Tham vọng đối ngoại của Iran trong năm 2014

2013 là một năm thắng lợi về đối nội và đối ngoại với Tổng thống Iran mới đắc cử Hassan Rouhani, khi ông giành thắng lợi giòn giã từ cuộc bầu cử tổng thống trong nước và đạt được thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân. Ngay đầu năm 2014, Tổng thống Rouhani đã có bài phát biểu tiếp tục cam kết sẽ cùng các nước trong khu vực và trên thế giới xây dựng môi trường hòa bình và nâng cao vị thế Iran trên trường quốc tế. Sau đây là những điểm chính trong bài phát biểu của ông:

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Ảnh: Guardian


Loại bỏ cách tiếp cận cực đoan, tăng cường vị thế Iran

Khi thực hiện chiến dịch tranh cử để trở thành Tổng thống Iran, tôi hứa cân bằng giữa chủ nghĩa hiện thực và việc theo đuổi lý tưởng của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo, và đã giành được sự ủng hộ của cử tri một cách rộng rãi. Với vai trò là một người đại diện cho nhân dân, tôi quyết tâm xây dựng một chính phủ giảm bớt thái độ cực đoan và có lương tri, đây là điều đang định hướng toàn bộ các chính sách. Cam kết này dẫn trực tiếp tới thỏa thuận quốc tế tạm thời đạt được vào tháng 11 năm ngoái tại Geneva về chương trình hạt nhân Iran. Điều này sẽ tiếp tục định hướng cho các quyết sách của chúng tôi trong năm 2014.

Thực vậy, đối với chính sách đối ngoại, chính phủ của chúng tôi đang loại bỏ cách tiếp cận mang tính cực đoan. Chúng tôi tìm kiếm quan hệ ngoại giao mang tính hiệu quả, xây dựng và tập trung vào xây dựng lòng tin với những nước láng giềng và các nước khác trong khu vực và trên thế giới, từ đó cho phép chúng tôi hướng tới chính sách đối ngoại nhằm phát triển kinh tế tại quốc nội. Mục đích cuối cùng là chúng tôi sẽ chấm dứt căng thẳng trong quan hệ đối ngoại và tăng cường quan hệ với các đối tác truyền thống và đối tác mới khả thi. Điều này rõ ràng đòi hỏi xây dựng sự đồng thuận nội bộ và đặt ra tiến trình minh bạch hóa, một điều đang đi vào thực thi.

Khi tránh được sự đối đầu và phản kháng, chúng tôi cũng sẽ chủ động theo đuổi các lợi ích lớn hơn. Nhưng trong một thế giới ngày càng có sự liên kết và ràng buộc lẫn nhau, những thách thức chỉ có thể được giải quyết thông qua sự tương tác và chủ động hợp tác giữa các nhà nước. Không nước nào, kể cả các cường quốc, có thể tự mình giải quyết hiệu quả những thách thức mà nó đối mặt.

Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đang tăng tốc nhanh chóng và tổng giá trị của các nền kinh tế này sắp vượt qua các nước tiên tiến. Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi có thể sẽ nắm giữ khoảng 60% GDP toàn cầu vào năm 2030, tăng từ 40% năm 2000, cho phép các nước này đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Trong thời điểm của sự chuyển giao, Iran có thể tăng cường vị thế toàn cầu. Trong cuộc bầu cử năm nay, có khoảng 75% lượng cử tri đã đi bầu cử, cho thấy rằng nền dân chủ tôn giáo đang hoàn thiện. Với nền văn hóa và văn minh cổ đại, sự tiếp nối lâu dài của thể chế, vị trí địa chính trị và sự ổn định xã hội trong bối cảnh khủng hoảng khu vực, cộng với lực lượng thanh niên được giáo dục tốt cho phép chúng tôi hướng về tương lai với sự tự tin, và có động lực để đảm nhận vai trò quốc tế lớn hơn mà dân tộc tôi xứng đáng nhận được, một vai trò mà không một quốc gia nào trên thế giới có thể phủ nhận.

Cải thiện quan hệ với châu Âu và Bắc Mỹ

Chúng tôi cũng đang quan tâm việc làm thế nào để xây dựng và cải thiện quan hệ song phương và đa phương với châu Âu và các nước Bắc Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Điều này đòi hỏi phải xoa dịu những căng thẳng và thực thi cách tiếp cận toàn diện, bao gồm cả quan hệ kinh tế.

Chúng tôi có thể bắt đầu bằng việc tránh khỏi bất kỳ căng thẳng mới phát sinh nào trong quan hệ giữa Iran - Mỹ và cùng với đó là cố gắng loại bỏ những căng thẳng đang tồn tại có thể làm xấu đi quan hệ hai nước. Trong khi chúng tôi có thể không quên đi được sự ngờ vực và thiếu tin tưởng, điều ám ảnh trong suy nghĩ của người Iran về chính phủ Mỹ trong 60 năm qua thì hiện giờ chúng tôi phải tập trung vào hiện tại và hướng về tương lai. Điều này có nghĩa chúng tôi phải bỏ qua những điều chính trị vụn vặt và vượt lên phía trước hơn là việc phải chạy theo sau các nhóm gây áp lực tại các nước.

Trong cách nhìn của chúng tôi, hợp tác trong giải quyết các vấn đề về lợi ích và quan ngại chung cũng sẽ góp phần làm giảm đi căng thẳng ở khu vực. Điều này có nghĩa phải đấu tranh với những thành phần ở nước Mỹ và khu vực, những người tìm cách để làm sao nhãng sự chú ý của quốc tế với vấn đề chung để từ đó họ có thể can dự và ngăn chặn Iran tăng cường vị thế ở khu vực. Thái độ làm mờ nhạt đi triển vọng về một thỏa thuận chính thức trong vấn đề hạt nhân của Iran sẽ làm cho sự bế tắc trong quan hệ giữa Iran – Mỹ ngày càng tăng lên.

Khu vực chúng tôi đang phải giải quyết nhiều khó khăn hơn bao giờ hết với chủ nghĩa bè phái, những nhóm thù hận và những cuộc tấn công đẫm máu vì chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Cùng với đó, việc sử dụng vũ khí hóa học gần đây của Syria có thể gây tổn hại cho người dân khu vực trong nhiều năm. Chúng tôi tin rằng với tình trạng như vậy, một sự lên tiếng để sự xoa dịu cực đoan ở khu vực có thể tác động tích cực và mang tính xây dựng với các tiến trình ở khu vực.

Không còn nghi ngờ gì rằng tình trạng hỗn loạn xảy ra ở các nước láng giềng tác động đến lợi ích của rất nhiều nước trong khu vực và trên toàn thế giới, cần có những hành động phối hợp giữa các nước để đảm bảo ổn định dài hạn. Iran, với vai trò một cường quốc khu vực đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để hướng tới việc hợp tác và sử dụng mọi nỗ lực để thực hiện các giải pháp. Đối với những người coi Iran như mối đe dọa và và tìm cách để làm giảm uy tín của Iran ở khu vực và quốc tế nên dừng lại, vì mục tiêu cho hòa bình và sự thanh bình của khu vực và xa hơn nữa.

Tôi cảm thấy vô cùng lúng túng về thảm họa nhân đạo tại Syria và và những gian khổ mà người dân Syria phải chịu đựng trong gần 3 năm qua. Đại diện cho một dân tộc đã từng trải qua nỗi khiếp sợ của vũ khí hóa học, chính phủ tôi chỉ trích mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học trong xung đột ở Syria. Tôi cũng lo ngại rằng một phần lãnh thổ của Syria đã trở thành chiến trường đẫm máu cho những kẻ cực đoan và là điểm tụ tập cho những kẻ khủng bố, điều này làm hồi tưởng tới tình huống đã xảy ra ở biên giới phía Tây đất nước chúng tôi vào thập niên 1990. Đây cũng là vấn đề gây lo ngại với rất nhiều nước, do đó để tìm một giải pháp chính trị lâu bền tại Syria cần sự hợp tác và nỗ lực chung của các nước trong khu vực.

Bởi vậy chúng tôi hài lòng rằng năm 2013 biện pháp ngoại giao đã thắng thế việc đe dọa dùng vũ lực can thiệp vào Syria. Chúng ta cần lấy đây là biện pháp hàng đầu và hiểu rằng Syria khát khao hợp tác khu vực và quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp cho hòa bình và ổn định tại Syria trong khuôn khổ đàm phán nghiêm túc giữa các bên trong khu vực cộng thêm các bên ngoài khu vực. Bởi vậy, chúng ta cũng cần ngăn chặn những đàm phán có thể trở thành trò chơi có “tổng bằng không” (zero-sum game).

Cam kết chương trình hạt nhân hòa bình

Không có gì khác ngoài sự thật về chương trình năng lượng hạt nhân hòa bình của Iran, đây là chủ đề được thổi phồng trong những thập niên gần đây. Từ đầu thập niên 1990, một dự đoán rằng Iran chuẩn bị chế tạo được bom nguyên tử đã được chứng minh là vô chứng cứ. Trong suốt thời kỳ này, những người gieo nỗi hoang mang đã vẽ Iran thành một mối đe dọa với Trung Đông và thế giới.


Tất cả chúng ta đều biết kẻ đứng đầu kích động quần chúng là ai và tất cả mục đích là để thổi phồng vấn đề lên. Chúng ta cũng biết rằng việc thổi phồng vấn đề lên nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế về việc người Palestine bị chiếm đất và ngăn chặn tái định cư. Những báo động sai tiếp tục diễn ra mặc dù lực lượng tình báo quốc gia Mỹ đã đánh giá rằng Iran không xây dựng vũ khí hạt nhân.

Trên thực tế, chúng tôi cam kết không hướng tới phát triển và sản xuất bom nguyên tử. Theo như sắc lệnh của Thủ lĩnh tối cao Ayatollah Ali Khamenei, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng sự phát triển, sản xuất, tích trữ và sử dụng vũ khí hạt nhân đi ngược lại với quy định Hồi giáo. Chúng tôi thậm chí chưa bao giờ suy ngẫm về lựa chọn liên quan tới vũ khí hạt nhân, bởi vì chúng tôi tin loại vũ khí này sẽ làm suy giảm lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi; và kết quả là vũ khí hạt nhân không có chỗ đứng trong học thuyết an ninh của Iran. Ngay cả nhận thức rằng việc Iran có thể phát triển vũ khí hạt nhân đã làm suy hại an ninh và toàn bộ lợi ích quốc gia của chúng tôi.

Trong chiến dịch tranh cử, tôi tự cam kết rằng sẽ làm mọi việc trong khả năng của mình để nhanh chóng tìm ra một giải pháp cho sự bế tắc trong chương trình hạt nhân. Để thực hiện cam kết này và tận dụng cơ hội từ cuộc bầu cử vừa qua, chính phủ của chúng tôi đã làm mọi cách để tìm ra một giải pháp vĩnh viễn có thể chấp nhận được giữa các bên. Theo sau thỏa thuận đạt được vào tháng 11 vừa qua, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục làm việc với P5+1 và các nước khác với một nhận thức để đảm bảo chương trình hạt nhân của chúng tôi là hoàn toàn minh bạch.

Khả năng về phát triển hạt nhân hòa bình mà chúng tôi đã đạt được sẽ được sử dụng trong khuôn khổ được quốc tế công nhận về an toàn và sẽ được giám sát bởi cơ chế đa phương của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đây là vấn đề chúng tôi đã thực hiện trong vài năm qua. Theo cách này, cộng đồng quốc tế có thể đảm bảo tính hòa bình hoàn toàn trong chương trình hạt nhân của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ quyền để thu về lợi ích từ chương trình hạt nhân nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng hướng tới loại bỏ tất cả những nghi ngờ và trả lời bất kỳ câu hỏi hợp lý nào về chương trình hạt nhân.

Việc tiếp tục gây sức ép, dọa dẫm và các giải pháp nhằm cắt bỏ quyền của Iran tiếp cận những điều kiện vật chất cần thiết, từ công nghệ tới thuốc men và lương thực, chỉ có thể gây tổn hại môi trường chung và làm suy giảm đi những điều kiện cần thiết để tạo ra sự tiến bộ.

Như những gì chúng tôi thể hiện trong năm 2013, Iran đã chuẩn bị đầy đủ để tham dự một cách nghiêm túc vào cộng đồng quốc tế và đàm phán với các đối tác với một cách thiện chí. Chúng tôi hi vọng các đối tác cũng sẵn sàng tận dụng cánh cửa mở ra cơ hội này.


Đức Trung (theo P.S)


Đại giáo chủ Khamenei cáo buộc Mỹ thù địch với Iran
Đại giáo chủ Khamenei cáo buộc Mỹ thù địch với Iran

Ngày 9/1, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei phát biểu cho biết các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân đã cho thấy sự thù địch của Mỹ đối với quốc gia Hồi giáo này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN