Các vụ chạm trán
Tháng 6, chiếc chiến đấu cơ Su-27 của Nga bay chỉ cách máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ 1,5 mét ở khu vực gần biển Baltic.
Theo các quan chức Mỹ, chiếc Su-27 tiếp cận chiếc RC-135 nhanh chóng và hành động “khiêu khích” khi có những thao tác “không an toàn”.
Nga có nhiều mục đích khi bay gần không phận các nước NATO. Ảnh: Reuters |
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc máy bay Mỹ cũng khiêu khích chiếc Su-27 khi đang bị hộ tống ra khỏi biên giới Nga.
Đầu năm 2017, NATO cho biết số lần NATO phải phái máy bay để phản ứng với các máy bay quân sự Nga đã tăng từ 400 năm 2014 lên 780 năm 2016.
Điều này cũng cho thấy một điều rằng ngày càng nhiều hoạt động trên không của quân đội Nga bị giám sát và phản ứng từ hai trung tâm tác chiến - giám sát tình huống trên không (CAOC), trong đó một trung tâm ở Uedem, Đức phụ trách khu vực Bắc Âu và một trung tâm ở Torrejon ở Tây Ban Nha phụ trách khu vực Nam Âu.
Theo tạp chí National Interest, máy bay Nga không chỉ bay sát không phận các nước NATO ở châu Âu. Hồi tháng 4, hai máy bay ném bom Tu-95 Bear đã bị hai chiến đấu cơ CF-18 chặn khi đang ở gần không phận Canada.
Tháng 5, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận hai máy bay ném bom Tu-95 Bear cùng chiến đấu cơ hộ tống Su-35 đã bị một máy bay Mỹ chặn khi đang bay trên Khu vực Phòng không Alaska. Năm 2014, Mỹ đã chặn máy bay Nga 15 lần. Từ đó tới nay, trung bình mỗi năm có 10 vụ tương tự.
Theo National Interest, tất nhiên có sự khác biệt quan trọng giữa hoạt động của Nga ở Bắc Mỹ và ở châu Âu.
Tại châu Âu, các máy bay Nga mang theo quân nhu, tắt hệ thống nhận và và phát tín hiệu hoặc bay không có kế hoạch trước. Trong khi đó tại Bắc Mỹ, các không có các hoạt động như vậy được ghi nhận.
Bỉ công bố ảnh chạm trán chiến đấu cơ Nga trên Biển Baltic đầu năm 2017. |
Mục đích của Nga
Trong Chiến tranh Lạnh, hoạt động quân sự của Liên Xô ở gần không phận các nước NATO là điều thường xảy ra. Mục đích là để thử các hệ thống phòng thủ của các nước NATO trong trường hợp có chiến tranh.
Ngày nay, viễn cảnh một cuộc chiến giữa Nga và NATO dường như rất xa xôi nhưng tại sao Nga lại “tập luyện” cho một kịch bản như vậy?
Theo National Interest, các hoạt động quân sự của Nga nhằm mục đích tuyên truyền. Bằng cách chứng minh rằng quân đội Nga có thể tiến sát không phận các nước NATO, Nga có thể cho thấy sức mạnh của mình và điểm yếu của NATO.
Các hoạt động này cũng có mục đích quân sự. Thông qua đó, Nga có thể thu thập thông tin giá trị về hệ thống điều hành trong các hệ thống phòng thủ của các nước NATO, thời gian phản ứng của không quân các nước, năng lực phi công các nước và mức độ hợp tác giữa các thành viên NATO.
Các thông tin như vậy sẽ bổ sung cho các hoạt động tình báo của Nga trong tuyển mộ và điều hành các nguồn tin thuộc các hệ thống phòng thủ của các nước NATO.
Biết được các thành viên NATO sẽ phản ứng ra sao trong trường hợp khẩn cấp sẽ giúp Nga hiểu thấu cách các nước này sẽ xử sự trong trường hợp có chiến tranh.
Tuy nhiên, các hoạt động của Nga không chỉ là thử mức độ sẵn sàng quân sự của phương Tây mà còn là thử khả năng của chính mình trong phản ứng với các mối đe dọa.
Chương trình hiện đại hóa quân đội Nga bắt đầu từ năm 2008 không chỉ bao gồm đầu tư đáng kể trong mua sắm vũ khí mà còn bao gồm hoạt động nâng cao hệ thống kiểm soát và chỉ huy, tăng cường phối hợp giữa các bộ và tập trận dày đặc.
Tờ National Interest cho rằng từng nước NATO hầu như không thể làm gì nhiều nhặn để ngăn cản các hoạt động kiểu như vậy của Nga trên bầu trời. Cả Canada Và Mỹ đều ký với Nga “Thỏa thuận ngăn chặn các hoạt động quân sự nguy hiểm”, theo đó thiết lập quy trình ngăn chặn sử dụng vũ lực khi phản ứng với các cuộc tiếp xúc, sự cố và tai nạn quân sự tình cờ.
Tờ National Interest cho rằng không nên xem xét đơn lẻ từng hoạt động quân sự của Nga gần không phận các nước NATO. Tờ này cho rằng đây là một cách để Nga thể hiện sự quyết đoán quân sự ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.