Tân Thủ tướng Đức bắt đầu giải bài toán khủng hoảng nhập cư từ thời bà Merkel

Thủ tướng Scholz cho biết, nước Đức sẽ lần đầu tiên cho phép công dân mang hai quốc tịch không phải từ EU, một kế hoạch mang lại lợi ích cho hàng triệu người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở Đức.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có một quyết định tác động lớn đến cộng đồng người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ảnh: Wikipedia

Khi ông Olaf Scholz có bài phát biểu quan trọng đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Đức vào giữa tháng 12 vừa qua, công chúng đã theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cho thấy ông sẽ tiếp tục những thành công của người tiền nhiệm Angela Merkel như thế nào, và cả cách ông sửa chữa những sai lầm của bà.

Scholz đã chủ yếu tập trung vào các ưu tiên đối với đại dịch và biến đổi khí hậu. Và điều hầu như không gây chú ý là một thay đổi nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng sâu rộng, được thiết kế để giải quyết một trong những vấn đề nhức nhối nhất của nước Đức: phải làm gì với số lượng lớn người tị nạn trong nước.

Vấn đề này vẫn là một nguồn cơn gây tranh cãi trong người dân Đức về việc liệu nó nên được coi là thành công hay thất bại của kỷ nguyên Merkel. Khi phác thảo cách tiếp cận mới của mình, tân Thủ tướng Scholz cho biết Đức sẽ lần đầu tiên cho phép công dân mang hai quốc tịch.

Điều đó có vẻ đáng ngạc nhiên. Chính sách quốc tịch của Đức vốn nổi lên khác thường trong số các nước lớn phương Tây. Quốc gia này không cho phép công dân mang hai quốc tịch (với ngoại lệ chủ yếu dành cho người đến từ các quốc gia Liên minh Châu Âu).

Vấn đề hai quốc tịch chủ yếu ảnh hưởng đến người nhập cư, đặc biệt là dân tộc thiểu số Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish) hiện có ít nhất 3 triệu người. Cho đến năm 2014, người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư vào Đức đều phải từ bỏ quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn nhập tịch. Ngay cả những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh ra ở Đức cũng phải đối mặt với sự lựa chọn từ bỏ một trong hai hộ chiếu.

Chính sách đó đã gây ra những ảnh hưởng to lớn. Năm 2021 đánh dấu 60 năm kể từ khi chương trình Gastarbeiter, hay còn gọi là “khách mời”, đưa hàng nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức. Tuy nhiên, đến nay, khoảng 2/3 số người gốc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không có quốc tịch Đức, ảnh hưởng đến các lựa chọn giáo dục và việc làm của họ.

Việc cho phép nhiều quốc tịch sẽ mang lại lợi ích chủ yếu cho người Thổ Nhĩ Kỳ và người Syria, hai nhóm lớn nhất không thuộc EU đã đăng ký quốc tịch Đức vào năm 2020. Kế hoạch mới của chính phủ sẽ giúp cho sự hòa nhập của người Thổ Nhĩ Kỳ và làn sóng mới của người di cư Syria dễ dàng hơn nhiều.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã bỏ qua một trong những cuộc tranh luận gay gắt nhất của cuộc khủng hoảng di cư: Khi nào người di cư Syria có thể về nhà?

Chú thích ảnh
Người nhập cư rời nhà ga chính ở Dortmund, Đức vào tháng 9/2015. Ảnh: AP

Cựu Thủ tướng Merkel đã đưa ra quyết định quan trọng vào năm 2015 khi cho phép đón hàng trăm nghìn người tị nạn Syria. Vào thời điểm ấy, bà nói: “Chúng tôi sẽ quản lý được vấn đề này”. Kể từ đó, xã hội Đức đã tranh cãi rất nhiều về hậu quả của số lượng lớn những người di cư đến, liệu họ có hòa nhập được hay không, hay liệu Syria có đủ an toàn để họ trở về nhà hay không.

Mùa Xuân năm ngoái, Đan Mạch trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên bắt đầu thu hồi giấy phép cư trú của người tị nạn Syria, tuyên bố rằng các khu vực của Syria là an toàn cho người tị nạn trở về. Sự thay đổi chính sách này đã bị lên án rộng rãi và các nước châu Âu khác đang theo dõi chặt chẽ để xem điều gì sẽ xảy ra.

Mọi thay đổi sẽ được theo dõi đặc biệt ở Đức, quốc gia có số lượng người tị nạn Syria cao nhất trên lục địa châu Âu. Và bất kỳ thay đổi nào ở Đức chắc chắn sẽ gây ra những thay đổi trên khắp châu Âu.

Chú thích ảnh
Y tá và điều dưỡng là những nghề được nhiều người nhập cư lựa chọn nhất ở Đức.

Cho đến nay, Đức đã tránh các quyết định lớn. Lệnh cấm trục xuất về Syria đối với những người bị coi là mối đe dọa an ninh hoặc bị kết tội nghiêm trọng đã được cho phép hết hiệu lực vào cuối năm 2020. Đây được xem như là bước khởi đầu của một quá trình có thể đưa người tị nạn hồi hương.

Tuy nhiên, các tòa án Đức cho đến nay vẫn từ chối sử dụng quyền lực trên. Có vẻ như Đức chưa trục xuất bất kỳ người di cư nào về Syria trong năm 2021.

Kế hoạch của Thủ tướng Scholz sẽ giúp chính phủ có thêm thời gian. Bằng cách cho phép hai quốc tịch, liên minh cầm quyền có thể tránh được vấn đề thời điểm yêu cầu người Syria hồi hương.

Nếu người Syria có thể mang hai quốc tịch và không bị buộc phải từ bỏ quốc tịch Syria, nhiều người sẽ có thể ở lại và xây dựng cuộc sống ở Đức, đồng thời duy trì niềm tin rằng, nếu tình hình ở Syria được cải thiện, một số người có thể hồi hương.

Thay vì buộc người di cư Syria phải đưa ra quyết định rõ ràng về quốc tịch của họ, như đã làm trước đây, Thủ tướng Scholz đang mở ra lựa chọn mở, đồng thời hy vọng xoa dịu tâm lý chống người di cư đang gia tăng. Ông hy vọng rằng bằng cách mở rộng cánh cửa để người di cư hòa nhập hơn vào ngày hôm nay, nước Đức sẽ không đóng cánh cửa với họ khi quay trở lại Syria vào ngày mai.
 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nam Phi cho thế giới thấy manh mối ‘bình thường mới’ khi đối mặt Omicron
Nam Phi cho thế giới thấy manh mối ‘bình thường mới’ khi đối mặt Omicron

Phân biệt giữa lây nhiễm cộng đồng và số ca nhập viện sẽ là bài học quý giá cho các nước khi phải đối diện với làn sóng dịch bệnh kế tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN