Sứ mệnh thúc đẩy hòa bình lâu dài

“Mỗi khi xung đột xảy ra, phụ nữ và trẻ em gái luôn là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Song nếu phụ nữ được giáo dục, họ sẽ ủng hộ sự nghiệp học tập của con cái và tạo ra một chu kỳ thế hệ tích cực. Khi chu kỳ này được thiết lập, xung đột sẽ giảm thiểu bởi phụ nữ luôn khao khát được sống và phát triển trong điều kiện hòa bình, chống lại xung đột, chiến tranh và nạn đói, nhằm cải thiện cuộc sống của bản thân cũng như của con cái.”

Chú thích ảnh
Trẻ em tại một trường học ở làng al-Qanaa, Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là khẳng định của cô Habiba Mohammed, một nhà hoạt động giáo dục ở Nigeria, sau hơn 15 năm nỗ lực phổ cập giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, ở quốc gia Tây Phi này. Theo cô Habiba, thông qua sự nghiệp của mình, cô nhận thấy sự liên kết rõ ràng giữa giáo dục với việc đạt được hòa bình và phát triển bền vững. “Giáo dục là chìa khóa cho sự phát triển của bất cứ quốc gia nào. Nếu không có giáo dục, chúng ta không thể có được một nền kinh tế thịnh vượng hay các cộng đồng an toàn. Đầu tư vào giáo dục chính là chìa khóa cho sự phát triển của mọi đất nước.”

Đồng quan điểm, cô Ajwok Mary Valentino, Đại sứ Thanh niên toàn cầu từ Uganda, cũng khẳng định rằng, hòa bình và phát triển bền vững không thể tồn tại nếu thiếu giáo dục. Là một người Nam Sudan đã phải rời bỏ quê hương trong hơn một thập kỷ vì xung đột, cô Valentino, hiện sống ở Uganda, nhận thức rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của giáo dục. “Không có hòa bình thì không thể có phát triển bền vững, và chỉ có thể đạt được những điều này bằng cách đầu tư vào nền giáo dục một cách đúng đắn. Nếu được giáo dục để phát huy hết tiềm năng, khi thời điểm thích hợp đến, những người tị nạn như tôi có thể trở lại quê hương để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.”

Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới chứng kiến tình trạng gia tăng các cuộc xung đột bạo lực, song song với sự tăng lên đáng báo động của nạn phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và ngôn từ kích động thù hận, giáo dục càng nổi lên như một công cụ mạnh mẽ để giải quyết và ngăn chặn những thách thức này. Chính vì thế, Liên hợp quốc (LHQ) đã lựa chọn chủ đề cho Ngày quốc tế Giáo dục (24/1) năm 2024 là “Giáo dục vì hòa bình lâu dài.” Không chỉ làm nổi bật vai trò của giáo dục trong việc thúc đẩy hòa bình và phát triển, chủ đề của Ngày quốc tế Giáo dục lần thứ sáu này càng có ý nghĩa khi tác động của những hành vi bạo lực hiện vượt qua mọi ranh giới dựa trên địa lý, giới tính, chủng tộc, tôn giáo, chính trị, ngoại tuyến và trực tuyến.

Theo LHQ, Ngày quốc tế Giáo dục năm nay hướng tới mục tiêu huy động các quốc gia thành viên và các đối tác duy trì giáo dục ở vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị, tạo ra tầm nhìn ở cấp địa phương và toàn cầu về tầm quan trọng của giáo dục trong tăng cường và duy trì hòa bình, huy động nhiều tài trợ hơn cho giáo dục nói chung, và giáo dục vì hòa bình nói riêng, đặc biệt thông qua cơ chế và quan hệ đối tác đa phương và đổi mới, cũng như nâng cao nhận thức về các phương pháp tiếp cận hiệu quả trong giáo dục vì hòa bình. LHQ khẳng định rằng, khi được định hình và thực hiện một cách hiệu quả, giáo dục sẽ trở thành một khoản đầu tư dài hạn với lợi nhuận ngày càng tăng.

Tuy nhiên, dù giáo dục đem đến một chiếc thang thoát nghèo và con đường dẫn đến một tương lai đầy hứa hẹn, song việc phổ cập giáo dục cũng đối mặt với những thách thức. Ngày nay, khoảng 250 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên khắp thế giới không được đến trường, khoảng 763 triệu người trưởng thành mù chữ, trong khi 617 triệu trẻ em và thanh thiếu niên không thể đọc và làm toán cơ bản. Tại khu vực châu Phi cận Sahara, chưa đầy 40% trẻ em gái hoàn thành bậc trung học cơ sở. Chưa kể đến khoảng 4 triệu trẻ em và thanh thiếu niên tị nạn không được đến trường.

Những con số trên cho thấy, quyền được giáo dục của hàng trăm triệu người đang bị vi phạm và đây là điều không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, giáo dục chính là công cụ phòng ngừa hiệu quả, lâu dài nhằm bảo vệ, xây dựng và duy trì hòa bình trước, trong và sau xung đột. Trong thời kỳ khủng hoảng, cộng đồng quốc tế càng cần phải đảm bảo tính liên tục của giáo dục như một phần của nỗ lực xây dựng hòa bình toàn cầu. Không chỉ là chìa khóa cho nỗ lực duy trì hòa bình, nếu không có nền giáo dục chất lượng, toàn diện và công bằng cho tất cả mọi người, các quốc gia sẽ không thể thành công trong việc đạt được bình đẳng giới và phá vỡ vòng nghèo đói đang khiến hàng triệu trẻ em, thanh niên và người lớn bị bỏ lại phía sau. Nhân Ngày quốc tế Giáo dục năm nay, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), một lần nữa nhấn mạnh rằng: “Giáo dục phải là trọng tâm của các nỗ lực hòa bình. Nhiệm vụ chung của chúng ta là trao quyền cho người học ở mọi lứa tuổi để đặt nền móng cho các xã hội hòa nhập, dân chủ và tôn trọng nhân quyền.”

Có thể nói, sứ mệnh thúc đẩy hòa bình và sự phát triển thông qua giáo dục chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Hầu hết những khó khăn và thách thức của thế giới hiện nay đều có thể giải quyết nếu có những bộ óc sáng suốt được rèn giũa bằng giáo dục, để cùng nhau tìm ra giải pháp cho các vấn đề, từ nghèo đói, bất bình đẳng cho đến biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc cung cấp nền giáo dục toàn diện và có chất lượng sẽ mở ra cơ hội trọn đời cho tất cả mọi người. Như lời cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng nói, giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà con người có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới.

Phương Thịnh (TTXVN)
Công nghệ bảo vệ xe tăng Nga trong xung đột ở Ukraine
Công nghệ bảo vệ xe tăng Nga trong xung đột ở Ukraine

Các cuộc xung đột trên toàn cầu đã xác nhận thực tế rằng xe tăng chiến đấu chủ lực có thể là một loại vũ khí mạnh mẽ, nhưng không có nghĩa là “bất khả chiến bại”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN