Tại sao Mỹ không từ bỏ thoả thuận con tin giữa Israel và Hamas?

Mặc dù đối mặt với thất bại liên tục, Mỹ không thể từ bỏ nỗ lực đàm phán thỏa thuận con tin giữa Israel và Hamas vì những lý do chính trị, nhân đạo và chiến lược.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) hội kiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, ngày 19/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNN ngày 6/9, Mỹ đã liên tục nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận con tin giữa Israel và Hamas, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Tuy nhiên, chính quyền Biden không thể từ bỏ nỗ lực này vì nhiều lý do, bao gồm áp lực chính trị, nhân đạo và những cân nhắc về an ninh khu vực.

Mục tiêu xa vời nhưng không thể bỏ cuộc

Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã nỗ lực tìm cách đạt được thỏa thuận giải thoát con tin ở Gaza, chấm dứt nỗi đau khổ của người dân Palestine và tạm ngừng giao tranh giữa Israel và Hamas. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa bao giờ xa vời đến thế. Quan hệ giữa Mỹ và Israel đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, đặc biệt sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 năm ngoái và phản ứng quân sự mạnh mẽ của Israel tại Gaza.

Việc theo đuổi một mục tiêu chính sách đối ngoại khó đạt được như vậy có thể làm tổn hại đến uy tín của chính quyền Biden. Thất bại trong việc đạt được thỏa thuận không chỉ đe dọa đến những ưu tiên chính sách hàng đầu của Mỹ mà còn gây ra chỉ trích và áp lực chính trị lớn. Các cố vấn cấp cao của Tổng thống Biden hiện đang hoạt động trong một thực tế chính trị khác biệt với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, khi Washington cho rằng thỏa thuận đã gần hoàn thành, trong khi Israel phủ nhận điều này.

Nhưng một trong những lý do Mỹ không thể bỏ cuộc là áp lực từ phía trong nước, đặc biệt khi có những công dân Mỹ bị giam giữ ở Gaza. Cái chết của Hersh Goldberg-Polin, một con tin Mỹ-Israel, càng làm gia tăng áp lực đòi hỏi chính quyền Biden phải hành động. Ngay cả một cơ hội nhỏ nhoi để đạt được thỏa thuận giải cứu con tin cũng mang lại hy vọng lớn và cứu được mạng sống của nhiều người.

Ngoài ra, việc ngăn chặn xung đột lan rộng trong khu vực cũng là mục tiêu quan trọng của Nhà Trắng. Cuộc chiến kéo dài giữa Israel và Hamas có thể gây bất ổn thêm cho Trung Đông và đe dọa lợi ích chiến lược của Mỹ. Đối với chính quyền Biden, chấm dứt cuộc xung đột còn mang động cơ nhân đạo, đặc biệt là khi hàng nghìn thường dân Palestine đã thiệt mạng. Sự tức giận của cử tri Mỹ, đặc biệt là những người tiến bộ và cộng đồng người Mỹ gốc Arab, về thương vong dân sự có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ sắp tới, đặc biệt là tại các bang chiến trường như Michigan.

Thách thức chính trị và quan hệ với Israel

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, Mỹ vẫn chưa sử dụng mọi đòn bẩy với Israel, như hạn chế bán vũ khí để buộc Thủ tướng Netanyahu nhượng bộ. Tổng thống Biden, người nổi tiếng là ủng hộ Israel, không muốn phá vỡ quan hệ đồng minh truyền thống, đặc biệt khi ông lo ngại việc đổ lỗi cho Israel có thể bị hiểu lầm là đứng về phía Hamas. Đồng thời, việc thúc ép quá mức có thể gây chia rẽ thêm trong nội bộ chính trị Mỹ, đặc biệt khi đảng Cộng hòa đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách của chính quyền Biden.

Về phía Thủ tướng Israel, ông Netanyahu dường như không muốn thực hiện thỏa thuận do các động cơ chính trị nội bộ và chiến lược quốc tế. Ông cho rằng cuộc chiến chống Hamas là một phần của cuộc đấu tranh lớn hơn chống lại Iran và các lực lượng dân quân thân Tehran, điều mà ông cho là sống còn đối với Israel. Những tính toán chính trị của ông Netanyahu, bao gồm cả việc tránh bị chỉ trích vì vụ tấn công của Hamas ngày 7/10 năm ngoái, đã khiến ông khó nhượng bộ trong đàm phán.

Do đó, các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Israel và Hamas đối mặt với nhiều rào cản phức tạp, từ yếu tố lịch sử, tư tưởng đến chính trị. Cả Israel và Hamas đều tin rằng họ đang trong một cuộc chiến sinh tồn, khiến hai bên không muốn lùi bước. Những mâu thuẫn này khiến cả hai không muốn chịu áp lực đủ lớn để thay đổi chiến lược hiện tại.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo CNN)
Nga, Mỹ lên tiếng về việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS
Nga, Mỹ lên tiếng về việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS

Nga coi đây là một nỗ lực nghiêm túc và sẵn sàng xem xét đơn xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Mỹ có phản ứng thận trọng nhưng tôn trọng quyết định của Ankara.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN