Sự thay đổi trong cán cân quyền lực ở Trung Đông

Các cuộc nổi dậy trong thế giới Arập nổ ra vào cuối năm 2010, đầu năm 2011 đang làm thay đổi quan hệ quyền lực giữa các nước Trung Đông, với cả bên thua và bên thắng. Tuy nhiên, cán cân quyền lực khu vực vẫn chưa ổn định.


 

Cán cân quyền lực Trung Đông đang thay đổi sau cuộc “cách mạng” mùa xuân Arập. Ảnh AFP/TTXVN

 

Theo cán cân quyền lực hiện nay, Ai Cập vẫn là một trong những quốc gia có ảnh hưởng nhất trong khu vực. Sự thành công hay thất bại của tiến trình chuyển tiếp chính trị và kinh tế của Ai Cập sẽ ảnh hưởng đến cách thức phát triển của các nước Arập khác. Hiện nay, Ai Cập đang phải giải quyết những vấn đề trong nước như sự suy giảm kinh tế và tình hình an ninh ngày một xấu đi, tới mức quân đội phải đảm nhận nhiệm vụ của cảnh sát. Sự mở rộng "quyền lực mềm" của Ai Cập sẽ phụ thuộc vào khả năng của chính phủ trong việc đưa ra những quyết định quan trọng và tạo sự đồng thuận quốc gia. Thành công tại Ai Cập có thể trở thành mô hình và được nhiều quốc gia Trung Đông khác học tập.


Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ thành công điển hình khác. Sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu nhờ vào tiềm lực kinh tế của họ. Việc tái lập quan hệ với Ixraen và quan trọng hơn là một hiệp định hòa bình với thiểu số người Cuốc có thể thúc đẩy ảnh hưởng khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ.


Ixraen, mặc dù môi trường chiến lược khu vực thay đổi và không có "quyền lực mềm" trong khu vực, song do tiềm lực kinh tế và khả năng răn đe của Ixraen hiện khá mạnh - hơn bất cứ lúc nào từ trước tới nay - nên trước mắt, không có nước láng giềng nào có thể trở thành nguy cơ an ninh đối với Ixraen.


Trong khi đó, những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Cata trong 2 thập kỷ gần đây đang mang lại hiệu quả. Từ năm 2011, Cata bắt đầu tăng cường can dự vào các nước láng giềng như hỗ trợ cuộc cách mạng Libi, chính phủ Ai Cập và phe đối lập Xyri. Tuy nhiên, Cata dường như hơi "quá tay" vì họ có tiền nhưng không có các "quyền lực cứng" khác và đang bị chỉ trích vì can thiệp vào Xyri và ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo.


Trong khi đó, cuộc nội chiến tại Xyri đã khiến nước này mất đi ảnh hưởng trong khu vực. Thay vào đó, Xyri đang trở thành địa điểm cho một trận chiến địa chính trị giữa các cường quốc khu vực khác. Trên thực tế, bất chấp cán cân quyền lực giữa chế độ Assad và phe đối lập, Xyri nhiều khả năng không thể tái lập một chính phủ trung ương mạnh trong nhiều thập kỷ tới. Triển vọng tốt nhất sau xung đột là Xyri có thể hình thành một nhà nước phi tập trung hay một nhà nước liên bang, và xấu nhất là nước này có thể đi theo con đường của Xômali.


Arập Xêút cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn ở trong nước, trong đó có sự bất bình đẳng kinh tế nghiêm trọng, dịch vụ yếu kém, sự thất vọng ngày càng tăng của dân chúng đối với việc thiếu tự do chính trị và tiến trình chuyển giao khó khăn trong nội bộ Hoàng gia. Tuy nhiên, cho dù "quyền lực mềm" của Arập Xêút đang giảm sút, song thu nhập khổng lồ từ dầu mỏ dường như sẽ đảm bảo rằng họ vẫn là một cường quốc khu vực.


Các tổ chức phi nhà nước cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong cán cân quyền lực Trung Đông. Trong số những nhóm chính trị chủ chốt xuyên quốc gia, nhóm Anh em Hồi giáo nổi lên là lực lượng chiến thắng rõ ràng nhất. Các chính phủ do những người Hồi giáo lãnh đạo phải đạt được thành công trên mặt trận kinh tế xã hội đồng thời xây dựng các thể chế dân chủ. Thách thức chung của tất cả các bên chiến thắng trong khu vực là phải biến những thành tựu hiện nay thành sức mạnh lâu dài và đáng tin cậy.

 

Theo “Project syndicate”

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN