Theo đánh giá của Tiến sĩ Evgeny Gontmakher, từng giữ cương vị vụ trưởng trong Chính phủ Nga, Giáo sư tại Trường Kinh tế Cao cấp Đại học Nghiên cứu Quốc gia ở Moskva, vào tháng 3/2022, Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Nước này phải chịu hơn 5.000 lệnh trừng phạt có mục tiêu khác nhau, nhiều hơn cả Iran, Venezuela, Myanmar và Cuba cộng lại.
Với 1.194 lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva, Mỹ là quốc gia đứng đầu về lệnh trừng phạt, tiếp theo là Canada (908) và Thụy Sĩ (824).
Trong số các hạn chế đối với lĩnh vực tài chính, đáng kể nhất là việc đóng băng một nửa số vàng và dự trữ ngoại hối của Nga được lưu trữ ở phương Tây - 300 tỷ USD. Một số quốc gia phương Tây đã đình chỉ dịch vụ của các chi nhánh ngân hàng Nga hoạt động trên lãnh thổ của họ và các ngân hàng hàng đầu của Nga đã bị ngắt kết nối khỏi hệ thống SWIFT.
Phương Tây cũng đang tiến tới lệnh cấm vận nhập khẩu tài nguyên khoáng sản từ Nga. Đến cuối năm 2022, Mỹ và hầu hết các nước châu Âu có thể sẽ ngừng mua dầu và than của Nga. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga cũng đang giảm dần.
Các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân cũng được áp dụng với giới lãnh đạo Nga đều bị nhắm mục tiêu, bắt đầu từ Tổng thống Vladimir Putin, các thành viên chính phủ và các nghị sĩ trong Quốc hội, cũng như hầu hết các doanh nhân lớn của Nga. Người đứng đầu các kênh truyền hình do nhà nước quản lý cũng bị áp lệnh trừng phạt.
Ngoài các biện pháp này, nhiều thành phần phi nhà nước cũng đang tẩy chay Nga. Ví dụ, hàng trăm công ty đã từ chối tiếp tục hoạt động tại nước này, bao gồm những gã khổng lồ như McDonald's, Coca-Cola, KFC, BP và Shell. Và xu hướng này vẫn tiếp diễn.
Tác động với nền kinh tế
Tổn thất rõ ràng nhất là trong lĩnh vực vận tải hàng không. Hàng không dân dụng Nga đang phải đối mặt với những lệnh cấm chưa từng có. Gần một nửa thế giới đóng cửa với các chuyến bay từ Nga. Bên cho thuê nước ngoài đã thu hồi máy bay của họ. Các công ty bảo hiểm từ nước ngoài đang chấm dứt hợp đồng. Các nhà sản xuất máy bay phương Tây không còn thực hiện bảo trì cho các máy bay do Nga sở hữu. Vào tháng 1/2022, các hãng hàng không Nga đã vận chuyển 8,1 triệu lượt khách; trong tháng 3, chỉ còn 5,2 triệu. Tại các sân bay lớn nhất, nhân viên được cho nghỉ việc các nhà ga đóng cửa.
Một lĩnh vực khác mà hiệu lực của các lệnh trừng phạt đã thể hiện rõ ràng là ngành công nghiệp ô tô. Hầu hết các nhà máy ô tô ở Nga đều sản xuất ô tô dưới nhãn hiệu nước ngoài hoặc sử dụng các linh kiện nước ngoài. Kết quả là trong tháng 4, chỉ có hai nhà máy lắp ráp ô tô hoạt động đầy đủ. Những đơn vị còn lại đều đã chuyển sang làm công việc bán thời gian hoặc ngừng hoạt động.
Sản xuất dầu của Nga cũng đã bắt đầu giảm. Vào tháng 4/2022, Nga đã giảm sản lượng gần 9% so với tháng 3.
Trong khi đó, lạm phát đang tăng mạnh. Chỉ trong tháng 3/2022, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 7,6% so với tháng 2. Theo một cuộc khảo sát của các chuyên gia do Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện, lạm phát vào cuối năm 2022 dự kiến sẽ là 20%.
