Những điều còn chưa rõ về vụ nổ xe tại Thiên An Môn

Một số phần tử người Duy Ngô Nhĩ - nhóm sắc tộc thiểu số sống ở miền Tây Trung Quốc, từ lâu đã bị xem là chủ mưu tiến hành nhiều cuộc tấn công tại Trung Quốc. Đó là lý do xuất hiện dư luận rằng, các phần tử ly khai tộc người này có liên quan đến vụ một chiếc xe SUV cháy nổ tại Quảng trường Thiên An Môn hôm 28/10, làm 5 người chết, 38 người bị thương.

Tai nạn hay tấn công có chủ đích?


Xe bọc thép của lực lượng bán vũ trang Trung Quốc trước Quảng trường Thiên An Môn hôm 29/10. Ảnh: AP


Hai ngày sau khi xảy ra vụ cháy nổ, giới lãnh đạo, cơ quan chức năng Trung Quốc chưa đưa ra một lời bình luận nào về bản chất vụ việc - rằng đây là một vụ tai nạn hay là hành động tấn công. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao nước này đề nghị giấu tên tiết lộ với hãng tin Reuters rằng, việc điều tra đang được tiến hành theo hướng đây là một một vụ tấn công liều chết. Chủ quản lý tại ít nhất 2 khách sạn ở Bắc Kinh chia sẻ với truyền thông nước ngoài rằng cảnh sát đã yêu cầu nhân viên của họ cung cấp thông tin về “2 vị khách khả nghi” người Duy Ngô Nhĩ.

Hiện người Hán chiếm đến 90% dân số Trung Quốc, thế nhưng 10% còn lại bao gồm tới 40 dân tộc thiểu số khác, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ - dân tộc vẫn sử dụng một ngôn ngữ riêng, tôn giáo riêng, có văn hóa riêng hoàn toàn tách biệt với người Hán. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cáo buộc các phần tử thuộc nhóm sắc tộc thiểu số này - vốn chủ yếu sinh sống tại tỉnh Tân Cương miền Tây, sử dụng khủng bố để khuếch trương phong trào ly khai.

Hai vụ bạo động hồi tháng 4 và tháng 6 vừa qua tại Tân Cương đã làm khoảng 40 người thiệt mạng. Chính phủ Trung Quốc cáo buộc một nhóm vũ trang có tên gọi là “Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan” đứng đằng sau vụ việc. 

Nếu là vụ tấn công thì nó cho thấy điều gì?

Vụ việc xảy ra tại Quảng trường Thiên An Môn, đúng thời điểm các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, tham dự một cuộc họp tại Đại Lễ đường Nhân dân, cách đó chưa đầy 200m. Tờ Thời báo Los Angeles (Mỹ) nhìn nhận, một vụ tấn công ngay sát trung tâm quyền lực của chính phủ Trung Quốc đã dấy lên những quan ngại về các biện pháp bảo đảm an ninh. Còn tờ Nhật Báo phố Wall cho rằng “nếu vụ việc được xác nhận là một cuộc tấn công do các phần tử ly khai người Duy Ngô Nhĩ tiến hành, thì đó sẽ là đòn đánh bạo gan nhất từ trước đến nay – nhằm thẳng vào trái tim chính trị tại Thủ đô của Trung Quốc. Vụ tấn công cũng sẽ thúc đẩy các chiến dịch an ninh nhằm vào Tân Cương, cùng với đó là các biện pháp thắt chặt an ninh tại các mục tiêu tiềm ẩn trên khắp cả nước”.

Căng thẳng giữa chính quyền Trung ương với người Ngô Duy Nhĩ là điều không mới, nhưng nếu đây là vụ tấn công liều chết để nhằm vào một mục tiêu chính trị nhay cảm như Thiên An Môn, nó sẽ cho thấy một diễn biến mới. Vì như chuyên gia chính trị Barry Sautman tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong nhìn nhận: “Rõ là có nhiều vụ đánh bom xe do người Duy Ngô Nhĩ thực hiên, nhưng chưa bao giờ có vụ tấn công dạng đánh bom liều chết”.

Trong chiến lược đầy tham vọng có tên gọi “Đại khai phát miền Tây”, Chính phủ Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực này, trong đó có Tân Cương - được xem là vùng kém phát triển nhất nước. Tuy nhiên, sự thay đổi này cùng với việc tái phân bổ dân cư đã đưa đến một thực tế nhạy cảm khác: vấn đề bản sắc dân tộc. Dường như 8 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo cảm nhận rằng bản sắc của họ đang bị văn hóa và ngôn ngữ của người Hán “lấn lướt” - trong khi chính họ lại có sự tương đồng với các dân tộc ở nhiều nước Trung Á khác.


HT (Csmonitor)

Trung Quốc truy tìm nghi phạm Tân Cương trong vụ cháy xe tại Thiên An Môn
Trung Quốc truy tìm nghi phạm Tân Cương trong vụ cháy xe tại Thiên An Môn

Cảnh sát Trung Quốc hiện đang truy tìm hai nghi phạm gốc Tân Cương bị tình nghi liên quan đến “vụ tai nạn nghiêm trọng” xảy ra trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, làm 5 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN