Đài Sputnik dẫn bài viết trên báo Eurasian Times đưa tin khoảng 40 hàng rào laser do Trung tâm Kỹ thuật và Khoa học Laser (LASTEC) có trụ sở ở Delhi phát triển đã được lắp đặt tại các khu vực nhạy cảm dọc biên giới.
Hệ thống hàng rào này bao gồm các cột cao 3 m, tạo thành một rào cản vô hình và đồng thời sẽ phát tín hiệu báo động nếu có người xâm nhập.
“Chúng tôi có hàng rào điện dọc biên giới nhưng đối thủ quá thông minh. Đối phương đã chế tạo ra nhiều chất hóa học có thể xịt lên hàng rào, vô hiệu hóa để xâm nhập vào Ấn Độ”, tờ Eurasian Times dẫn lời một quan chức chính phủ cho hay.
Hàng rào laser sẽ cung cấp hình ảnh và video quay được từ biên giới. Chuyên gia LASTEC tiết lộ trung tâm đang nghiên cứu thêm để hệ thống có thể quay video cả ngày lẫn đêm.
Thông tin về hàng rào laser được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Pakistan Imran Khan chỉ trích New Delhi không thiện chí đối thoại với Islamabad. Phát biểu trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Khan gọi tình hình hiện nay “kỳ lạ”.
“Chúng tôi tìm cách đối thoại, hướng tới một mối quan hệ hữu nghị với Ấn Độ. Ấn Độ từ chối đối thoại với Pakistan và ra điều kiện cho đến khi Pakistan ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, India sẽ không nói chuyện với chúng tôi. Đây là một tình thế bế tắc vì làm thế nào mà có thể cải thiện được mối quan hệ nếu như không có đối thoại”, Thủ tướng Khan giải thích.
Trong buổi phỏng vấn đầu tiên năm 2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định “chúng tôi không bao giờ phản đối đối thoại, song trong bối cảnh mà vẫn còn bom đạn súng khói, đối thoại không thể diễn ra”.
Cơ hội đối thoại giữa hai nước gần như là quay về số 0 sau sự kiện tấn công khủng bố 2016 nhằm vào căn cứ không quân Ấn Độ ở Pathankot. Trong vụ tấn công đó, sáu tay súng khủng bố Pakistan đã giết hại 10 binh sĩ Ấn Độ và làm 22 người khác bị thương. Chính phủ Ấn Độ buộc tội nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammed, hoạt động tại vùng núi Kashmir, đứng sau vụ tấn công đẫm máu này.