Thêm chặng 'dừng nghỉ' phía trước

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng dự báo không mấy khả quan vào cuối năm, trong khi lạm phát vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% dù đã lùi xa khỏi mức kỷ lục… Đó là những lý do khiến giới phân tích tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thêm một chặng "dừng nghỉ" trong lộ trình tăng lãi suất của mình tại cuộc họp tháng 11.

Chú thích ảnh
Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Sau lần tăng lãi suất gần đây nhất hồi tháng 7, Fed nhiều khả năng sẽ có thêm một quyết định không tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) tuần này, qua đó giữ nguyên biên độ lãi suất cơ bản 5,25% -5,5% hiện nay. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng của nền kinh tế dù tăng 0,7%, song có thể xu thế này không bền vững khi các số liệu điều tra cho thấy người dân Mỹ đang tăng chi tiêu bằng tiền vay ngân hàng và tiền tiết kiệm trong thời gian đại dịch COVID-19. Các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ tính tới yếu tố này. Nối lại lộ trình tăng lãi suất và siết chặt dòng tiền trong bối cảnh đó sẽ tạo thêm gánh nặng cho người đi vay. Theo giới quan sát, đó là điều Fed không mong đợi khi mùa mua sắm dịp cuối năm tại Mỹ đang tới gần.

Ông Josh Shapiro, kinh tế gia trưởng tại tổ chức tài chính MFR Inc, nhận định Fed sẽ không tăng lãi suất trong tháng 11 để tránh đẩy mùa mua sắm tại Mỹ vào viễn cảnh ảm đạm và đợt tăng lãi suất tiếp theo của ngân hàng trung ương nước này có lẽ sớm nhất cũng phải giữa tháng 12 tới. Ông Stephen Stanley, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ tại Quỹ Santander, chia sẻ quan điểm này khi cho rằng FOMC sẽ “án binh bất động” ít nhất 6 tuần nữa.

Theo chuyên trang tài chính Forbes, có nhiều cơ sở để tin rằng Fed sẽ tiếp tục “rà phanh lãi suất” thêm một thời gian để lắng nghe phản ứng của nền kinh tế và các thị trường tài chính. Thứ nhất, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng mạnh trong những tháng gần đây. Tại cuộc họp tháng 9/2023 của FOMC, lợi tức đạt mức 4,5% và hiện tại đã lên tới gần 4,9%. Đó là bước nhảy vọt đối với một chỉ số quan trọng vốn luôn được Fed theo dõi chặt chẽ trước khi đưa ra các quyết định về lãi suất. Trên thực tế, các quan chức Fed đánh giá sự gia tăng của lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ không khác gì một đợt tăng lãi suất, do đó Fed có thể trì hoãn lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng này thêm một thời gian. Thứ hai, các chỉ số kinh tế mới công bố của nền kinh tế số 1 thế giới là khá tươi sáng.

Lạm phát dù còn khá cao song tiếp tục giữ đà hạ nhiệt. Đây là thước đo chính, là chỉ số quan trọng hàng đầu tác động tới các quyết định lãi suất của Fed lúc này. Trong tháng 9 vừa qua, lạm phát chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi ở mức 3,7%. Bên cạnh đó, thị trường việc làm - mặc dù tiếp tục hoạt động tương đối nóng - cũng đang cho thấy sự cân bằng hơn giữa cung và cầu, trong khi tăng trưởng tiền lương chậm lại.

Ông Carl Tannenbaum, kinh tế gia trưởng tại Northern Trust Co, dự báo Fed sẽ không tăng lãi suất do các quyết định trước đây của ngân hàng này đang bắt đầu phát huy tác dụng, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ.

Tờ The Wall Street Journal cho rằng xu thế tăng giá hàng hóa tiếp tục chiều hướng đi lên trong tháng 9 vừa qua, song chưa đủ để khiến ngân hàng trung ương Mỹ nối lại lộ trình tăng lãi suất. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng, một thước đo lạm phát ưa thích khác của Fed, đã tăng 0,4% so với tháng trước. Giá lõi, không bao gồm các loại thực phẩm và năng lượng vốn luôn biến động, cũng tăng 0,3% trong cùng kỳ. Tại cuộc họp tháng trước, ban lãnh đạo Fed dự báo lạm phát lõi sẽ giảm xuống ngưỡng 3,7% trong quý IV/2023. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất cho thấy lạm phát thậm chí có thể giảm sâu hơn mức dự báo nói trên. Thực tế này càng củng cố thêm quan điểm chưa cần thiết tăng lãi suất của Fed.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính nổi tiếng của P.MorganChase, ông Michael Feroli, nhận định Fed sẽ nối lại lộ trình tăng lãi suất sau tháng 11. Giới phân tích và các thị trường tài chính cũng để ngỏ khả năng này. Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York hôm 19/10, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh tỷ lệ lạm phát hiện nay vẫn “quá cao”, con đường giảm lạm phát của Mỹ còn nhiều khó khăn, đồng thời tái khẳng định cam kết của ngân hàng này trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo chuyên gia Gus Faucher tại Tập đoàn Dịch vụ Tài chính The PNC, phát biểu của Chủ tịch Powell phát đi tín hiệu rằng Fed sẵn sàng tăng lãi suất trở lại, phụ thuộc vào các chỉ số lạm phát và thị trường lao động trong giai đoạn từ đầu tháng 11 tới giữa tháng 12, thời điểm FOMC nhóm họp lần cuối cùng trong năm 2023.

Thăm dò của trang tài chính www.marketwatch.com cho biết có tới 98,2% khả năng Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 11 và cũng chỉ có 24,5% cơ hội tăng chi phí cho vay trong tháng 12. Song nhiều tín hiệu cho thấy khả năng Fed sẽ có thêm ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa, có thể vào quý II/2024, trước khi đảo chiều chính sách và hạ lãi suất.

Trần Thanh Tuấn (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)
Kinh tế toàn cầu ở 'thời điểm nguy hiểm' giữa những thách thức địa chính trị
Kinh tế toàn cầu ở 'thời điểm nguy hiểm' giữa những thách thức địa chính trị

Xung đột Israel - Hamas, vốn đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, đã tạo ra thêm sự bất ổn trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và chi phí vay cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN