Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf tối tân của Moskva. |
Các chuyên gia phân tích cho rằng nếu như bản thỏa thuận đi vào giai đoạn ký kết cuối cùng, cả hai nước đều sẽ được món hời lớn từ thương vụ mua bán vũ khí này.
Đài phát thanh Sputnik dẫn nhận định của nhà phân tích quốc phòng Mikhail Khodoryonok cho biết, trước hết, “khách hàng mua vũ khí sẽ phải gắn bó với quốc gia cung cấp trong một thời gian dài, do các yêu cầu về công tác bảo trì cũng như phục vụ quá trình đào tạo các chuyên gia để sử dụng vũ khí. Chính vì sự hợp tác trên sẽ không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có bất kỳ động thái chính trị gây hấn nào chống lại nước Nga. Bên cạnh đó, việc mua S-400 từ một nước thành viên NATO sẽ đánh bóng hình ảnh của ngành quốc phòng Nga, và thật khó ở đâu có một lời quảng bá tốt hơn vậy”.
Vấn đề mua S-400 của Nga lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự trong cuộc gặp gỡ vào tháng 3/2014 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ngày 14/3 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn phát triển vũ khí nhà nước Nga Rostec ông Sergey Chemezov lần nữa khẳng định Ankara sẵn lòng mua S-400 của Nga nếu như Moskva cho ghi nợ.
Không chỉ có Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được hưởng lợi khi mua S-400. Quốc gia này hiện đang không sở hữu bất kỳ loại hệ thống vũ khí phòng không tầm xa nào. Theo ông Andrei Frolov – Tổng biên tập tạp chí Xuất khẩu Vũ Khí, Ankara muốn triển khai S-400 nhằm nâng cao năng lực quốc phòng, tự vệ trước các nước láng giềng.
Bên cạnh đó, việc “nhập khẩu” S-400 của Nga không những giúp kho vũ khí quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ “đày đặn” hơn mà đây còn là tín hiệu cảnh báo Ankara muốn gửi đến các đồng minh phương Tây. Frolov nhận xét: “Có thể thương vụ mua S-400 với Nga khó có thể xảy ra. Ông Erdogan chỉ muốn gây sức ép với các thành viên khác trong NATO. Ông ấy đang muốn ‘tống tiền’ các nước châu Âu và Mỹ đề được nhận hệ thống phòng không với điều kiện ưu ái hơn”.
Nếu như bản thỏa thuận mua S-400 giữa hai nước trở thành hiện thực, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một số thách thức khó nhằn. Đầu tiên, các thành viên còn lại của NATO, đặc biệt là Mỹ, sẽ không vui vẻ trước bản thỏa thuận, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ankara và các đối tác phương Tây có phần căng thẳng trong những năm gần đây. Thứ hai, quá trình “sát nhập” vũ khí Nga vào trong hệ thống phòng không của NATO là một điều không hề dễ dàng. Giả dụ thương vụ có thành công, thì việc chuyển giao công nghệ thực sự sẽ không xảy ra trước thời hạn 2020-2022.
Tổ hợp tên lửa S-400 Triumf là hệ thống phòng không hiện đại nhất của Nga hiện nay. Hệ thống này có khả năng đánh chặn mọi phương tiện tấn công từ trên không, bao gồm các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, tên lửa hành trình cũng như tên lửa đạn đạo trong khoảng cách lên tới gần 400 km.