Ngày 28/10/2013, một chiếc xe Jeep đã đâm vào một đám đông tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh và bốc cháy, làm 5 người chết và 40 người bị thương. Vụ việc xảy ra ngay tại trung tâm quyền lực chính trị của Trung Quốc lập tức thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận.
Một vụ tấn công khủng bố
Chỉ 10 giờ sau, 5 nghi can đã bị bắt giữ. 3 nghi phạm bị coi là trực tiếp thực hiện vụ tấn công và bị thiệt mạng cũng được xác định - đó là người lái xe tên Usmen Hasan đi cùng với mẹ và vợ. Tất cả số này đều là người Duy Ngô Nhĩ đến từ Tân Cương. Các nghi can, nghi phạm này bước đầu cũng được cho là có mối liên hệ với phong trào đòi ly khai tại Tân Cương. Tại hiện trường, cảnh sát thu được cờ, một số tài liệu với nội dung tôn giáo cực đoan.
Hiện trường vụ tấn công tại Quảng trường Thiên An Môn. |
Tính chất vụ việc cũng được làm sáng tỏ. Kênh truyền hình Trung ương CCTV gọi đây là “tấn công khủng bố”. Ngay sau đó, hôm 1/11, phát biểu tại Tashkent, Uzbekistan, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ quy trách nhiệm cho thế lực đứng sau chỉ đạo là nhóm khủng bố “Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan - ETIM”.
Vụ tấn công, như nhận định của cơ quan an ninh Trung Quốc, được thực hiện một cách có tổ chức, bài bản, có sự xếp đặt. Ngoài 400 lít xăng, nhiều dao “Tây Tạng” và khoản tiền 6.600 USD dùng cho hành động khủng bố, những kẻ chủ mưu đã có sự tính toán kĩ lưỡng về địa điểm, không gian, thời gian thực hiện vụ tấn công. Đây được xem là đòn đánh bạo gan nhất từ trước đến nay - gây nổ ngay tại Quảng trường Thiên An Môn.
ETIM từng bị Liên Hợp quốc và Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế. Các tài liệu Trung Quốc từng công bố cho thấy, ETIM có mối liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaida. Nhóm này được cho là có ý đồ đấu tranh ly khai tiến đến thành lập Nhà nước Đông Thổ hay Đông Đột Quyết (Eastern Turkestan) của riêng người Duy Ngô Nhĩ. |
Thời điểm xảy ra vụ khủng bố được cho là nhạy cảm, đúng lúc các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, tham dự một cuộc họp tại Đại Lễ đường Nhân dân, cách đó khoảng 200 mét; ngay trước thềm Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII (9-12/11), với nhiều chương trình nghị sự quan trọng, gắn với chiến lược phát triển được cho là mang tính chất bước ngoặt tại đất nước đông dân nhất thế giới này.
Hiện chưa rõ mục đích thực sự của thế lực đứng sau gây ra vụ nổ. Nhưng nếu chúng xác định đây là một kiểu hành động “gây tiếng nổ” để “tạo tiếng vang” nhằm phô trương thanh thế thì coi như chúng đã một phần đạt được ý định đề ra, vì dư luận cả ở trong và ngoài Trung Quốc đã biết được một điều: Có một vụ khủng bố xảy ra tại Quảng trường Thiên An Môn - địa điểm được coi là trung tâm chính trị nhạy cảm bậc nhất tại Thủ đô Bắc Kinh.
Những thách thức đặt ra với Trung Quốc
Việc giới chức thừa nhận đó là vụ tấn công khủng bố cho thấy Trung Quốc dường như đã chấp nhận sự thật: Có khủng bố nhằm vào nước này; và hoạt động khủng bố không chỉ xảy ra ở Tân Cương, Tây Tạng - những nơi thường xuyên tiềm ẩn bất ổn, mà còn “gõ cửa” cả Bắc Kinh - trái tim chính trị của cả nước. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi vụ tấn công khủng bố này có liên quan đến yếu tố Hồi giáo, với khoảng 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Cuối cùng, không thể bỏ qua tính chất nghiêm trọng của vụ nổ, khi nó mang dáng dấp khủng bố quốc tế, gắn với kiểu “đánh bom liều chết” thường thấy ở các thế lực thánh chiến Hồi giáo, cộng với việc ETIM là kẻ chủ mưu - như khẳng định của ông Mạnh Kiến Trụ.
Có thể xem đây là “thách thức đầu tay” đối với giới Lãnh đạo thế hệ thứ 5 Đảng Cộng sản Trung Quốc trong ổn định nội trị - vấn đề có tính nguyên tắc trong toàn bộ định hướng “cải cách là biện pháp” dựa trên nền tảng “ổn định làm căn bản”. Về ngắn hạn, việc tăng cường các biện pháp an ninh trên diện rộng là điều có thể thấy trước. Riêng tại Thủ đô, sau cuộc thanh sát trong 2 ngày từ 1-2/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Bắc Kinh Quách Kim Long lập tức yêu cầu lực lượng cảnh sát và an ninh thắt chặt an ninh tại các khu vực trọng yếu, cải thiện năng lực thu thập tin tình báo và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khủng bố.
Trên thực địa, an ninh nghiêm ngặt đã được thiết lập xung quanh Quảng trường Thiên An Môn, với việc lặp đặt các thiết bị dò tìm kim loại. Nhiều hệ thống, thiết bị giám sát an ninh tương tự cũng được triển khai tại các địa điểm công cộng như ga tàu điện ngầm, sân bay... Nếu tính trên cả nước, với hàng loạt các mục tiêu, công trình trọng điểm cần được bảo vệ, thì nguồn lực, nhân lực mà Trung Quốc phải bỏ ra chắc chắn sẽ là một con số không nhỏ.
Về lâu dài, khi đã có hành động khủng bố nhằm vào mình, dường như Trung Quốc đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối phó với mối nguy này, đúng như Andrei Karneev - Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Á - Phi tại Đại học Moskva nhìn nhận: Mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tại Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn trong khoảng 10-15 năm trở lại đây; vụ việc mới nhất cho thấy Trung Quốc đang phải đối phó với đe dọa khủng bố, dù mức độ nghiêm trọng chưa lớn như ở Nga. Đó sẽ là một thách thức không nhỏ đối với giới lãnh đạo Trung Quốc.
Thực tế cho thấy rằng, chưa một nước nào - kể cả những nước có guồng máy an ninh, tình báo, cảnh sát hùng hậu và hiện đại như Mỹ, Nga... có thể khẳng định diệt trừ tận gốc được chủ nghĩa khủng bố, tự nhận là tuyệt đối an toàn trước khủng bố, nhất là khi khủng bố được lồng khung trong các yếu tố tôn giáo (đạo Hồi), hệ tư tưởng (thánh chiến) và các mối liên kết quốc tế nhằng nhịt giữa các mạng lưới.
Hoài Thanh