Trong hai ngày 11 – 12/7 tới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Litva, một trong ba quốc gia Baltic.
Vùng Baltic, có tổng dân số khoảng 6 triệu người, phần lớn có địa hình rừng bằng phẳng nằm sát biển Baltic ở phía Tây, phía Bắc giáp với Nga, phía Đông giáp Belarus.
Trong đó, Litva là quốc gia duy nhất trong 3 quốc gia Batic có biên giới đất liền với Ba Lan – một thành viên NATO. Khu vực biên giới này được gọi là “Hành lang Suwalki”, là một dải rừng nằm giữa vùng Kaliningrad của Nga và Belarus.
Sau năm 1991, các nước vùng Baltic đã phát triển thịnh vượng hơn và tìm cách tăng cường quan hệ với phương Tây bằng việc gia nhập NATO, Liên minh châu Âu và các khối phương Tây khác. Họ cũng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ.
Estonia, Latvia và Litva cũng là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ lập trường của phương Tây về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Cả ba nước này đã vận động NATO vạch ra con đường đưa Ukraine trở thành thành viên của liên minh, đồng thời thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moskva.
Sau khi Crimea sáp nhập Nga vào năm 2014, ba quốc gia vùng Baltic đã tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Estonia, Latvia và Litva nằm trong danh sách 10 quốc gia NATO chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng so với quy mô nền kinh tế. Theo ước tính của NATO vào năm 2022, cả 3 nước Baltic đều đã vượt mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng mà liên minh quân sự này đề ra.
Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế của 3 quốc gia này tương đối nhỏ và quân đội của các nước này cũng vậy.
Kể từ năm 2017, NATO đã luân phiên triển khai 3 nhóm tác chiến tới khu vực các nước Baltic, với tổng số khoảng 3.000 quân do Đức, Anh và Canada điều động. Việc triển khai 1.000 binh sĩ ở mỗi quốc gia được cho là biện pháp răn đe có thể ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, các quốc gia vùng Baltic đã kêu gọi NATO triển khai thêm lực lượng đến khu vực này, lên tới 3.000 - 5.000 quân ở mỗi nước. Estonia, Latvia và Litva cũng đã yêu cầu tăng cường năng lực phòng không và tập hợp các máy bay chiến đấu tuần tra không phận thành một lực lượng chiến đấu.
Mới đây, trong chuyến thăm Vilnius hôm 26/6, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cam kết Berlin sẽ triển khai lâu dài 4.000 binh sĩ tại Litva trong nhiều năm. Tuy nhiên, ông Pistorius nói rằng Litva phải đảm bảo cơ sở hạ tầng cần thiết cho lực lượng của họ.
Giới chức Estonia cho biết lực lượng chiến đấu của Anh đã chấp thuận đáp ứng nhu cầu phòng thủ của nước này. Theo đó, lực lượng Anh sẽ đóng quân bên ngoài Estonia và có thể được triển khai tới Estonia trong vòng vài ngày nếu xảy ra khủng hoảng.
Trong khi đó, Canada vẫn chưa công bố bất kỳ kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự nào tại Latvia.
Về phần mình, hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Liên bang Nga cho biết nước này đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với 144 công dân của 3 quốc gia Baltic, trong đó có các quan chức chính phủ, nghị sĩ và các nhân vật công chúng khác.
Quyết định trừng phạt được đưa ra nhằm đáp trả động thái mà Moskva cho là hoạt động vận động hành lang quyết liệt của các nước Baltic để áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và sự can thiệp của 3 quốc gia này vào công việc nội bộ, kích động tâm lý bài Nga.