Theo kênh CNN, chỉ bằng việc hiện diện tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Trump sẽ trao cho Triều Tiên điều mà quốc gia này chờ đợi: một cuộc gặp ngang hàng với Tổng thống Mỹ.
Đây là lý do tại sao nhiều người nhận định rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sẽ như một canh bạc lớn đối với ông Trump và sẽ khiên ông chịu áp lực phải đạt được bước đột phá lớn lao trong quá trình giải giáp kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Nếu diễn ra, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ là cuộc gặp lịch sử. Ảnh: Sky News |
Cái khó của nhiệm vụ đó là lý do tại sao nhiều người tiền nhiệm của ông Trump “đứng khựng” trước một cuộc gặp đột phá và “nhường” cho ông Trump trở thành người đầu tiên gật đầu. Không những thế, ông Trump còn đồng ý ngay tại chỗ khi được phía Hàn Quốc chuyển lời mời từ Triều Tiên.
Từ trước tới nay, bởi vì cuộc gặp với Tổng thống Mỹ luôn có ý nghĩa quan trọng đối với Triều Tiên nên lúc nào Mỹ cũng ở vị trí có sẵn ghế ngồi ở bàn đàm phán.
Hiện nay, Nhà Trắng tin rằng Triều Tiên đã “thấm thía” chiến dịch trừng phạt gây áp lực tối đa và đã suy yếu đến mức muốn đàm phán.
Đối với các nhà phân tích, ông Trump đang mang quân bài mạnh nhất ra khi đồng ý gặp ông Kim Jong-un và đây là lý do họ cho rằng ông Trump có thể đang mạo hiểm.
Dù các chuyên gia có nhận định thế nào đi chăng nữa, thì những diễn biến bất ngờ về Triều Tiên cũng chỉ nhấn mạnh một điều rằng: Ông Trump không giống bất kỳ người tiền nhiệm nào và không quan tâm tới chính sách ngoại giao chính thống.
Hãy cùng điểm mặt các tổng thống Mỹ từng đắn đo về một cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên.
1. Bill Clinton
Trước ông Trump, một tổng thống Mỹ đương nhiệm gần đây nhất được Triều Tiên mời gặp là Bill Clinton. Ông Clinton từng cân nhắc khả năng tới Bình Nhưỡng để đạt thỏa thuận về tên lửa với Triều Tiên trong nhiệm kỳ tổng thống năm 2000.
Ban đầu, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Madeleine Albright đã tới thăm Triều Tiên và gặp lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong-il. Bà Albright đã được ông Clinton cử đi làm sứ mệnh thăm dò.
Phát biểu tại Brussels ngày 9/3, bà Albright (giờ đã 80 tuổi) nói: “Tổng thống Clinton thông thái nói rằng ‘Tôi sẽ không đi cho đến khi mọi việc sẵn sàng, tôi sẽ cử ngoại trưởng… Điều đó sẽ không làm họ vui”.
Cuối cùng, sau khi bà Albright tới Bình Nhưỡng và các nhà ngoại giao Mỹ phối hợp để sắp xếp một chuyến thăm của tổng thống, mọi chuyện sáng tỏ rằng Triều Tiên và Mỹ có quan điểm quá xa nhau về các chi tiết thỏa thuận tên lửa, khiến ông Kim Jong-il không thể nhượng bộ đáng kể nếu ông Clinton tới thăm Triều Tiên.
Ông Jeffrey Lewis, một chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, California nói: “Thực sự họ bế tắc ở một vấn đề. Triều Tiên sẵn lòng ngừng bán tên lửa và Triều Tiên thậm chí sẵn sàng ngừng chế tạo tên lửa. Nhưng Triều Tiên không sẵn sàng từ bỏ những tên lửa đã có”.
Kết quả là cuộc gặp thượng đỉnh đã không diễn ra vì Triều Tiên không nhượng bộ thêm, còn chính quyền Clinton muốn sử dụng chuyến thăm một cách cẩn thận.
2. George W. Bush
Chính quyền Mỹ sau đó của ông George W. Bush, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Phó Tổng thống Dick Cheney đã chặn đứng nỗ lực của Ngoại trưởng Colin Powell trong việc theo đuổi những gì chính quyền tiền nhiệm đang thực hiện.
Sau đó, khi Mỹ phát hiện ra Triều Tiên có chương trình làm giàu urani cấp độ cao, mối quan hệ hai nước lại rơi vào giai đoạn đóng băng.
Về sau, ông có quan tâm tới đàm phán với Triều Tiên trong khuôn khổ đàm phán sáu bên. Đàm phán này đảm bảo Bình Nhưỡng không thể khiêu khích để đảm bảo đạt mục tiêu đàm phán trực tiếp với Mỹ.
3. Barack Obama
Khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống tiếp theo Barack Obama cam kết sẽ đàm phán trực tiếp với các đối thủ của Mỹ. Cuối cùng, ông đã tới Cuba để gặp Chủ tịch Cuba Raul Castro và điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Tuy nhiên, ông Obama kết luận rằng nhượng bộ khiêu khích của Triều Tiên là sai lầm.
Năm 2013, ông Obama nói: “Từ khi tôi nhậm chức, điều mà tôi biết rõ là chúng ta sẽ không thuận theo hành vi khiêu khích kiểu này nữa”.
Trong thời kỳ ông Obama cầm quyền, Triều Tiên cũng quan tâm tới việc thu hút các vị khách nổi tiếng người Mỹ.
Năm 2008, ông Clinton cuối cùng cũng tới Triều Tiên trong chuyên thăm thực hiện sức mệnh thả thự do cho hai nhà báo Mỹ bị Bình Nhưỡng giam giữ.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter năm 2010 cũng thăm Triều Tiên và quay về cùng một người Mỹ từng bị giam tại Triều Tiên.
Tới lượt ông Donald Trump, đây không phải là lần đầu tiên ông đã quyết định thực hiện chiến lược đối lập hoàn toàn với ông Clinton hay Obama khi chấp nhận lời mời gặp của ông Kim Jong-un.
Câu hỏi được đặt ra hiện nay là: Liệu sự táo bạo của ông Trump có mang lại phần thưởng xứng đáng.