Theo hãng tin CNN, một ngày sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất kể từ khi ông nhậm chức, ba chỉ huy lực lượng vũ trang của Brazil bao gồm Tư lệnh Lục quân, Hải quân, Không quân lần lượt là Tướng Edson Leal, Đô đốc Ilques Barbosa và Tướng Antonio Carlos Bermudez xin từ chức.
Động thái này đã làm dấy lên suy đoán Tổng thống Bolsonaro đang dần mất đi sự ủng hộ của quân đội trong bối cảnh nhà lãnh đạo này ngày càng nhận nhiều chỉ trích về cách thức đối phó đại dịch COVID-19.
Báo Brazil O'Globo viết: "Quân đội từ chối liên kết chính trị và Tổng thống Bolsonaro thay thế người đứng đầu lực lượng vũ trang". Trong bài viết của mình, tác giả Folha de S. Paulo gọi đây là "cuộc khủng hoảng quân sự lớn nhất kể từ năm 1977”.
Sự ra đi của các tướng lĩnh quân đội nhận được nhiều sự chú ý vì Tổng thống Bolsonaro, từng giữ hàm Đại úy, được cho là có nhiều mối quan hệ mật thiết với các lực lượng vũ trang. Khi ông nhậm chức, ông cũng bổ nhiệm các tướng lĩnh quân sự vào các vị trí trong nội các của mình.
Theo ông Carlos Alberto dos Santos Cruz - một tướng quân đội đã nghỉ hưu và là cựu thành viên cấp cao của chính quyền Tổng thống Bolsonaro, trong khi việc thay đổi nhân sự ở cấp bộ trưởng là bình thường thì việc thay thế ba tư lệnh lực lượng vũ trang mà không có lý do hay thông tin cho công chúng là điểm bất thường”.
Cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra khi Brazil còn đang chật vật kiểm soát làn sóng gia tăng ca mắc COVID-19 mới nhất và được đánh giá là nguy hiểm nhất hiện nay. Với số người chết kỷ lục 3.780 trường hợp vào ngày 30/3 và tỷ lệ phòng chăm sóc đặc biệt ICU được sử dụng tới 90% ở 14 trên tổng số 26 bang, người dân Brazil đang ngày càng bức xúc với Tổng thống Bolsonaro.
Ngay từ đầu, nhà lãnh đạo này đã quá chủ quan trước mức độ nghiêm trọng của đạo dịch. Trong một tuyên bố gần đây, Tổng thống Bolsonaro còn cảnh báo “quân đội của tôi sẽ không đi xuống đường để đảm bảo người dân tuân thủ các lệnh phong tỏa mà các thống đốc đưa ra”, nhằm phản đối các biện pháp hạn chế mà chính quyền bang thiết lập.
Xếp hạng tín nhiệm của ông đạt mức thấp nhất mọi thời đại và khiến ông mất đi sự ủng hộ từ các đảng đồng minh trong Quốc hội. Giới quan sát nhận định cuộc cải tổ nội các mới đây giúp ông tăng cường sự ủng hộ bằng cách trao các vị trí bộ trưởng chủ chốt cho những người thuộc các đảng đồng minh.
Một trong những vị trí bị thay thế khiến dư luận xôn xao là chức bộ trưởng ngoại giao của ông Ernesto Araujo. Cựu Bộ trưởng Araujo đã bị Quốc hội chỉ trích vì mối quan hệ đối kháng với Trung Quốc – quốc gia không chỉ là đối tác thương mại quan trọng mà còn là nhà cung cấp thành phần vaccine chính cho Brazil.
Tuy nhiên, một quyết định khác gây chấn động hơn là việc miễn nhiệm cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Fernando Azevedo e Silva. Mối quan hệ giữa hai bên đã trở nên căng thẳng trong những tuần gần đây. Trong lá thư từ chức của mình, Tướng Azevedo e Silva chỉ rõ ông đã "giữ gìn Lực lượng vũ trang như một cơ quan của nhà nước”.
Trái ngược với phán đoán của giới quan sát, Bộ trưởng truyền thông của Tổng thống Bolsonaro, ông Fabio Faria khẳng định những thay đổi nhân sự gần đây không phản ánh bất kỳ rạn nứt lớn nào.
“Không có sự thay đổi trong mối quan hệ giữa chính phủ và các lực lượng vũ trang. Tổng thống là một quân nhân và mối quan hệ với quân đội vẫn rất thân thiết”, Bộ trưởng Faria trả lời CNN Brasil.
Faria nói thêm sẽ có một "quy trình chuyển giao êm đẹp" khi các chỉ huy mới được bổ nhiệm. Theo truyền thống, tổng thống chọn chỉ huy từ một danh sách do các lực lượng vũ trang cung cấp. Trên thực tế, Tổng thống Bolsonaro đã nhắm chức Bộ trưởng Quốc phòng cho Tướng Walter Souza Braga Netto, trước đây từng làm Chánh Văn phòng Nội các của ông.
Theo Giáo sư Carlos Melo làm việc tại Đại học Sao Paulo, cách thức đối phó với COVID-19 của Tổng thống Bolsonaro đã không giành được sự ủng hộ từ phía quân đội. "Rõ ràng ông Bolsonaro nhận ra ông ấy không thể áp đảo Bộ Quốc phòng như mong muốn và ông ấy đang tìm cách giành được điều đó vào ngay lúc này”.