Ngân hàng trung ương của nước này cũng dự báo rằng nền kinh tế sẽ thực sự bắt đầu cảm thấy tác động của các lệnh trừng phạt vào cuối Quý II và trong Quý III năm nay. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết vào tháng 4 rằng hiện nền kinh tế Nga có thể tạm thời ổn định bằng nguồn dự trữ, nhưng cuối cùng chúng sẽ cạn kiệt và sau đó dẫn đến chuyển đổi cơ cấu và “tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới”. Điều này có nghĩa là gì vẫn chưa thể dự đoán và phần lớn phụ thuộc vào tình hình quân sự ở Ukraine.
Biện pháp đối phó
Theo dữ liệu chính thức của Quý I/2022, thu nhập thực tế của người dân Nga giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Chính phủ Nga đã ngừng công bố dữ liệu hàng tháng về thu nhập thực tế.
Kỳ vọng của người tiêu dùng cũng đã thay đổi đáng kể kể từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2022. Hơn một nửa số người Nga (65%) đã bị giảm thu nhập trong tháng 3, trong khi 64% giảm chi phí. Hơn một nửa số người được hỏi (66%) đang gặp khó khăn trong công việc.
Phần lớn (94%) người được hỏi cảm nhận được tác động do gia tăng giá, đặc biệt là đối với các sản phẩm và hàng hóa khác thuộc nhóm tiêu dùng cơ bản: quần áo và giày dép, thuốc men, đồ nội thất và hàng hóa cho trẻ em. Theo đa số (88%), tình hình kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ, đặc biệt ảnh hưởng đến những người có thu nhập thấp.
Người Nga cho biết họ đã giảm chi tiêu trong các lĩnh vực sau: ăn uống - 64%, du lịch - 57%, giải trí (rạp chiếu phim, rạp hát) - 50%, sửa sang nhà cửa - 47% và nội thất - 46%. Họ cũng giảm chi tiêu cho các sở thích cá nhân, rượu, mỹ phẩm và thẩm mĩ. Chi tiêu cho mua sắm trang phục đã giảm 40% và mua hàng tạp hóa giảm 30%.
Theo số liệu chính thức, mức thất nghiệp vào tháng 3/2022 khá thấp: 4,1% theo phương pháp luận của Tổ chức Lao động Quốc tế. Giả sử rằng tình hình kinh tế ở Nga sẽ xấu đi do các lệnh trừng phạt được áp đặt, thì chỉ số này có thể sẽ tăng lên, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Thị trường lao động Nga, khi bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế, phản ứng không phải bằng cách sa thải nhân viên, mà bằng cách giảm lương hoặc giờ làm.
Điều này là do quan điểm của các nhà chức trách, vốn lo ngại tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh gây ra các cuộc biểu tình lan rộng. Phương pháp này nhằm giảm thu nhập của người lao động trong khi duy trì việc làm bán thời gian, như đã được sử dụng ở Nga vào những năm 1990, trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009 và phong tỏa vì đại dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2021.
Các kịch bản tiếp theo
Theo kịch bản bi quan, xung đột sẽ tiếp tục trong vài tháng tới và phương Tây áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ, có thể một phần là lệnh cấm vận khí đốt. Điều này sẽ dẫn đến nguồn thu ngoại hối cho ngân sách Nga giảm mạnh và nhà nước sẽ gặp khó khăn lớn trong việc thực hiện các nghĩa vụ kinh tế và xã hội của mình. Mức sống của đại bộ phận người dân sẽ giảm đi đáng kể.
Trong một phiên bản ít bi quan hơn, các hoạt động quân sự sẽ sớm dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn. Trong kịch bản này, nền kinh tế sẽ chịu áp lực ít hơn.
Trong một kịch bản lạc quan, một hiệp ước hòa bình cùng có lợi giữa Ukraine và Nga có thể được ký kết. Nhưng để đạt được điều này, sẽ phải có những nhượng bộ lớn giữa hai nước. Khi đó, áp lực của các lệnh trừng phạt sẽ dần giảm bớt và nền kinh tế Nga có thể tiếp tục tăng trưởng và hoạt động bình thường.
Giáo sư Gontmakher cho rằng, kể từ tháng 5/2022, kịch bản thứ hai có nhiều khả năng xảy ra nhất.