Thách thức và cơ hội của EU tại Chương trình Đối tác phương Đông

Hội nghị thượng đỉnh Chương trình Đối tác phương Đông (EaP) của Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 5 sẽ diễn ra vào ngày 24/11 tại Brussels (Bỉ).

Một hội nghị cấp bộ trưởng trong khuôn khổ chương trình EaP năm 2016. Ảnh: Armenpress

Trang web Neweasterneurope.eu đã đăng bài viết của chuyên gia Maryna Rabinovych về những thách thức liên quan tới việc triển khai EaP tại hội nghị lần này.

60 năm kể từ khi các Hiệp ước Rome được ký kết (1957-2017), EU đã và đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn gia tăng. Những người lạc quan cho rằng Liên minh đã vượt qua được hàng loạt các biến động lớn như khủng hoảng dầu lửa những năm 90 của thế kỷ XX, khủng hoảng trong việc thông qua Hiến pháp châu Âu năm 2005 hay khủng hoảng Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)…, do đó không cần phải lo lắng về tương lai của EU. 

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra thận trọng, nhất là sau việc các lực lượng dân túy tăng cường ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử quan trọng ở Pháp, Đức, Áo; bất đồng liên quan đến cải cách luật pháp ở một số nước Đông Âu và phong trào ly khai nổi lên ở một số khu vực...

Việc EU cùng lúc phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau đã phản ánh sự khác biệt trong quan điểm giữa các nước thành viên về việc cân bằng giữa các giá trị cốt lõi của Liên minh với vấn đề an ninh và ổn định - các hệ quả trực tiếp từ cuộc khủng hoảng nhập cư. 

Mối quan hệ giữa các vấn đề an ninh và các giá trị cốt lõi của EU hay giữa chủ nghĩa dân tộc và việc thúc đẩy hội nhập nội khối đã tác động tới chính sách đối ngoại của EU, trong đó có chính sách đối với các nước Ukraine, Moldova, Georgia, Armenia, Azerbaijan và Belarus - các thành viên trong Chương trình Đối tác phương Đông của EU. Hội nghị thượng đỉnh sắp tới chính là cơ hội để EU thảo luận và tìm giải pháp cho các thách thức song trùng, trong đó có việc thúc đẩy triển khai EaP trong thời gian tới.

Thứ nhất, liên quan đến các Thỏa thuận liên kết. Ngay từ đầu năm 2004 chính sách ngoại giao của EU đối với các nước láng giềng (ENP) đã bị chỉ trích bởi không đưa ra được các động lực cần thiết đối với các nước đối tác, nhất là liên quan đến triển vọng gia nhập EU trong dài hạn. Việc xây dựng ENP dựa trên giả thuyết “EU là một mô hình hấp dẫn và mô hình này sẽ mở rộng”. Tuy vậy, đến nay EU vẫn chưa xác định rõ được cách thức thực hiện và tương lai của việc triển khai chính sách này.

Hiện nay 3 trong số 6 nước đối tác chương trình EaP gồm Ukraine, Moldova và Georgia đã đạt được các mục tiêu đề ra trong chính sách ngoại giao của EU đối với các nước láng giềng như ký kết các thỏa thuận liên kết về chính trị, thành lập khu vực tự do mậu dịch và quy chế miễn thị thực. Do đó, Hội nghị thượng đỉnh EaP sắp tới cần đưa ra được các mục tiêu, định hướng mới cũng như động lực triển khai chính sách này trong thời gian tới. 

Ukraine đã tuyên bố nước này sẽ cố gắng tham gia Liên minh thuế quan với EU ngay sau khi Thỏa thuận Liên kết có đầy đủ hiệu lực từ ngày 01/9/2017. Trong khi đó, giới chức lãnh đạo ở Moldova và Georgia vẫn duy trì tham vọng gia nhập EU. Mặc dù vậy, bất đồng nội bộ giữa các nước thành viên khiến EU khó có thể đưa ra được bất kỳ cam kết mang tính đột phá nào tại Hội nghị sắp tới liên quan đến việc triển khai chính sách ngoại giao của EU đối với các nước láng giềng.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh và duy trì sự ổn định. Trong báo cáo đánh giá việc triển khai chính sách ENP năm 2015, EU đã đặt trọng tâm vào việc duy trì ổn định ở các quốc gia láng giềng và tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia này, trong đó có việc tiến hành cải cách lĩnh vực an ninh, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, quản lý và đối phó với khủng hoảng… Rõ ràng, tương tự như chính sách với các nước láng giềng phía Nam (Tunisia, Ai Cập…), EU ưu tiên phát triển quan hệ với giới lãnh đạo ở các nước đối tác nhằm duy trì sự ổn định hơn là thúc đẩy dân chủ ở các nước này. Tại Moldova, việc EU tập trung hỗ trợ duy trì sự ổn định ở nước này nhằm xây dựng ví dụ điển hình về thành công trong việc triển khai EaP, đã khiến cho tình trạng tham nhũng trong giới lãnh đạo ở Moldova bị phớt lờ. 

Điều này khiến chính EU trở thành một trong những nhân tố khiến cho mong muốn gia nhập Liên minh của người dân Moldova giảm đi. Tại Ukraine, mặc dù ủng hộ và hỗ trợ cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước này nhưng EU lại không ủng hộ yêu cầu của các lực lượng đối lập về việc “tiến hành cải cách chính trị một cách toàn diện”, trong đó có việc cải cách luật bầu cử, xóa bỏ quyền miễn trừ của các nghị sỹ quốc hội và lập tòa án chuyên trách xét xử các vụ án tham nhũng. Việc EU ưu tiên duy trì ổn định ở các nước thành viên EaP có nguy cơ đưa lại các cuộc cải cách “giả hiệu” ở các nước này nhằm duy trì việc nhận viện trợ từ Liên minh.

Thứ ba, liên quan đến vấn đề địa chính trị và quan hệ với Nga. Kể từ khi EU triển khai chính sách ngoại giao đối với các nước láng giềng (ENP), cạnh tranh địa chính trị với Nga tại khu vực này chính là một trong những thách thức lớn nhất hạn chế kết quả của ENP. 

Các tiếng nói ủng hộ việc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt Nga và khởi động lại quan hệ với Moskva đang gia tăng tại Italy, Hy Lạp, Séc, Bulgaria, Hungary và Cyprus là thách thức không nhỏ đối với việc duy trì chính sách ngoại giao của EU đối với các nước láng giềng (ENP) cũng như ảnh hưởng của Liên minh tại Ukraine và các nước đối tác trong chương trình này.

Thứ tư, các cuộc khủng hoảng và cơ hội đối với EU. Bất đồng liên quan đến các cuộc cải cách hệ thống pháp luật tại Ba Lan, Hungary đã làm dấy lên các cuộc tranh luận trong EU, nhất là liên quan đến việc thúc đẩy các giá trị cốt lõi của EU tại khu vực Trung và Đông Âu. Qua các cuộc tranh luận này EU có thể xác định được các giải pháp nhằm duy trì trật tự pháp lý cũng các giá trị cốt lõi ở cả phạm vi trong và ngoài Liên minh. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là sự cần thiết phải làm rõ các giá trị mà EU cần duy trì, thúc đẩy với các mục tiêu mà EU mong muốn đạt được.

Liên quan đến Chương trình Đối tác phương Đông, EU đã xác định được “20 vấn đề trọng tâm đến năm 2020”, trong đó bao gồm việc thúc đẩy đối thoại về chính trị và hệ giá trị nhằm củng cố ảnh hưởng của EU ở các nước này. Một mặt, EU cần tăng cường đối thoại với các nước thành viên thông qua việc thiết lập các mục tiêu chung, tránh thảo luận về các chủ đề khó như triển vọng gia nhập liên minh. Mặt khác, EU cần duy trì việc giám sát đối với quá trình cải cách, chuyển đổi ở các nước thành viên EaP. 

Ngoài ra, EU cũng cần tăng cường hợp tác đối với các nước đối tác trong các lĩnh vực cụ thể như phát triển kinh tế, sử dụng năng lượng hiệu quả và chống biển đổi khí hậu nhằm chứng minh lợi ích của việc hợp tác với EU cũng như khẳng định vị thế và chương trình Đối tác phương Đông với dư luận các nước đối tác. Trong việc triển khai EaP, EU cũng cần nhắm tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau như dân cư ở các khu vực nông thông, tầng lớp trí thức trung lưu… Điều này sẽ giúp bù đắp các hạn chế trong hợp tác về chính trị, nâng cao hiệu quả triển khai chương trình Đối tác phương Đông của EU.

Thứ năm, ngoại giao và gìn giữ hòa bình. An ninh và ổn định là các mục tiêu quan trọng mà EU mong muốn đạt được trong triển khai chính sách ngoại giao đối với các nước láng giềng, nhất là trong bối cảnh Nga ngày càng tìm cách tăng cường hiện diện ở khu vực này. Đối với EU việc xây dựng các chính sách mới, trong đó có việc tham gia gìn giữ hòa bình trong khu vực, đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong lĩnh vực ngoại giao. Chẳng hạn như việc Pháp và Đức tham gia bảo trợ Thỏa thuận Minsk về giải quyết xung đột ở Ukraine thời gian qua. Ngoài ra, EU cũng cần xây dựng một chính sách linh hoạt, khả thi, gắn kết yếu tố ổn định với các giá trị cốt lõi của Liên minh nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả triển khai chính sách ngoại giao đối với các nước láng giềng trong thời gian tới.

Năm 2017 chứng kiến việc EU cùng lúc phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng và thách thức lớn. Mặc dù vậy, đây cũng chính là cơ hội để EU khẳng định vai trò, vị thế của Liên minh. Hội nghị thượng đỉnh Chương trình Đối tác phương Đông sắp tới chính là cơ hội để EU giải quyết các thách thức nổi lên liên quan đến việc triển khai chính sách ngoại giao đối với các nước láng giềng như việc cân bằng giữa các yếu tố an ninh, ổn định và giá trị cốt lõi của Liên minh cũng như cạnh tranh địa chính trị với Nga trong khu vực.

Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)
Ngại Nga, NATO tăng quân cho các đối tác phương Đông
Ngại Nga, NATO tăng quân cho các đối tác phương Đông

Theo đề nghị của các nước đối tác phương Đông, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có kế hoạch bổ sung thêm binh sĩ tới khu vực biên giới của các nước này với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN