Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp ở thủ đô Moskva ngày 30/6, trong đó có thông báo chính thức dỡ bỏ lệnh cấm bán các tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ cho công dân Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mạng tin “Geopolitical Diary” mới đây có bài viết đánh giá về động thái Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lời xin lỗi về vụ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga (tháng 11/2015), qua đó mở ra triển vọng hàn gắn quan hệ song phương hiện đang có vai trò rất quan trọng trong khu vực.
Gần ba năm sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận được một lời xin lỗi từ Israel trong vụ đặc nhiệm nước này tấn công con tàu Mavi Mamara ngoài khơi bờ biển Gaza năm 2010, Ankara và Jerusalem cuối cùng đã quyết định bình thường hóa quan hệ vào ngày 26/6 vừa qua, khôi phục lại quan hệ hợp tác vào thời điểm căng thẳng địa chính trị trong khu vực Trung Đông đang lên rất cao.
Bên cạnh đó, một động thái ít được dự kiến nhưng có ý nghĩa lớn hơn, vào ngày 27/6 vừa qua Điện Kremlin thông báo rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi thư xin lỗi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc quân đội nước này đã bắn hạ chiếc máy bay chiến đấu Su-24 ở khu vực giáp biên giới Thỗ Nhĩ Kỳ-Syria. Moskva từ lâu đã khẳng định rằng lời xin lỗi của Ankara là điều kiện tiên quyết cho việc khôi phục quan hệ song phương.
Sau vụ máy bay Su-24, Moskva đã đình chỉ việc miễn thị thực du lịch cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ tới Nga, hạn chế hàng nhập khẩu của Ankara, siết chặt các quy định đối với tổ chức, cá nhân của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động kinh doanh tại Nga và không khuyến khích người dân Nga du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở Syria, Nga tăng cường hệ thống phòng không, tiến hành các cuộc không kích mạnh mẽ vào các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và tuyên bố sẽ bắn hạ máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ nếu xâm phạm vùng trời Syria. Qua đó Moskva đã hạn chế các phương án quân sự của Ankara ở Syria mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không hề mong muốn có đụng độ quân sự với Nga.
Nga cũng có lí do riêng trong việc chấm dứt căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Một mặt, Nga muốn thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt sự ủng hộ đối với các nhóm phiến quân ở Syria. Mặt khác, quan trọng hơn Moskva muốn hạn chế sự hợp tác của Ankara trong các kế hoạch tăng cường sự hiện diện của NATO ở khu vực gần biên giới Nga. Một ví dụ điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ có điều kiện địa lý và năng lực hải quân có thể đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch xây dựng một lực lượng ở Biển Đen của NATO.
Tuy nhiên, cuối cùng thì các nhân tố lớn hơn sẽ vẫn hạn chế mức độ của bất kỳ sự tái lập mối quan hệ nào giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara dường như sẽ không có bất cứ biện pháp nào làm suy yếu đáng kể NATO - tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ xem như là "người bảo lãnh an ninh" mạnh nhất của mình trong việc chống lại sức mạnh của Nga từ phía Bắc.
Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn là một "nhân tố địa chính trị" chủ chốt đối với các nỗ lực của phương Tây nhằm tạo đối trọng với Nga từ khu vực Balkan tới Biển Đen và vùng Kavkaz. Ankara cũng đã có mối quan hệ sâu với các nhóm phiến quân người Sunni ở Syria và ủng hộ lực lượng này chống lại chính phủ Syria do người Hồi giáo Alawite lãnh đạo và được Nga hậu thuẫn.
Các lực lượng Syria gốc Thổ hiện nổi lên như là một thành phần cực kỳ quan trọng trong chiến lược của Ankara nhằm ngăn chặn sự lớn mạnh của YPG. Vì vậy, quan hệ Nga-Thổ có thể sẽ được cải thiện sau lời xin lỗi mới được công bố nhưng sự cải thiện đó sẽ chỉ dựa trên một điểm.
Nga sẽ tiếp tục sử dụng cuộc chiến Syria làm đòn bẩy trong cuộc đối đầu rộng lớn hơn với phương Tây và mức độ tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đối đầu đó đang là mối bận tâm của Moskva. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ có một nghĩa vụ bắt buộc phải hạn chế sự mở rộng của người Kurd ở biên giới nước này và điều đó mang lại cho Nga sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với Thổ Nhĩ Kỳ chừng nào Nga còn đóng vai trò tích cực ở Syria.
Lời xin lỗi chỉ là một khúc dạo đầu nhỏ và các khác biệt lớn vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, hai nước hiện đã có cơ hội để đàm phán về tất cả các vấn đề, từ sự phối hợp chiến thuật trên chiến trường Syria đến việc nỗ lực làm sống lại các dự án năng lượng đầy tham vọng như là “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” hoặc thậm chí phân định lại biên giới và thương thảo về ảnh hưởng chồng chéo trong cuộc xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh.