Thảm sát Orlando và viễn cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng

Giới phân tích nhận định vụ xả súng tại Orlando sẽ có ảnh hưởng nhất định tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Vấn đề quan trọng là ông Trump và bà Clinton sẽ ứng phó như thế nào để có lợi cho cho chiến dịch tranh cử của mình.

Vụ xả súng tại một hộp đêm dành cho người đồng tính nam tại thành phố Orlando, bang Florida vào rạng sáng 12/6, khiến ít nhất 49 người thiệt mạng và 53 người bị thương, đã gây chấn động nước Mỹ và dư luận quốc tế. Các phương tiện truyền thông đại chúng ở Mỹ như CNN, Politico, NBC, National Interest... đều cho rằng thảm kịch này ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Hiện trường vụ xả súng ở Orlando, Florida, Mỹ. Ảnh: EPA/TTXVN

Sau khi xảy ra sự việc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có hai bài phát biểu lên án vụ tấn công, coi đây là hành động khủng bố và thù hận, là ví dụ của “chủ nghĩa cực đoan nảy sinh từ trong nước”, không liên quan đến nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi về việc kiểm soát súng đạn, cho rằng những phần tử nguy hiểm không được phép sở hữu những vũ khí sát thương lớn. Tổng thống Obama tuyên bố lệnh treo cờ rủ cho đến hết ngày 16/6 để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ xả súng.

Phản ứng trước vụ xả súng và phát biểu của Tổng thống Obama, ứng viên Đảng Cộng hoà Donald Trump cho rằng vụ tấn công được thực hiện bởi một kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan. Ông trùm bất động sản lên án Tổng thống Obama "bạc nhược", không sử dụng cụm từ “Hồi giáo cực đoan” để nói về vụ việc này và do đó nên từ chức. Ông Trump kêu gọi xem xét lại tất cả các chính sách an ninh hiện nay, đồng thời chỉ trích đối thủ bên phía Đảng Dân chủ là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton về việc bà ủng hộ tiếp nhận người tị nạn Syria. Theo ông, nếu bà Clinton không thể dùng cụm từ “Hồi giáo cực đoan” thì bà cũng nên rời khỏi cuộc đua vào vị trí tổng thống.

Phát biểu tại Manchester, bang New Hampshire ngày 13/6, ông Trump cam kết bảo vệ người Mỹ chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, đồng thời tuyên bố sẽ ngừng tiếp nhận người nhập cư đến từ các nước "đã được chứng minh là có lịch sử khủng bố" chống lại Mỹ. Ông cho biết nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ sử dụng quyền hành pháp để kiểm soát tốt hơn người nhập cư- chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của ông tại cuộc tổng tuyển cử vào ngày 8/11 tới. Ông nói: "Tôi sẽ sử dụng quyền này để bảo vệ người dân Mỹ. Khi tôi được bầu lên, tôi sẽ ngừng tiếp nhận người nhập cư đến từ các khu vực của thế giới có lịch sử khủng bố chống lại nước Mỹ, châu Âu hoặc các đồng minh của chúng ta đến khi chúng ta tìm ra cách để chấm dứt các mối đe dọa này". Ông Trump lưu ý rằng Omar Mateen, hung thủ trong vụ thảm sát tại Orlando, có bố mẹ sinh ra tại Afghanistan.

Sau phản ứng của ông Trump, bà Clinton đã có cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình NBC về vụ việc. Bà lên án vụ tấn công và cho biết không khó khăn gì trong việc gọi đây là những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan, Thánh chiến cực đoan và cần có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh nước Mỹ không thể tuyên chiến với cả một tôn giáo, và cam kết sẽ chiến đấu chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, đồng thời bảo vệ những người Hồi giáo tuân thủ pháp luật. Bà Clinton cảnh báo xu hướng "gớm ghiếc hóa" người Mỹ theo đạo Hồi- cho thấy cách tiếp cận khác với ông Trump trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Phát biểu tại Cleverland, bang Ohio cùng ngày, bà Clinton nhấn mạnh: "Kẻ khủng bố tại Orlando có thể đã chết, nhưng loại virus đã đầu độc tâm trí anh ta vẫn rất mạnh và chúng ta phải tấn công nó". Bà cũng kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết theo cách mà họ đã làm sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ.

Dư luận báo chí cho rằng phát biểu của bà Clinton cho thấy có sự thay đổi quan điểm. Sau vụ xả súng tại San Bernardino hồi năm ngoái, bà chỉ gọi đây là những "kẻ khủng bố thánh chiến cực đoan" và từ chối sử dụng cụm từ “Hồi giáo cực đoan”. Phát biểu này cũng cho thấy sự khác biệt quan điểm về vấn đề này giữa bà và Tổng thống Obama.

 Báo chí cho rằng với việc có liên quan tới khủng bố Hồi giáo, vụ xả súng có thể mang lại nhiều thuận lợi cho ông Trump do ứng viên này vốn có quan điểm chống Hồi giáo cực đoan quyết liệt. Việc gọi đây là khủng bố Hồi giáo cực đoan cho thấy bà Clinton đã phải thay đổi để đảm bảo khả năng thành công của chiến dịch tranh cử. Báo chí cũng cho rằng phản ứng ban đầu của ông Trump là chưa tốt khi chỉ đơn thuần nhắc lại những lập luận cũ của mình mà không đưa ra được giải pháp cụ thể nào.

Theo kết quả thăm dò dư luận tiến hành trước cuộc xả súng của Reuters/Ipsos, bà Clinton đang dẫn trước ông Trump 11 điểm trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Khoảng cách này chưa cho thấy nhiều thay đổi so với kết quả điều tra tuần trước của Reuters, dù trong tuần qua có những sự kiện lớn diễn ra như bà Clinton chính thức giành đủ số phiếu cần thiết và ông Trump bị lãnh đạo cả hai đảng chỉ trích vì phân biệt chủng tộc. Cụ thể, 46% số người được hỏi ủng hộ bà Clinton trở thành Tổng thống, trong khi ông Trump chỉ được 34,8% số người ủng hộ và 19,2% khẳng định sẽ không ủng hộ ứng viên nào.

Đáng chú ý là trong các cuộc thăm dò của Reuters, bà Hillary thường có khoảng cách tương đối lớn so với ông Trump, khác với các cuộc thăm dò do các tờ báo của Mỹ như "Washington Post", "New York Times", "Wall Street Journal" tiến hành, khoảng cách giữa hai ứng viên chỉ khoảng 2-3 điểm.
TTK
LHQ lên án mạnh mẽ vụ xả súng ở Orlando
LHQ lên án mạnh mẽ vụ xả súng ở Orlando

Ngay sau khi vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Orlando, bang Florida (Mỹ) xảy ra làm 49 người chết và hơn 50 người bị thương, các cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đồng loạt lên án mạnh mẽ vụ xả súng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN