Tạo động lực cho tiến trình hòa bình Syria

Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran về Syria lần thứ nhất vào tháng 11/2017 đến nay, tình hình quốc gia Trung Đông này đã có nhiều thay đổi.

Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran lần thứ hai thảo luận về tình hình Syria diễn ra tại thủ đô Ankara ngày 4/4 theo sáng kiến của Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh các bên liên quan đã phần nào đạt được những mục tiêu đặt ra và giờ là lúc lãnh đạo 3 quốc gia có vai trò chủ chốt đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria cùng bàn thảo để vạch ra hướng đi tiếp theo trong tiến trình hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Người dân tập trung trên một tuyến phố ở thị trấn Arbeen, Đông Ghouta sau khi khu vực này hoàn toàn được giải phóng ngày 2/4. Ảnh: THX/TTXVN

Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran về Syria lần thứ nhất vào tháng 11/2017 đến nay, tình hình quốc gia Trung Đông này đã có nhiều thay đổi. Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad, với sự hỗ trợ của quân đội Nga tiếp tục giành nhiều lợi thế trên chiến trường. Lần đầu tiên sau 7 năm, quân đội Syria đã giải tỏa được con đường cao tốc chính ở thủ đô Damascus vốn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng phiến quân. Đáng chú ý, quân đội Syria vừa giành thắng lợi quan trọng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, khu vực bị các nhóm khủng bố và phiến quân chiếm đóng từ năm 2012 và sử dụng làm “bàn đạp” cho các cuộc tấn công vào Damascus.

 

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội chính phủ Tổng thống Tayip Erdogan cũng tuyên bố “đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Afrin” ở Tây Bắc Syria sau chiến dịch quân sự kéo dài 8 tuần nhằm buộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) rời khỏi khu vực này. Nhân cơ hội này, Thổ Nhĩ Kỳ đang dự tính sẽ mở rộng chiến dịch “Nhành ô liu” từ Afrin tới thị trấn Manbij ở miền Bắc Syria, thậm chí có thể tiến sang cả lãnh thổ Iraq, với tham vọng sẽ ngăn chặn sự liên kết giữa các lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq.


Về phần mình, Iran cũng đã mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng tại Syria thông qua hoạt động hỗ trợ của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran cho chính quyền Tổng thống Assad trong các chiến dịch quân sự vừa qua. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh rút một phần quân đội Nga khỏi Syria sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ đánh bại tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông này theo đề nghị của chính quyền Syria, song lực lượng còn lại vẫn đóng vai trò quyết định trong hoạt động phối hợp tác chiến với quân đội Syria. Như vậy, bước vào hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ hai, cả ba nước đều đã có những “vốn liếng” nhất định, có thể tạo tiền đề cho những tính toán tiếp theo trên cả chiến trường cũng như tiến trình tìm giải pháp chính trị tại Syria.


Đặc biệt, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria, diễn ra cuối tháng 1 vừa qua ở thành phố Sochi, Nga, được đánh giá là bước tiến lớn nhằm thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng con đường chính trị, cũng như là minh chứng cho sự phối hợp hiệu quả của bộ ba Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria, sau khi 3 nước đã đồng bảo trợ cho vòng đàm phán hòa bình ở Astana (Kazakhstan). Những kết quả khả năng của Đại hội Sochi và 8 vòng hòa bình ở Astana chẳng những góp phần đưa lộ trình giải quyết hòa bình cuộc xung đột Syria đi đúng hướng, mà còn củng cố vai trò và vị thế của 3 nước trong khu vực.


Trong bối cảnh đó, hội nghị thượng đỉnh “bộ ba” Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ lần này tập trung thảo luận và đánh giá một số nội dung quan trọng, từ việc tuân thủ lệnh ngừng bắn, đảm bảo hoạt động của các vùng giảm căng thẳng, thúc đẩy triển khai thỏa thuận của Đại hội đối thoại dân tộc Syria cho đến việc nâng cao lòng tin của các bên xung đột. Sau hơn một tháng triển khai thực hiện nghị quyết 2041 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 24/2, yêu cầu các bên chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria và tuân thủ ngừng bắn nhân đạo trong một tháng, về cơ bản, xung đột đã được kiểm soát tốt hơn.


Một nội dung quan trọng khác của nghị quyết liên quan tình hình nhân đạo đã đạt được một số tiến bộ, với vai trò trung gian tích cực của Nga. Chính phủ Syria đã đạt được một số thoả thuận về kế hoạch rút lui của các phiến quân hoặc sơ tán người dân khỏi Đông Ghouta. Đến ngày 30/3, phía Nga cho biết hơn 136.000 người đã rời Đông Ghouta qua các hành lang nhân đạo kể từ khi lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày được ban hành ngày 27/2 vừa qua. Một số quốc gia và tổ chức quốc tế cũng chủ động tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Syria.


Tuy nhiên, trong hơn 1 tháng qua, các ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn bày tỏ thất vọng và buộc tội lẫn nhau về tình hình xung đột ở Syria, khi lệnh ngừng bắn tại đây nhiều lần “bị phớt lờ”. Thậm chí, chỉ trong vài giờ sau khi HĐBA thông qua nghị quyết 2401, hơn 30 người đã thiệt mạng tại Đông Ghouta sau các cuộc giao tranh ác liệt. Hoạt động của các lực lượng nước ngoài tại Syria càng khiến chiến sự tại quốc gia Trung Đông diễn biến hết sức phức tạp.


Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục triển khai quân và mở rộng chiến dịch quân sự "Nhành Ô liu" tại khu vực Afrin của quốc gia láng giềng, động thái không chỉ bị Syria kịch liệt lên án mà còn gây bất đồng với Mỹ khi Washington ủng hộ lực lượng người Kurd tại đây. Các cuộc không kích của liên quân chống khủng bố do Mỹ đứng đầu tại Syria trong tháng qua cũng khiến hàng chục dân thường Syria thương vong. Nguy cơ đụng độ giữa các lực lượng Nga-Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ tại Syria vẫn thường trực. Bất chấp những tiến triển tại Đông Ghouta, xung đột vẫn tiếp diễn tại nhiều vùng lãnh thổ của Syria. Thực trạng này buộc lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ phải tìm ra biện pháp phối hợp để “hiện thực hóa” tối đa lệnh ngừng bắn tại Syria.


Một vấn đề hết sức cấp bách dự kiến nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này là kế hoạch tái thiết Syria. Quốc gia Trung Đông sau hơn 7 năm chiến sự đã bị tàn phá nặng nề và hiện rất trông chờ vào sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Assad tuyên bố Syria sẽ sớm bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước do tình hình đã ngày càng ổn định, trong đó Nga sẽ đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/3 đã đình chỉ hơn 200 triệu USD trong các khoản tài trợ cho những nỗ lực tái thiết tại Syria, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang đánh giá lại vai trò của Washington trong cuộc xung đột kéo dài ở quốc gia Trung Đông này.


Kết quả hội nghị thượng đỉnh ba bên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran cuối tháng 11 năm ngoái, trong đó xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác về Syria, cho thấy đây là một cơ chế tiếp xúc quan trọng giúp ba nước đồng bảo trợ cho tiến trình hòa bình Syria xây dựng lòng tin, vượt qua những khác biệt về quan điểm và lợi ích. Trên thực tế, dù cùng tham gia “một liên minh” bảo trợ cho các cuộc đàm phán hòa bình Syria, song những lợi ích về chính trị, kinh tế hay ngoại giao của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria chưa hẳn đã đồng nhất, toan tính của mỗi bên cũng có nhiều khác biệt, thậm chí vẫn bị chia rẽ xung quanh những câu hỏi chủ chốt như số phận của Tổng thống Assad.


Song, về cơ bản, ba nước cho tới nay vẫn thể hiện ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời cam kết giải quyết hòa bình cuộc xung đột Syria bằng các biện pháp chính trị, trong đó nhân dân Syria giữ vai trò quyết định. Đó là lý do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có thể nỗ lực tìm tiếng nói chung để cùng tạo động lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Syria, mà hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này là một cơ hội.

Hồng Quân (TTXVN)
Syria: Sạch bóng phiến quân, Đông Ghouta hoang tàn như ‘ngày tận thế’
Syria: Sạch bóng phiến quân, Đông Ghouta hoang tàn như ‘ngày tận thế’

Quân đội Syria ngày 2/4 tuyên bố đã đập tan hoàn toàn sự phong tỏa của phiến quân trên tuyến đường cao tốc quan trọng nối Damascus với phần còn lại của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN