Hệ thống phòng không S-400 Triumf trong cuộc tập trận chiến đấu ở Moskva. Ảnh: Sputnik
|
Tại một cuộc họp với tổng biên tập các hãng thông tấn thế giới hôm 1/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không tối tân S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. "Chúng tôi đã thảo luận về khả năng bán các hệ thống S-400. Hiện chúng tôi sẵn sàng bán", ông Putin trả lời câu hỏi từ Tổng biên tập hãng thông tấn Anadolu.
Ông Putin cho rằng, đối với hoạt động sản xuất S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề này phụ thuộc vào sự sẵn sàng của ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Sputnik, Giáo sư quan hệ quốc tế Mesut Hakki Casin tại Đại học Ozyegin ở Istanbul, chuyên gia về chiến lược an ninh và chống khủng bố quốc tế, đã giải thích lý do tại sao Ankara rất mong chờ cơ hội hợp tác với Moskva lần này.
Theo ông Hakki Casin, Ankara nên cố gắng hết sức để thực hiện dự án chung vì một mặt nó sẽ tăng cường an ninh cho đất nước. Mặt khác, nó sẽ nâng cao trình độ của các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ và đưa ngành công nghiệp kỹ thuật quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ lên một cấp độ mới về chất lượng.
“Tôi tin rằng có một thỏa thuận giữa Moskva và Ankara về việc cung cấp các hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng hợp tác trong lắp ráp các hệ thống phòng thủ tiên tiến này ở Thổ Nhĩ Kỳ”, chuyên gia này nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần các hệ thống S-400 vì sẽ giúp tăng cường năng lực phòng thủ cho các vùng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các hệ thống phòng không quốc gia. Bên cạnh đó, các hệ thống S-400 sẽ là một biện pháp phòng vệ đáng tin cậy trước các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Theo vị chuyên gia này, Nga là một trong những nhà sản xuất các hệ thống phòng không hàng đầu thế giới. Trong khi đó, kể từ những năm 1990, Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước phát triển đáng kể về kỹ thuật quân sự. Do đó, việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác lắp ráp các hệ thống phòng thủ tiên tiến là triển vọng thực sự đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn sẵn sàng cho sự hợp tác này.
Đây sẽ là một bước đi hướng tới sự hợp tác mẫu mực giữa một nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.
Ông Hakki Casin cũng cho biết ông thấy không có vấn đề gì liên quan tới trình độ kỹ thuật quân sự và các vấn đề liên quan tới ngôn ngữ. Ông cho hay các sĩ quan và hạ sĩ quan của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ trải qua đào tạo và nghĩa vụ quân sự theo các tiêu chuẩn của NATO nên họ sẽ có thể giải quyết được những vấn đề này.