Đáng chú ý, thảm họa địa chấn tương tự, vốn cướp đi sinh mạng của hơn 28.000 người sau 6 ngày, hoàn toàn có thể xảy ra ở California, Mỹ, do vị trí địa lý của nó.
Theo các tài liệu, các trận động đất lớn có thể phá vỡ đường đứt gãy phía nam San Andreas từ gần biên giới Mexico qua hạt Los Angeles, đồng thời có thể gây ra các dư chấn lớn làm rung chuyển các thành phố ở xa như Sacramento và San Francisco thuộc bang California.
Ông Karl Mueller, giáo sư khoa học địa chất tại Đại học Colorado, giải thích trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP rằng các mảng kiến tạo có thể va vào nhau hoặc trượt sang hai bên. “Đó là những gì chúng ta đang thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đang nhìn thấy một mảng di chuyển về phía Bắc và va vào Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này đang trượt ngang ra khỏi mảng lớn hơn”, ông Mueller nói.
Theo ông, người dân California có nguy cơ đối mặt với thảm kịch tương tự xảy ra dọc theo đường đứt gãy San Andreas, chạy khoảng 1.200km qua lãnh thổ California.
“Trận động đất này là một điển hình cho những gì sắp xảy ra ở Nam California. Đúng là có sự khác biệt giữa cơ sở hạ tầng và quá trình đô thị hóa ở Thổ Nhĩ Kỳ so với Nam California, nhưng xét về nguồn năng lượng giải phóng trong trận động đất, đây là những gì chúng tôi nghĩ có thể xảy ra”, Giáo sư Mueller cảnh báo.
Báo cáo của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) công bố năm 2008 đã mô tả chi tiết về trận động đất giả định độ lớn 7,8 xảy ra tại Nam California. Các nhà khoa học cho biết một kịch bản động đất hợp lý sẽ bao gồm một trận động đất độ lớn 6,95 làm rung chuyển Sacramento và Modesto ba ngày sau trận động đất chính, gây nguy hiểm cho sự ổn định của các con đê, vốn rất quan trọng đối với duy trì kiểm soát lũ lụt và di chuyển nước từ phía Bắc Sierra Nevada đến các thành phố trên toàn tiểu bang.
Các dư chấn khá lớn ở xa đã từng xảy ra ở California trước đây.
Nhà địa chấn học Lucy Jones cho biết trận động đất lớn năm 1906 - nổi tiếng vì đã phá hủy phần lớn San Francisco - cũng đã gây ra những rung chấn ở xa hơn trong cùng ngày, bao gồm một dư chấn độ lớn 5,5 ở Vịnh Santa Monica và một dư chấn độ lớn 6 độ Richter ở Thung lũng Imperial, gần biên giới Mexico.
Các trận động đất siêu lớn có nhiều khả năng gây ra các dư chấn siêu lớn hơn và chúng có thể xảy ra ở khoảng cách xa hơn nhiều so với các trận động đất nhỏ hơn.
Ví dụ, trận động đất lớn năm 1906 đã phá vỡ một vùng rộng lớn của đường đứt gãy phía Bắc San Andreas, từ hạt Humboldt gần Eureka, qua Khu vực Vịnh San Francisco và tiếp cận hạt San Benito, phía Đông Monterey.
Chiều dài của đường đứt gãy là rất quan trọng. Các nhà khoa học động đất nói rằng một trận động đất tiếp theo được tạo ra cách cơn chấn động chính bằng khoảng cách của chiều dài đứt gãy có thể được coi là một cơn dư chấn.
Xem video toàn cảnh thiệt hại do động đất gây ra tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ (nguồn: Guardian):
Điều đó có nghĩa là trận động đất ở vịnh Santa Monica, cách điểm cực Nam của đường đứt gãy San Andreas khoảng 400km sẽ được coi là dư chấn của trận động đất ở San Francisco năm 1906.
Ngoài ra, các trận động đất tiếp theo ở khoảng cách gần gấp bốn lần chiều dài đứt gãy của trận động đất chính được coi là động đất “kích hoạt” từ xa.
Do vậy, chiều dài đường đứt gãy trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ - dài khoảng 200 - 300km - sẽ tạo ra khả năng xảy ra các trận động đất tiếp theo cao hơn, thậm chí xa đến 1.000km tính từ chiều dài đứt gãy của rung chấn.
Nhà địa chấn học Lucy Jones cho rằng: “Vì vậy, ở khoảng cách 1.000 km, chúng ta có nhiều khả năng xảy ra động đất hơn”.
Do đó, rất có thể một trận động đất độ lớn 8,2 ở phía Nam đường đứt gãy San Andreas có thể dẫn đến một trận động đất tiếp theo ở San Francisco. Nếu vết đứt gãy lớn hơn nữa và nó kéo dài về phía Bắc đến Parkfield thì tất cả Vùng Vịnh đều nằm trong một chiều dài đứt gãy.
Về cách chuẩn bị để đối phó với một cơn đại địa chấn ở quy mô đó, nhà địa chất học Muller khẳng định việc dự trữ sẵn sàng các nguồn thiết yếu như nước và thực phẩm là điều bắt buộc. Ông khuyên người dân California hãy dự trữ nguồn nước sạch và thực phẩm dài hạn đủ dùng trong vài tuần và khóa van gas ngay khi động đất xảy ra.