Biểu tượng sụp đổ
Theo CNN, công ty 132 tuổi này đã chật vật tồn tại trong nhiều năm qua và chìm trong nợ nần. Giọt nước làm tràn ly là khoản nợ 134 triệu USD đáo hạn ngày 15/10 mà Sears không đủ khả năng thanh toán.
Sears Holdings, công ty mẹ của Sears và Kmart, là một trong hàng chục nhà bán lẻ lừng lẫy đã tuyên bố phá sản trong kỷ nguyên của Amazon.
Thông tin Sears nộp đơn lên tòa án phá sản liên bang ở New York xuất hiệu đầu giờ sáng 15/10. Công ty đã phát một tuyên bố nói rằng có ý định ở lại ngành bán lẻ, vẫn duy trì các cửa hàng làm ăn có lãi cùng với trang web Sears và Kmart.
Tính tới thời điểm nộp đơn phá sản, khoảng 700 cửa hàng của Sears vẫn mở cửa và công ty có 68.000 người lao động. Con số đó đã giảm từ 1.000 cửa hàng và 89.000 người lao động trong tháng 2.
Tuy nhiên, Sears cho biết đang tìm người mua một số lượng lớn cửa hàng đang hoạt động và sẽ đóng cửa ít nhất 142 cửa hàng vào cuối năm 2018. Đó là chưa kể 46 cửa hàng sẽ bị đóng cửa vào tháng 11 tới theo kế hoạch từ trước. Công ty không loại trừ đóng cửa thêm các cửa hàng trong khi làm thủ tục phá sản.
Ông Eddie Lampert, Chủ tịch công ty và là cổ đông lớn nhất, đã từ bỏ chức danh Tổng giám đốc điều hành. Công ty hiện do ba lãnh đạo cấp cao điều hành.
Nhiều năm qua, ông Lampert cho biết công ty đang có tiến triển trong chấm dứt tình trạng triền miên thua lỗ. Tuy nhiên, trong tuyên bố vừa rồi, ông Lampert lại nói: “Dù có tiến triển nhưng kế hoạch vẫn chưa mang lại kết quả như chúng tôi mong muốn”. Ông cho biết quy trình phá sản sẽ cho phép công ty cơ cấu nợ và chi phí, đồng thời trở thành một nhà bán lẻ có lãi và cạnh tranh hơn.
Theo CNN, mặ dù các nhà bán lẻ thưởng nộp đơn xin phá sản với hy vọng tái cấu trúc nhưng nhiều công ty vỡ nợ sau khi nộp đơn. Trong những năm gần đây, những tên tuổi như Toys “R” Us, RadioShack hay Sports Authority đã theo con đường này tới “nghĩa địa”.
Mùa mua sắm dịp nghỉ lễ sắp tới sẽ đặc biệt thử thách với Sears khi công ty này sẽ phải đạt doanh số cao hơn năm ngoái. Trong khi các nhà bán lẻ truyền thống thường có doanh số mạnh mùa nghỉ lễ nhưng Sears và Kmart thường sụt giảm mạnh.
Vấn đề của Sears
Sears mất dần thiện cảm của người mua sắm trong những năm gần đây trong bối cảnh các cửa hàng trực tuyến và cửa hàng bán lẻ lớn như Walmart và HomeDepot đã vượt trội Sears về ưu thế giá cả, sự tiện lợi và cả kỹ năng làm PR.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề của Sears là tự mình gây ra. Ban quản lý công ty tìm cánh cạnh tranh thông qua đóng cửa các cửa hàng và cắt giảm chi phí. Sears cắt giảm chi tiêu quảng cáo và không đầu tư vào hiện đại hóa các cửa hàng. Dần dần, các cửa hàng của Sears và Kmart đều xuống cấp trầm trọng.
Nếu ghé qua nhiều cửa hàng của Sears, người ta sẽ chỉ thấy các cửa hàng đơn giản, cũ kỹ; ánh sáng lờ mờ với các tấm thảm bẩn bẩn, dây điện lòng thòng trên trần, các giá hàng toàn những đồ rẻ tiền, không hấp dẫn.
Doanh số của Sears sụt giảm. Các khoản lỗ chất chồng hàng tỷ USD. Nợ tăng, dự trữ tiền của công ty cạn kiệt. Sears phải bán nhiều tài sản giá trị nhất như thương hiệu Lands End hay Craftsman và đang tìm người mua thương hiệu Kenmore. Theo đơn xin bảo hộ phá sản, công ty lỗ 125.000 USD/tháng.
Giá trị thị trường của Sears giảm xuống dưới 100 triệu USD vào tháng 9. Doanh số giảm 60% so với năm 2010.
Khi có nhiều dấu hiệu cho thấy Sears sắp phá sản, các nhà cung cấp đòi công ty phải trả tiền mặt trước mới cung cấp hàng, khiến cho công ty càng bất lợi hơn trong cạnh tranh.
Trước đây, khi các giáo sư khoa kinh tế hay phóng viên hỏi các lãnh đạo Sears rằng họ sợ đối thủ nào nhất, câu trả lời luôn giống nhau: không ai cả. Thời hoàng kim, Sears đơn giản là không tin rằng sẽ có bất kỳ nhà bán lẻ nào có thể được coi là đối thủ thực sự của mình. Niềm tự hào đã trở thành tự phụ.
Theo tờ New York Post, Sears từng luôn coi mình là công ty bán hàng cho 80% người Mỹ, có nghĩa là tất cả người Mỹ trừ 10% người giàu nhất và 10% người nghèo nhất. Sears cho rằng chừng nào có thể thu hút 80% đó thì họ sẽ vẫn phát triển.
Tuy nhiên, ngành bán lẻ thay đổi chóng mặt. Nhiều nhà bán lẻ mới xuất hiện như Costco, Walmart hay Amazon đã thay đổi thói quen mua sắm và thu hút dần dần khách hàng của Sears. Trong khi đó, các lãnh đạo Sears chỉ chăm chăm đi theo một con đường. Họ thậm chí không thể thay đổi khi mà cả thế giới thay đổi. Không làm mới mình, Sears đã rơi vào bi kịch tự sát.
Trong khi các đối thủ chọn địa điểm thuận tiện để mở cửa hàng thì Sears vẫn kinh doanh ở những địa điểm cũ, lỗi thời. Hàng hóa của Sears lại lỗi mốt và kém hấp dẫn. Sears cũng không mở rộng sang các ngành khác đang phát triển.
Hiếm có công ty nào tồn tại mãi mãi. Tập đoàn Time từng một thời không thể đánh bại khi trở nên giàu có và hùng mạnh nhờ lấp khoảng trống thông tin mà những người khác bỏ qua, nhưng giờ cũng sống mòn khi không thể thích ứng với môi trường thông tin thay đổi chóng mặt. Hay như tập đoàn Great Atlantic & Pacific Tea (A&P), từng là chuỗi cửa hàng tạp hóa thống lĩnh ở Mỹ nhưng cũng phải đóng cửa hàng cuối cùng năm 2015 sau 156 năm hoạt động.
Khi cả thế giới thay đổi còn mình vẫn dậm chân tại chỗ thì kết cục của Sears là điều được dự báo trước, cho dù đó có là tên tuổi thống lĩnh một thời và không có đối thủ. Cho dù các công ty lớn của Mỹ ngày nay luôn đổi mới, áp dụng công nghệ, kinh doanh đa ngành nghề nhưng bài học của Sears vẫn là một sự ám ảnh. Dù sao thì cách đây một thế kỷ, Sears vẫn là một “cửa hàng có mọi thứ” trước khi Amazon xuất hiện.
Vụ Sears nộp đơn phá sản cho thế giới một bài học lớn: Ngay cả những người khổng lồ cũng không thể tồn tại mãi nếu không thể thích ứng và không thể thay đổi.