Sau hơn ba tháng giao tranh Israel-Hamas ở Gaza, có một điều không thể tranh cãi: vùng lãnh thổ bị cô lập từ lâu đã trở lại trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Trong phần lớn hai thập kỷ qua, khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa trên không, trên biển và trên bộ đối với Gaza, các nhà lãnh đạo và cơ quan quốc tế dường như cho rằng vùng đất dày đặc 2,3 triệu người Palestine có thể bị loại trừ vô thời hạn khỏi nghị trình khu vực.
Nhưng cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 năm ngoái khiến Israel và phần lớn thế giới hoàn toàn bất ngờ, đồng thời bộc lộ những sai sót lớn trong giả định trên. Quả thực, cuộc chiến hiện đã đặt lại toàn bộ vấn đề về người Palestine, đặt Gaza và người dân ở đây trở thành trung tâm của bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Israel và Palestine trong tương lai.
Nhưng sự nổi bật mới đột ngột của Gaza khó có thể gây ngạc nhiên. Mặc dù ngày nay ít người nhớ, nhưng lịch sử 4.000 năm của vùng lãnh thổ này cho thấy rõ rằng 16 năm qua là một điều bất thường: Dải Gaza hầu như luôn đóng một vai trò then chốt trong động lực chính trị của khu vực, cũng như các cuộc đấu tranh lâu đời về tôn giáo và quân sự. Kể từ thời kỳ ủy trị của Anh vào đầu thế kỷ 20, vùng lãnh thổ này cũng là trung tâm chủ nghĩa dân tộc của người Palestine.
Vì vậy, bất kỳ nỗ lực tái thiết Gaza nào sau một cuộc chiến tàn khốc như vậy sẽ khó có thể thành công nếu không tính đến vị trí chiến lược của vùng lãnh thổ này trong khu vực. Việc phi quân sự hóa vùng đất này chỉ có thể đạt được bằng cách dỡ bỏ cuộc bao vây thảm khốc và đưa ra tầm nhìn tích cực cho sự phát triển kinh tế của Gaza.
Thay vì tìm cách chia cắt lãnh thổ hoặc cô lập về mặt chính trị, các cường quốc quốc tế phải hợp tác để cho phép Gaza lấy lại vai trò lịch sử của mình như một ốc đảo hưng thịnh nằm trên một ngã tư thịnh vượng, nối Địa Trung Hải với Bắc Phi và Levant. Mỹ và các đồng minh cần thừa nhận rằng Gaza sẽ cần có vai trò trung tâm trong bất kỳ giải pháp lâu dài nào cho cuộc đấu tranh của người Palestine.
Viên kim cương trên vương miện
Trái ngược hoàn toàn với thực tế nghèo khó, thiếu nước trầm trọng và sự khốn khổ không ngừng của con người ngày nay, ốc đảo Gaza, hay Wadi Ghazza, đã được tôn vinh trong nhiều thế kỷ vì thảm thực vật tươi tốt và mát mẻ của nó. Tuy nhiên, điều quan trọng là giá trị chiến lược của dải đất này, vì Gaza kết nối Ai Cập với Levant. Vị trí thuận lợi của Gaza có nghĩa là vùng đất này đã bị tranh chấp từ thế kỷ 17 trước Công nguyên, khi người Hyksos xâm chiếm Đồng bằng sông Nile từ Gaza, để rồi sau đó bị một triều đại pharaoh tại Theban đánh bại và đẩy lùi. Cuối cùng, các pharaoh phải từ bỏ Gaza cho bộ tộc Philistines- những người vào thế kỷ 12 trước Công nguyên đã thành lập một liên bang gồm 5 thành phố bao gồm Gaza và các thành phố Ashkelon, Ashdod, Ekron và Gath của Israel hiện nay.
Sau đó, vị trí địa lý đặc biệt của Gaza đã khiến nơi đây trở thành chiến trường quan trọng giữa một số đế chế vĩ đại nhất thời đại. Sau khi lọt vào tay chế Assyria và Babylon, Gaza đã bị Ba Tư chiếm giữ vào giữa thế kỷ thứ 6. Nhưng cú sốc thực sự đến hai thế kỷ sau, vào năm 332 trước Công nguyên, khi Alexander Đại đế của Macedonia phát động cuộc bao vây tàn khốc kéo dài hàng trăm ngày ở Gaza trên đường tới Ai Cập.
Trong cuộc chiến khủng khiếp này, cả hai bên đều củng cố vị trí của mình bằng cách đào nhiều đường hầm bên dưới lớp đất tơi xốp của Gaza - tạo tiền đề lịch sử cho chiến lược của Hamas chống lại Israel ngày nay. Cuối cùng, lực lượng của Alexander chiếm ưu thế nhưng phải trả giá đắt. Alexander bị thương trong cuộc bao vây và đã trả thù khủng khiếp những người Gaza bị đánh bại: phần lớn nam giới bị tàn sát, phụ nữ và trẻ em bị bắt làm nô lệ.
Nhưng tầm quan trọng của Gaza còn vượt xa giá trị quân sự của nó. Trở thành một thành phố tự trị trong thời kỳ Hy Lạp hóa, sau này nó trở thành một trung tâm tôn giáo lớn trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo đầu tiên và sau đó là Hồi giáo. Vào năm 407 sau Công nguyên, Porphyry, giám mục Cơ đốc giáo của Gaza, đã tìm cách xây dựng một nhà thờ trên đống đổ nát của ngôi đền chính ở Gaza để thờ thần Zeus. Nổi tiếng hơn nữa là một nhân vật địa phương khác, Hilarion (291–371), người đã thành lập một cộng đồng tu viện quan trọng ở Gaza và lăng mộ của ông đã trở thành một địa điểm hành hương cực kỳ nổi tiếng.
Từ thời trung cổ đến thế kỷ 19, Gaza tiếp tục đóng vai trò là nơi cạnh tranh giành quyền lực trong khu vực. Nó bị "giằng xé" giữa những người thập tự chinh Thiên Chúa giáo và những người bảo vệ Hồi giáo vào thế kỷ 12 hay các tướng Mamluk và quân Mông Cổ vào thế kỷ 13. Trong hai thế kỷ rưỡi dưới thời Mamluk - những người cai trị người Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát Ai Cập và Syria thời trung cổ -- Gaza bước vào một thời kỳ hoàng kim. Lãnh thổ này được ưu đãi với nhiều nhà thờ Hồi giáo, thư viện và cung điện, và nó phát triển thịnh vượng nhờ các tuyến thương mại ven biển được đầu tư. Năm 1387, một "caravanseray" hay "khan" (một loại trung tâm thương mại và chợ) được thành lập ở cuối phía Nam của Gaza và nhanh chóng phát triển thành một thành phố là Khan Yunis.
Gaza bị Đế chế Ottoman kiểm soát vào năm 1517 và bị quân đội của Napoléon Bonaparte chinh phục trong một thời gian ngắn sau khi lực lượng này này xâm chiếm Ai Cập vào năm 1798. Trong phần lớn thời gian này, Gaza nổi tiếng với khí hậu thuận lợi, người dân bản địa dễ mến và chất lượng cuộc sống cao.
Khi biên giới được vẽ vào năm 1906 để tách Ai Cập do Anh kiểm soát khỏi Ottoman Palestine, nó chạy qua thành phố Rafah để tạo ra một khu vực thương mại tự do trên thực tế giữa hai đế quốc. Nhưng trong Thế chiến thứ nhất, biên giới bị quân Anh và Ottoman tranh giành gay gắt; sau các nỗ lực, quân đội Anh cuối cùng đã chọc thủng phòng tuyến của Ottoman vào năm 1917. Tướng Edmund Allenby tiến vào thành phố Gaza bị tàn phá vào ngày 9/11, cùng ngày chính phủ của ông công bố Tuyên bố Balfour và cam kết “thành lập một quốc gia cho người Do Thái ở Palestine".
Mặc dù Gaza là một trong những khu vực ở Palestine ít bị các khu định cư theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái nhắm đến nhất, nhưng nó đã trở thành thành trì của chủ nghĩa dân tộc Palestine, đặc biệt là trong Cuộc nổi dậy vĩ đại của người Arab năm 1936–1939, trong đó người Arab Palestine nổi dậy chống lại người Anh nhưng chiến đấu không thành công để giành được độc lập cho người Arab. Thay vào đó, vào tháng 11/1947, Liên hợp quốc đã thông qua một kế hoạch phân chia trong đó Palestine sẽ được phân chia giữa một nhà nước Arab và một nhà nước Do Thái - giải pháp hai nhà nước ban đầu - với việc Gaza gia nhập nhà nước Arab.
Mầm mống đấu tranh
Điều quan trọng là Dải Gaza được hình thành bởi những thất bại then chốt năm 1948. Đầu tiên là sự thất bại trong kế hoạch phân chia của Liên hợp quốc, mặc dù được lãnh đạo theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái hoan nghênh nhưng đã bị những người theo chủ nghĩa dân tộc Palestine và các quốc gia Arab thẳng thừng bác bỏ, dẫn đến xung đột vũ trang giữa người Do Thái và người Arab. Chẳng bao lâu sau, những làn sóng người tị nạn Arab đầu tiên, chủ yếu đến từ khu vực Jaffa, đã đến Gaza; trước tình thế khó xử quốc tế ngày nay, Anh gợi ý rằng khu vực này sẽ có khả năng tiếp cận tốt hơn với nguồn viện trợ nhân đạo bằng đường bộ từ Cairo.
Sau đó, theo lời tuyên bố của nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái David Ben-Gurion về nhà nước Israel vào tháng 5/1948, các quốc gia Arab láng giềng đã tấn công, với 10.000 binh sĩ Ai Cập tiến vào Gaza. Nhưng người Ai Cập chưa bao giờ vượt qua Ashdod, cách Gaza khoảng 30 km về phía Bắc, nơi họ sớm bị đẩy lùi bởi một chiến dịch táo bạo của Israel.
Đến tháng 1/1949, Israel không chỉ đánh bại quân đội Arab mà còn đuổi khoảng 750.000 người Palestine ra khỏi nhà của họ, trong cái gọi là "nakba", hay thảm họa. Hiệp định đình chiến được ký kết giữa Israel và Ai Cập dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc vào tháng 2 năm đó đã tạo ra Dải Gaza, một vùng lãnh thổ do Ai Cập quản lý và được xác định bởi các giới tuyến ngừng bắn ở phía Bắc và phía Đông cũng như biên giới năm 1906 với Ai Cập ở phía Nam.
Sau nhiều thế kỷ là ngã tư chiến lược và trung tâm thương mại quan trọng cho thương mại khu vực, Gaza đã bị thu hẹp thành một “dải đất”, bị sa mạc hóa và bị cắt đứt khỏi vùng đất từng là Palestine. Trên hết, dân số địa phương khoảng 80.000 người đã bị choáng ngợp bởi khoảng 200.000 người tị nạn từ khắp Palestine.
Không có cơ sở hạ tầng để chào đón những người tị nạn này, và trong mùa đông đầu tiên năm 1948–49, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế ước tính có 10 trẻ em chết mỗi ngày vì lạnh, đói hoặc bệnh tật. Sự rộng lớn của sa mạc Sinai buộc những người sống sót phải ở lại vùng đất này.
Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đến mức Liên hợp quốc đã thành lập một cơ quan đặc biệt, Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRPR), để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo. Đối với người Palestine, biến động khủng khiếp cũng gieo mầm mống cho một cuộc đấu tranh mới vốn tiếp tục cho đến ngày nay.
Vào tháng 12/1948, cũng chính Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua kế hoạch phân chia thất bại một năm trước đó, quy định “quyền trở về” của người tị nạn Palestine - dù là bằng cách hồi hương thực tế hay chỉ bồi thường bằng tiền - một khái niệm đã trở thành trọng tâm trong nguyện vọng của người Palestine kể từ đó. Nó có ý nghĩa đặc biệt ở Gaza, xét đến số lượng người tị nạn khổng lồ ở đó, và vì Ai Cập không có yêu sách lãnh thổ đối với dải đất này nên vùng đất đã trở thành một "vườn ươm tự nhiên" cho chủ nghĩa dân tộc của người Palestine.