tăng trong tháng 12, tiến sát tới ngưỡng tiền đại dịch.

Tuy nhiên, các nhà chiến lược cũng cảnh báo chính sách kiểm soát COVID-19 mạnh tay của Trung Quốc trước sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể sẽ là một nguy cơ đáng kể với nguồn cầu.

“Trong khi các nước khác thích ứng sống chung với COVID-19, Trung Quốc rõ ràng vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách zero-COVID (không COVID). Đây là một nguy cơ với cầu tiêu thụ dầu mỏ, bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới”, Warren Patterson, người dứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING, nhận định.

Theo ông Patterson, Trung Quốc hiện cũng đang chuẩn bị đón Tết âm lịch, thời điểm thường ghi nhận gia tăng hoạt động đi lại trên cả nước. Vì thế, bất kỳ lệnh hạn chế nào được áp đặt tại Trung Quốc về phòng dịch đều có tác động tới tiêu thụ dầu mỏ.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Financial Reivew)
OPEC+ nhất trí duy trì chính sách dầu mỏ hiện nay trong tháng 2
OPEC+ nhất trí duy trì chính sách dầu mỏ hiện nay trong tháng 2

Ngày 4/1, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 2 tới, trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN