Thế trận chiến hào ở Ukraine và nhân tố quyết định thắng lợi trên chiến trường

Chắc chắn vào năm 2023, sẽ phải là các cuộc chiến tranh công nghệ cao, thương vong thấp bằng cách sử dụng máy bay không người lái và chiến tranh mạng. Nhưng làm thế nào mà Ukraine vẫn bị mắc kẹt trong cuộc chiến kiểu xa xưa này?

Chú thích ảnh
Chiến tranh chiến hào tái hiện lại cảnh tiền tuyến của cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất, nhưng ngày nay chúng mang lại sự phòng thủ quan trọng cho Ukraine trước quân đội Nga Lính Ukraine trong một chiến hào theo hướng Bakhmut. Ảnh: Getty Images

Mỗi người lính đều mang theo một công cụ đào hào. Cồng kềnh và không hiệu quả, những chiếc thuổng gấp nhẹ này rất dễ lột da khỏi lòng bàn tay và ngón tay của họ. Việc sử dụng chúng là một định nghĩa trực quan cho lao động nặng nhọc. Tuy nhiên, công cụ này lại được bộ binh Ukraine vô cùng trân trọng, chúng được giữ sạch sẽ, bôi dầu và luôn sắc bén, sẵn sàng để sử dụng.

Theo tờ Telegraph (Anh), thái độ của họ xuất phát từ một sự thật rất đơn giản về chiến hào: chúng là "mẫu số chung" thấp nhất của chiến tranh. Khi tất cả công nghệ bị tiêu hao hoặc vô hiệu hóa - và đặc biệt là khi bạn không thể di chuyển qua lại hoặc xung quanh, hỏa lực của kẻ thù dội vào bạn - hệ thống chiến hào sẽ sinh sôi nảy nở. Những người lính sẽ đào xới rất nhiều, bởi vì đất nén là một trong những chất hấp thụ chất nổ cao tốt nhất hiện có. Trong chiến hào, họ sẽ được bảo vệ hoàn toàn khỏi các loại vũ khí nhỏ và, tùy thuộc vào thiết kế của chiến hào, và ngoại trừ các đòn đánh trực diện, người lính sẽ được bảo vệ đáng kể khỏi pháo binh, súng cối và không kích. Trong một chiến hào được xây dựng tốt, họ sẽ sống để tiếp tục chiến đấu.

Đó là hy vọng ở miền Đông Ukraine, đặc biệt là Bakhmut, nơi xung đột chiến hào đã xuất hiện trở lại, với các cuộc tấn công bằng pháo và tên lửa được cả hai bên thực hiện trên một chiến trường dày đặc mìn. Những phóng sự khủng khiếp xuất hiện trên truyền hình, về bùn, máu và thi thể của những người lính ngập trong bùn lỏng, những căn hầm đầy thương binh.

Bất kỳ khu đất nào ở Bakhmut đều được tính bằng mét và hàng nghìn thương vong, giống như trong Thế chiến thứ nhất. 

Video binh sĩ Ukraine di chuyển dưới chiến hào (Nguồn: Telegraph)

Chiến tranh chiến hào - thứ ít thay đổi trong hơn 100 năm qua 

Đối với công chúng, các thông tin về chiến tranh chiến hào ở Ukraine vừa gây ngạc nhiên vừa gây đau buồn. Người ta nhớ đến những cuộc không chiến ở Iraq – những vụ đánh bom “sốc và kinh hoàng” ở độ cao lớn, điều dường như báo hiệu sự kết thúc của việc cơ động trên mặt đất lầy lội.

Chắc chắn vào năm 2023, sẽ phải là các cuộc chiến tranh công nghệ cao, thương vong thấp bằng cách sử dụng máy bay không người lái và chiến tranh mạng. Nhưng làm thế nào mà Ukraine vẫn bị mắc kẹt trong cuộc chiến kiểu xa xưa này?

Câu trả lời nằm trong các bộ phim như "All Quiet on the Western Front" (tựa Việt: Phía Tây không có gì lạ) hoặc Journey’s End (Hành trình cuối): những chiến hào thời Đại chiến thế giới thứ nhất.

Trong Thế chiến I, lần đầu tiên pháo với thuốc nổ mạnh được sử dụng rộng rãi, cả hai bên buộc phải đối đầu với hệ thống chiến hào kéo dài từ Thụy Sĩ đến Biển Bắc.

Chú thích ảnh
Cảnh binh sĩ dưới chiến hào trong phim "Phía Tây không có gì lạ". Ảnh: TIME

Không bên nào muốn kết thúc bằng việc tấn công hệ thống chiến hào đối phương. Và trong ba năm đầu tiên của cuộc chiến, không bên nào có khả năng xoay chuyển hoặc vượt qua kẻ thù của mình.

Các chiến hào sâu ít nhất 2 mét để binh lính có thể di chuyển mà không cần khom lưng, được bố trí theo hình zig zag, gia cố bằng cọc và ván để không bị sập. Chúng được tổ chức thành một hệ thống, với chiến hào tiền tuyến, chiến hào liên lạc, đường phụ và boongke để cất giữ hoặc ngủ. Và thật thú vị, bởi vì chúng là mẫu số chung thấp nhất của chiến tranh, các chiến hào chỉ thay đổi rất ít về thiết kế trong hơn 100 năm qua.

Chú thích ảnh
Với ít thời gian hơn và ít nhân lực hơn, cộng với tiền tuyến đang thay đổi, các chiến hào gần Donetsk ở Ukraine này cũng tương tự như một thế kỷ trước nhưng ít phức tạp hơn. Ảnh: Getty Images/Maxar Technologies.

Vượt qua chiến hào có thể đồng nghĩa chiến thắng

Kể từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, các cuộc xung đột có xu hướng trải qua giai đoạn chiến hào, khi cả hai bên đều không thể hoặc không sẵn sàng hành động. Khi một bên có thể tạo ra một lực lượng cơ động, các chiến hào sẽ biến mất.

Trận chiến Stalingrad là một trường hợp điển hình; cả hai bên đều giao chiến tay đôi, từng tòa nhà, chiến hào trước khi Liên Xô có thể đẩy một lực lượng của họ qua một phần khác của chiến tuyến và bao vây khoảng 250.000 lính Đức trong và xung quanh thành phố.

Vòng vây cụ thể này và sự đầu hàng sau đó của quân Đức là một trong những điểm quyết định của Chiến tranh thế giới thứ hai và nó sẽ không xảy ra nếu Liên Xô không thể trói quân Đức bằng chiến hào trước khi tấn công ở nơi khác.

Ví dụ này cho chúng ta thấy một sự thật đơn giản hơn nữa về chiến hào: bạn chỉ có thể chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bằng cách di chuyển, bạn không thể giành chiến thắng bằng cách đào sâu, bất kể hệ thống chiến hào của bạn có phức tạp đến đâu. Chỉ có cơ động mới là quyết định, mặc dù các giai đoạn chiến tranh chiến hào đóng một vai trò quan trọng cho phép một bên trói bên kia trong khi họ chuẩn bị một cuộc tấn công vào nơi khác.

Thế trận chiến hào hiện tại và khả năng của Ukraine

Ở Ukraine lúc này, không chỉ ở Bakhmut mà trên khắp các chiến tuyến trải dài từ Kherson ở phía Nam đến Kremina ở phía Bắc, hiện tại, không bên nào có khả năng đột phá hoặc vượt qua hệ thống chiến hào của bên đối phương.

Về phía Nga, có một số lượng rất lớn tân binh hoặc lính đánh thuê được huy động, và không ai trong số họ được đào tạo, có động cơ cũng như thiết bị để vượt qua các phòng tuyến của Ukraine.

Về phần mình, người Ukraine có quân số ít hơn nhiều nhưng chất lượng cao và tinh thần cao hơn nhiều. Do đó, hai bên tương đối đồng đều, và thế trận bế tắc xảy ra.

Chú thích ảnh
Ảnh vệ tinh chiến hào ở Ukraine. Nguồn: Maxar Technologies

Nhưng năm 2023 ở Ukraine phần nào đó có thể giống như năm 1918 ở Pháp. Kể từ đầu năm nay, vũ khí của phương Tây đã chảy vào Ukraine với số lượng lớn hơn bao giờ hết. Cụ thể là xe tăng, xe bọc thép và pháo di động với tầm bắn lớn hơn. Máy bay không người lái cũng được viện trợ. Và tên lửa phòng không để bảo vệ chúng. Đạn dược đã được dự trữ. Các hợp đồng đã được ký kết về cung cấp dịch vụ hậu cần và sửa chữa tuyến hai; thợ máy, lái xe đã qua đào tạo.

Kết hợp lại với nhau, những khả năng này sẽ mang lại cho Ukraine sức mạnh giống như một lực lượng cơ động cấp sư đoàn – nói cách khác, là vài trăm xe tăng và xe bộ binh bọc thép. Nếu được sử dụng cẩn thận, lực lượng này có thể đủ để tạo ra chuyển động ở một nơi khác trên chiến trường Ukraine.

Địa điểm rõ ràng nhất cho cuộc tấn công đó là ở phía Nam của Zaporizhzhia về phía bờ biển Azov. Nếu thành công, cuộc tấn công này sẽ chia cắt lực lượng Nga thành hai nhóm, một nhóm ở Crimea và phía Nam; nhóm còn lại ở phía Đông. Điều quan trọng là cả hai nhóm sẽ không thể củng cố lẫn nhau, khiến Ukraine có nhiều lựa chọn quân sự hơn trong tương lai.

Vậy thời gian có khả năng nhất cho cuộc tấn công này? Sau tháng 5, khi vũ khí của phương Tây đã đến và mặt đất đã khô.

Nhìn vào bối cảnh chính trị toàn cầu – và cụ thể là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 với khả năng các ứng cử viên theo chủ nghĩa biệt lập, Nước Mỹ Trên hết, Ukraine hiểu rằng họ cần phải thành công trong cuộc tấn công này. Không chỉ để làm cho những tổn thất ở Bakhmut trở nên xứng đáng, mà còn giúp họ có thể kết thúc xung đột trong khi vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Telegraph)
Chuyên gia đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu của quân đội Ukraine sau hơn một năm xung đột
Chuyên gia đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu của quân đội Ukraine sau hơn một năm xung đột

Quân đội Ukraine đã trải qua những thay đổi và nâng cấp đáng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN