Hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên truyền hình Hàn Quốc. Ảnh: AP |
Một trong những nguyên do khiến Triều Tiên nổi giận và tuyên bố dọa hủy Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến tổ chức tại Singapore ngày 12/6 tới liên quan đến phát ngôn về “mô hình Libya” của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton.
Ông Rakesh Krishnan Simha – chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế kiêm nhà báo kỳ cựu làm việc tại New Zealand, cho rằng ông Bolton phải chịu phần lớn trách nhiệm về nguy cơ đổ vỡ Hội nghị Mỹ-Triều.
“John Bolton thực sự không có kinh nghiệm khi bàn luận về vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia Mỹ. Về mặt ngoại giao, ông ấy chẳng khác gì tự đưa mình vào chỗ chết khi nhắc đến ‘mô hình Libya’ trong lúc nói về tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Không chỉ mang tính khiêu khích, phát ngôn đó còn ngầm chứa một sự đe dọa chế độ”, chuyên gia Simha trả lời hãng tin Sputnik.
Khi được hỏi vì sao các nhà thầu quốc phòng lại cảm thấy hứng thú khi đối thoại giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên bị làm “tê liệt”, chuyên gia Simha nhấn mạnh động cơ rất rõ ràng, vì một cuộc đối đầu kéo dài trong khu vực có thể đem đến cho các nhà thầu quốc phòng lợi ích lớn.
Chuyên gia Simha giải thích: “Đầu tháng 5 vừa qua, Mỹ vừa tái khởi động Hạm đội Hai sau 7 năm. Bỗng dưng vì căng thẳng với Nga, Mỹ mới tái lập hạm đội. Bạn có biết một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cần chi phí bao nhiêu? Xấp xỉ 12 tỉ USD. Thêm vào đó bạn cần ít nhất 80 máy bay, 12 tàu chiến và một số tàu ngầm tấn công hạt nhân để bảo vệ tàu sân bay đó. Đó là chưa tính đến tàu hậu cần, tàu chở dầu. Vì vậy chúng ta lại đang nói tới 24 tỉ USD khác… Tình trạng đối đầu trên Bán đảo Triều Tiên thực sự là một cơ hội tốt cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ trong khi hòa bình lại là nụ hôn thần chết đối với họ”.
Nhà phân tích nhấn mạnh, khi nói đến việc đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chỉ cần một vài từ ngữ không phù hợp với tính chất ngoại giao sẽ phá hỏng mọi nỗ lực của ông Trump.
Tuy nhiên, nhà báo này cũng chỉ ra rằng Tổng thống Trump nhanh chóng dập tắt lùm xùm, khẳng định không bàn thảo về bất kỳ “mô hình Libya” nào.
Đề cập đến giải pháp phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, chuyên gia Simha cho rằng đó là điều cuối cùng mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ làm. “Sức mạnh hạt nhân là lớp bảo vệ duy nhất mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un sở hữu. Vì vậy tại sao ông ấy lại phi hạt nhân hóa?”
Theo Simha, ngay cả khi Tổng thống Trump và người đồng cấp Triều Tiên có ngồi vào bàn đàm phán đi chăng nữa, thì các cuộc đối thoại hai bên “có thể kéo dài hàng tháng”.
“Khu vực châu Á-Thái Bình Dương không giống đồ chơi của Mỹ như Trung Đông. Mỹ không thể tấn công Triều Tiên vì Bình Nhưỡng có thể ngay lập tức đáp trả bằng một quả bom nhiệt hạch ngay lên thành phố Seattle hoặc Salt Lake. Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh trong khu vực nên Mỹ không thể có vị trí áp đảo như đối với Iraq năm 1991 và 2003”.
Chuyên gia bình luận nhà lãnh đạo Triều Tiên rõ ràng muốn nhượng bộ một phần quá trình giải trừ vũ khí để đổi lấy lợi ích kinh tế. Thực tế, Bình Nhưỡng không có gì để mất. Không có một Tổng thống Mỹ nào cầm quyền lâu hơn một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Dù ông Trump có hết nhiệm kỳ vào 2020 hay 2024, thì ông Kim Jong-un vẫn ở vị trí đứng đầu đất nước đó”, nhà báo Simha nhấn mạnh.
Hiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau những lời phát ngôn của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Trong một cuộc trả lời hãng tin Fox News, ông này gợi ý Mỹ muốn áp dụng mô hình Libya để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Theo đó, Triều Tiên cuối cùng sẽ phải đơn phương hủy bỏ vũ khí hạt nhân, giống như trường hợp Libya và Iraq.
Ngay lập tức, việc này đã gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Triều Tiên. “Nếu Mỹ cố đẩy chúng tôi vào ngõ cụt để buộc chúng tôi đơn phương từ bỏ hạt nhân, chúng tôi sẽ không còn quan tâm đến cuộc đối thoại như vậy”, ông Kim Kye Gwan - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố.