“Các tổ hợp laser chiến đấu ở cấp độ chiến thuật sẽ quyết định khả năng chiến đấu của lục quân và hải quân Nga trong toàn bộ thế kỷ 21”, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trong một cuộc họp nội các về quốc phòng ngày 17/5.
Hiện Nga vừa tiếp nhận hệ thống vũ khí laser chiến đấu Peresvet và tiếp tục tìm kiếm nghiên cứu các loại vũ khí khác kiểu này.
Theo nhà phân tích quân sự Nga Mikhail Khodarenok, laser thực sự có tiềm năng lớn được sử dụng trong tác chiến, đặc biệt là chống lại các mục tiêu như dàn máy bay không người lái “tí hon”. Ngoài ra, chúng còn có nhiều lợi thế so với vũ khí đạn đạo và tên lửa.
"Vũ khí laser hấp dẫn bởi khả năng gây bất ngờ và gần như ngay lập tức - với tốc độ ánh sáng - tấn công kẻ thù. Chi phí cho một “lần bắn” của loại vũ khí này tương đối rẻ và mang độ chính xác cao, cũng như không cần thiết phải dự trữ một kho vũ khí 'đạn dược',” chuyên gia Khodarenok nhận định với hãng tin RT.
Ngoài việc trực tiếp gây sát thương và tổn hại lên binh sĩ và vũ khí của kẻ thù, laser có thể được sử dụng trong vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc sử dụng các hệ thống vũ khí thông thường.
Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh vũ khí laser không những có khả năng gây sát thương nhiệt lên mục tiêu, mà còn có tiềm năng triệt tiêu các phương tiện quan sát quang học và điện tử như kính viễn vọng, thiết bị quang học và các thiết bị tương tự khác.
Video vũ khí laser đầu tiên của Nga Peresvet (nguồn: RT):
Tuy nhiên, vũ khí laser vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trên hết, vấn đề chính xảy ra đối với cơ chế hoạt động của vũ khí laser là cần một nguồn năng lượng cực mạnh.
Nhà phân tích Khodarenok lý giải để tạo ra một tia “đạn” laser 150kW – con số chưa mạnh bằng các tiêu chuẩn hiện đại - cần một nguồn năng lượng 450kW. “Lý tưởng nhất là một hệ thống laser cần một tụ điện có thể sạc nhanh như chính hệ thống sử dụng nó. Nó sẽ cho phép sử dụng tia laser trong chiến đấu liên tục."
Các hệ thống laser cũng khá nhạy cảm với môi trường khí quyển. Thời tiết xấu hoặc khói đơn thuần ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất hoạt động của chúng (ít nhất là ở giai đoạn này). Các tia laser - giống như bất kỳ ánh sáng nào - có xu hướng yếu dần theo khoảng cách, và hiện tại, “phạm vi tác chiến của laser cho giới hạn trong vài chục kilomet”, nhà phân tích Khodarenok nhận xét.
Năm ngoái, Nga chính thức thử nghiệm “tổ hợp laser tác chiến” mới có tên gọi Peresvet. Vũ khí laser này được đặt theo tên chiến binh nổi tiếng từng chiến đấu trong Trận chiến Kulikovo năm 1380 và giúp chấm dứt ách thống trị của Mông Cổ với Nga thời Trung Cổ. Bề ngoài, tổ hợp giống như một container chở hàng trên khung gầm có bánh xe, phía trước có tháp pháo phóng ra tia laser được điều khiển từ xa. Container được cho là nơi chứa nguồn phát năng lượng.
Không chỉ có Nga, Mỹ và Trung Quốc cũng đang cố gắng trong cuộc đua sở hữu loại “vũ khí tương lai” này.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã thử nghiệm vũ khí laser, cố gắng tích hợp chúng trong các vai trò chiến đấu khác nhau. Trong khi các nỗ lực tạo ra một hệ thống lắp đặt trên máy bay không có kết quả, Mỹ đã thực hiện thành công và thử nghiệm một số nguyên mẫu trên mặt đất và hải quân. Một trong những hệ thống mới nhất là tổ hợp laser MEHEL, được gắn trên xe bọc thép Stryker APC, bắn hạ thành công một số máy bay không người lái trong quá trình thử nghiệm.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng lắp đặt "các hệ thống thử nghiệm trên tàu, xe tự hành. Theo tìm hiểu của chuyên gia Khodarenok, một trong những hệ thống laser của Trung Quốc thành công đánh trúng một máy bay không người lái ở khoảng cách 300 m.