Thấy gì qua 4 điểm dừng chân tại châu Á của người đứng đầu Lầu Năm Góc?

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan ngày 28/5 bắt đầu chuyến công du châu Á với các chặng dừng chân lần lượt là Indonesia, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan phát biểu với báo giới trên chuyến bay tới Căn cứ không quân Andrews, bang Maryland ngày 23/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang có nhiều biến động, chuyến công du lần này của ông Shanahan trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc cho thấy châu Á vẫn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với trọng tâm là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).

Cả 4 điểm dừng chân của ông Sahnahan lần này đều đóng vai trò quan trọng cả về kinh tế lẫn an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - địa bàn mà Mỹ đang ngày càng tập trung gia tăng sự hiện diện.

Giới quan sát nhận định chiến lược FOIP - điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump - là sự tiếp nối chiến lược “xoay trục châu Á” dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, song theo cách quyết liệt hơn khi thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Washington trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy và tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở khu vực. Thông qua chuyến công du của quyền Bộ trưởng Shanahan, Mỹ muốn củng cố chiến lược FOIP trên cơ sở tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác chiến lược để tạo nên một liên minh trong khu vực.

Mặt khác, việc ông James Mattis rời khỏi chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã để lại một sự hoài nghi về chính sách của Mỹ tại châu Á. Lý do, theo các chuyên gia, là bởi những đóng góp của ông Mattis đã góp phần củng cố lòng tin của các quốc gia châu Á vào cam kết của Mỹ đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Trong bối cảnh đó, chuyến công du của quyền Bộ trưởng Shanahan được đánh giá là kịp thời nhằm chứng tỏ rằng Mỹ vẫn coi trọng và dành một sự ưu tiên đặc biệt cho khu vực vốn đóng vai trò quan trọng đối với nền an ninh quốc gia của Washington.

Việc chọn Indonesia là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông Shanahan cho thấy Mỹ muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ an ninh - quốc phòng với quốc gia Đông Nam Á này. Là quốc đảo lớn nhất thế giới và là quốc gia đông người Hồi giáo sinh sống nhất, Indonesia được giới hoạch định chính sách Mỹ thừa nhận là một “thế lực” quan trọng ở Đông Nam Á, đồng thời là một đối tác then chốt để giải quyết những thách thức từ an ninh hàng hải đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Đất nước gồm 17.000 hòn đảo lớn nhỏ này chứa đựng một số trong những tuyến đường biển chiến lược quan trọng nhất thế giới như Eo biển Malacca, Sunda và Lombok, trong khi đảm bảo an ninh cho các eo biển và cho hàng hóa đi lại qua khu vực là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng của Mỹ.

Indonesia cũng là nước cùng chia sẻ quan điểm chung đối với chính sách FOIP mà Mỹ đang thúc đẩy. Trong cuộc gặp cựu Bộ trưởng Mattis hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi từng khẳng định lập trường của Indonesia sẵn sàng đàm phán với bất kỳ quốc gia nào để thúc đẩy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành một khu vực hòa bình và ổn định “dựa trên sự cởi mở, minh bạch, bao dung, tinh thần hợp tác và đối thoại”.

Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Shanahan tới Singapore tham dự hội nghị Đối thoại Shangri-La dự kiến diễn ra từ ngày 1 - 2/6. Đây là một hội nghị thường niên về an ninh quốc phòng châu Á, quy tụ các lãnh đạo quốc phòng của các nước để thảo luận về những thách thức đối với an ninh khu vực.

Điểm đáng chú ý nhất tại hội nghị lần này là quyền bộ trưởng Shanahan sẽ công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới, qua đó thể hiện quan điểm của Mỹ về an ninh ở khu vực trọng yếu này. Dù nội dung chiến lược mới chưa được công bố, song khả năng cao không nằm ngoài các vấn đề tự do hàng hải, thương mại và đầu tư hạ tầng, lĩnh vực an ninh liên quan đến “địa chính trị”.

Ông Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từng tuyên bố: “Chiến lược Quốc phòng và chiến lược An ninh quốc gia của chúng tôi xác định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên. Tôi nghĩ rằng quyền Bộ trưởng Shanahan sẽ nói về điều đó tại Shangri-La và sẽ giải thích khu vực ưu tiên có nghĩa là gì”.

Theo quan chức này, chiến lược mới của Mỹ sẽ tập trung đảm bảo “không một quốc gia nào có thể thay đổi luật pháp quốc tế hay hiện trạng của Biển Đông, đó là lý do chúng tôi tiến hành các hoạt động tự do hàng hải và các hoạt động hiện diện khác ở Biển Đông”.

Giới chuyên gia nhận định sở dĩ Mỹ lựa chọn công bố chiến lược mới tại diễn đàn lớn này là nhằm thuyết phục và tìm sự ủng hộ của các đối tác cũng như đồng minh châu Á đối với chính sách an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đồng minh quan trọng của Mỹ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng ở khu vực Đông Bắc Á nói riêng cũng như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Trong bối cảnh Seoul và Tokyo đang gặp khó khăn trong việc hàn gắn mối quan hệ vốn đã xấu đi do các tranh cãi liên quan tới lịch sử và quân sự, chuyến công du của ông Shanahan phản ánh mong muốn của Washington trong việc củng cố hợp tác an ninh 3 bên nhằm đối phó với những thách thức chung.

Từ lâu, giới hoạch định chính sách ngoại giao Mỹ đã đặt mục tiêu chiến lược lâu dài tại Đông Á, đó là thiết lập liên minh 3 bên với Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm tạo một mặt trận liên kết đối phó với các lo ngại an ninh chung, trong đó có vấn đề Triều Tiên và những thách thức từ Trung Quốc.

Như nhận định của ông Brad Glosserman, Phó giám đốc Trung tâm chiến lược lãnh đạo tại Tokyo thuộc Đại học Tama (Mỹ): “Mỹ từ lâu đã hy vọng rằng 2 đồng minh châu Á sẽ hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, ở các mức độ đơn phương và đa phương, với Mỹ nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh khu vực".

Tuy nhiên, một vấn đề lớn cản trở mục tiêu này đó là Hàn Quốc và Nhật Bản dường như rất khó để hoà hợp. Mối quan hệ giữa Tokyo và Seoul luôn bị căng thẳng bởi các vấn đề lịch sử và tranh cãi lãnh thổ. Dù vậy, trong nhiều năm, Washington đã nỗ lực để đưa 2 bên xích lại gần nhau. Mục tiêu lâu dài của Washington vẫn là Hàn Quốc và Nhật Bản gạt sang một bên những bất đồng và hợp tác nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược chung. Washington hiểu rằng một liên minh Mỹ - Nhật - Hàn mật thiết sẽ giúp xử lý hiệu quả các vấn đề an ninh ở Đông Á, gồm cả vấn đề Triều Tiên. 

Với những mục tiêu trên, có thể thấy chuyến công du châu Á đầu tiên của quyền Bộ trưởng Shanahan đóng vai trò là nhân tố quan trọng, như một chất xúc tác giúp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa Mỹ và các đối tác và đồng minh then chốt tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự kiện này cũng phần nào phản ánh quyết tâm của Mỹ trong việc theo đuổi và thúc đẩy chiến lược chủ chốt FOIP.

Phương Oanh (TTXVN)
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lo ngại nạn quấy rối tình dục trong quân đội
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lo ngại nạn quấy rối tình dục trong quân đội

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã kêu gọi cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với vấn nạn quấy rối tình dục trong quân đội Mỹ sau khi Lầu Năm Góc công bố báo cáo cho thấy số vụ xâm hại và quấy rối tình dục trong năm 2018 đã tăng 13% so với năm trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN