“Kẻ ngoại đạo” gây bất ngờ
Theo tạp chí Time, ngay từ chặng đầu của mùa bầu cử sau khi các bang hoàn thành bỏ phiếu sơ bộ thì “kẻ ngoại đạo” Donald Trump đã làm thế giới phải kinh ngạc và rùng mình lo ngại bởi kỳ tích đánh bại các đối thủ cùng đảng Cộng hòa. Trong bối cảnh đó, kết quả thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện vào cuối tháng 6 tại 10 nước châu Âu và bốn nước châu Á cho thấy số đông người dân tin tưởng mạnh mẽ rằng ông Trump sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ với thế giới nếu trở thành tổng thống.
85% công dân châu Âu khi được hỏi bày tỏ nghi ngại về năng lực của ông Trump. Còn ở châu Á, 87% người Australia và 82% người Nhật Bản cho biết không thể đặt niềm tin vào tỷ phú bất động sản người Mỹ. Chỉ có ở Trung Quốc thì ông nhận được sự ủng hộ khá hơn khi có 60% người được hỏi nhìn nhận ông Trump có năng lực lãnh đạo. Ngoài ra, các đảng phái có chủ trương phản đối người nhập cư và chống Liên minh châu Âu (Eurosceptic) cũng dành tỷ lệ ủng hộ đáng kể hơn cho ông Trump.
Nhiều nước lo sợ khả năng ông Trump làm tổng thống. |
Nguy hiểm, đáng sợ… là những từ ngữ mà các chính trị gia, nhà ngoại giao và giới phân tích trên khắp thế giới dùng để mô tả chiến dịch tranh cử của ứng viên Trump. Một nhà ngoại giao ở Brussels nhận định nếu Donald Trump đắc cử: “Đó sẽ là mối tổn hại to lớn đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Chúng ta sẽ hy vọng rằng Tổng thống Trump sẽ không cực đoan như ứng cử viên Trump”. Các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tỏ phản ứng dữ dội sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa chỉ trích các nước này không đóng góp tài chính để được bảo trợ trong chiếc ô an ninh Mỹ.
Tuy nhiên, không phải cả thế giới này đều quay lưng lại với doanh nhân Donald Trump. Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin là nhân vật chính trị công khai ủng hộ ông Trump sớm nhất. Trong bối cảnh quan hệ Moskva - Washington đang “nóng như lửa đốt”, Tổng thống Putin đã khen ngợi tỷ phú 70 tuổi là “người có tài”, đồng thời hoan nghênh ý định tăng cường quan hệ với Nga của ông Trump. Trả lời Reuters, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Mỹ - Nga, Victoria Zhuravleva vui mừng nói: “Khi bạn nghe thấy điều gì đó không còn nghiêm trọng thậm chí còn thân thiện đối với đất nước của mình, như thể: ‘Ơn Chúa, chỉ có một người mà chúng tôi có thể nói tới: Donald Trump’”. Tại quốc gia đang căng thẳng với Mỹ, báo chí nhà nước Triều Tiên đã đánh giá ông Trump là một “chính trị gia khôn ngoan” và “ứng cử viên tổng thống biết nhìn xa trông rộng”, cũng như hài lòng với tuyên bố rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc của ứng cử viên này. Trong khi đó, phần đông chính trị gia của Israel - đồng minh Trung Đông thân cận nhất của Mỹ - vẫn cẩn trọng không để lộ quan điểm ưng ý “đấu sĩ” nào hơn.
Người được kỳ vọng
Dựa trên thông tin và bình luận từ các chính trị gia trên thế giới, rõ ràng họ có xu hướng cởi mở hơn với bà Clinton. Với kinh nghiệm là Thượng nghị sĩ New York, Đệ nhất Phu nhân và Ngoại trưởng, nữ chính khách này nắm rõ cách thế giới này vận hành. Có lẽ quan trọng hơn cả, bà đã tường tận tình hình chính trị toàn cầu, những thuận lợi, những thách thức hiện tại đối với nước Mỹ qua người bạn là Tổng thống Obama. Các lãnh đạo thường xuyên làm việc với ông Obama sẽ có thể tin cậy được vào chính sách đối ngoại tương đồng của bà Clinton.
Bà Clinton được nhiều chính trị gia nước ngoài ưu ái hơn. |
Ông Silvio Berlusconi, cựu Thủ tướng Italy dù có quan điểm tiêu cực về các “bà mẹ làm lãnh đạo” nhưng vẫn ủng hộ bà Clinton đắc cử. Còn theo tờ Guardian Anh, nếu người dân châu Âu cũng được bỏ phiếu thì cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ thắng áp đảo. Bởi lẽ, thăm dò dư luận của YouGov tại bảy nước châu Âu cho thấy có 46% chọn bà Clinton, trong khi ông Trump chỉ được 6%. Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cũng được Mexico nhìn với con mắt ưu ái hơn so với ông Trump bởi bà không dọa xây một bức tường chạy dọc biên giới hai nước để ngăn những “kẻ hiếp dâm và tội phạm” chạy sang Mỹ. Thủ tướng Italy Matteo Renzi và người đồng cấp Pháp Manuel Valls nằm trong số đông các chính trị gia quyền lực nhất hiện nay công bố ủng hộ bà Clinton.
Nổi tiếng là người kiên định lập trường và có tài chiến lược, việc bà Clinton lên nắm quyền sẽ khiến các quốc gia cạnh tranh với Mỹ phải dè chừng. Trung Quốc trong thời gian qua đã tức giận với sự hiện diện quân sự của Mỹ tại các vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương công bố chủ quyền ở Biển Đông. Tạp chí Forbes dẫn nhận định của các nhà phân tích chính sách về châu Á ở Mỹ cho rằng, bà Clinton - từng tới thăm 112 quốc gia khi làm Ngoại trưởng Mỹ - sẽ mở rộng các chính sách của người tiền nhiệm trong vấn đề Biển Đông và có thể sẽ theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn, đồng thời duy trì hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á đang quan ngại hành động bành trướng của Bắc Kinh. Còn đối với nước Nga, dù chưa đưa ra bình luận chính thức nào, nhưng việc bà Clinton thắng cử có lẽ sẽ không tạo ra sự khác biệt so với chính phủ Mỹ hiện nay.
Khép lại, mùa bầu cử năm nay có thể thấy cả bà Clinton lẫn ông Trump cùng những hoạch định tương lai của họ như nhận định của phần lớn chuyên gia đều không hoàn hảo. Nhưng cho dù cử tri Mỹ quyết định lựa chọn ai, e rằng chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời tổng thống thứ 45 sẽ có những thay đổi, chuyển ngoặt hay có tính kế thừa vẫn phải đợi tới ngày 8/11 tới.