Các đại biểu của đảng Cộng hòa tham dự Đại hội. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau 4 ngày làm việc, Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa đã bế mạc với việc thông qua cương lĩnh chính trị và việc nhất trí đề cử tỷ phú Donald Trump làm ứng cử viên chính thức của đảng này ra tranh cử tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào tháng 11 tới.
Dù là dịp quy tụ để thể hiện sức mạnh và sự gắn kết nội bộ, song sự kiện lớn nhất trong năm của đảng Cộng hòa lần này lại cho thấy sự đoàn kết có phần khiên cưỡng khi gương mặt đại diện cho đảng này là một doanh nhân nằm ngoài giới “tinh hoa” chính trị.
Việc thông qua cương lĩnh định hướng chính sách trong những năm sắp tới và đề cử ứng cử viên của đảng ra tranh cử tổng thống và phó tổng thống là hai hoạt động quan trọng nhất của đại hội. Cương lĩnh 2016 gồm 58 trang đề cao những giá trị truyền thống của đảng Cộng hòa như chính quyền được lập ra và hoạt động theo Hiến pháp và một nền quốc phòng vững mạnh. Văn bản này cũng nêu bật những khác biệt giữa quan điểm về chính sách của đảng với những quan điểm của chính quyền Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên tổng thống dự kiến của đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton.
Giới phân tích nhận định, bản cương lĩnh chính trị của đảng Cộng hòa năm nay có xu hướng thiên hữu hơn với lập trường cứng rắn về mọi vấn đề và có một số điều chỉnh cho phù hợp với chiến dịch tranh cử của ông Trump. Bằng chứng là văn bản này đã thể hiện sự ủng hộ với ông Trump và nhắc lại một số luận điểm chính trong chiến dịch tranh cử của nhà tỷ phú này, đặc biệt là vấn đề di cư và an ninh quốc gia.
Bản cương lĩnh ủng hộ quan điểm của ông Trump siết chặt kiểm soát người nhập cư và an ninh quốc gia khi ủng hộ việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico và bức tường này “phải chạy suốt toàn bộ biên giới phía nam và đủ vững chắc để chặn đứng các ý định vượt rào”.
Cương lĩnh cũng kêu gọi áp đặt “kiểm soát đặc biệt” với những người nước ngoài muốn vào Mỹ từ những quốc gia “bảo trợ khủng bố”. Cương lĩnh cũng đi ngược lại tiêu chí đảm bảo tự do thương mại toàn cầu khi chỉ ủng hộ “những thỏa thuận thương mại đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết”.
Ngoài ra, văn bản này cũng nêu bật sự ủng hộ đối với kiểu gia đình “tự nhiên” và phản đối quyền được phá thai với quan điểm thể hiện có phần thiên hữu hơn cả ứng cử viên Trump. Nhà hoạt động tôn giáo David Barton nhận định: “Đây là một cương lĩnh bảo thủ nhất trong lịch sử hiện đại”.
Với bản cương lĩnh thể hiện quan điểm ủng hộ ứng cử viên Trump, không mấy ngạc nhiên khi tỷ phú này được đề cử làm ứng cử viên Tổng thống chính thức của đảng, cùng với Thống đốc bang Indiana Mike Pence vào vị trí ứng cử viên phó tổng thống để bước vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử, ông Trump khẳng định sẽ đánh bại đối thủ đảng Dân chủ Clinton để đưa đảng Cộng hòa trở lại Nhà Trắng, đồng thời cam kết "sẽ lãnh đạo nước Mỹ đoàn kết, an toàn, hùng mạnh và vĩ đại trở lại". Tuy nhiên, dù hứa hẹn sẽ phác thảo một số đổi mới, song giới quan sát nhận định bài phát biểu của ông Trump vẫn chưa đưa ra một ý tưởng chính sách cụ thể nào hơn là đề xuất xây bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico.
Việc ông Trump trở thành gương mặt đại diện của đảng Cộng hòa được đánh giá là một sự kiện lịch sử của đảng này vì ông vốn xuất thân không phải là một chính khách, từng có thời gian là thành viên của đảng Dân chủ và mới chỉ gia nhập đảng Cộng hòa từ năm 2009.
Chỉ 6 tháng trước, sự tranh cử của ông Trump bị coi như là một trò đùa và dường như là một cái tên mờ nhạt giữa một danh sách đông đảo những thượng nghị sĩ và thống đốc Đảng Cộng hòa đương nhiệm và tiền nhiệm. Bằng việc tận dụng sự tức giận của tầng lớp lao động da trắng, nhà tỷ phú này đã nhanh chóng trở thành một “hiện tượng” và đánh bật 16 ứng cử viên khác để giành được sự đề cử.
Từ chỗ phản đối gay gắt, đến nay, nhiều thành viên trong đảng Cộng hòa và các cử tri đang bắt đầu hợp nhất ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định đây là sự thống nhất có phần “gượng gạo" của giới chức đảng Cộng hòa, bởi lẽ ông Trump vốn là một “người ngoại đạo” với vốn liếng kinh nghiệm chính trị ít ỏi và thiếu tố chất của một tổng thống.
Những gì diễn ra tại đại hội đã bộc lộ một đảng Cộng hòa với sự chia rẽ và thiếu tin tưởng hay thậm chí quan ngại đối với ứng cử viên Trump, song không còn giải pháp tốt hơn ngoài việc thống nhất đề cử tỷ phú này. Dù là sự kiện nhằm thu hút sự ủng hộ dành cho ứng cử viên của đảng, song những diễn giả phát biểu hầu như đều tránh đề cập đến cái tên Trump hay những đề xuất gây tranh cãi của ông.
Ông Donald Trump phát biểu tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 10/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong suốt bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan chỉ nói về tầm nhìn của mình đối với đất nước, song hiếm khi đề cập đến ứng cử viên Trump. Trong khi đó, thay vì đưa ra một bài phát biểu kêu gọi sự đoàn kết nội bộ để ủng hộ ứng cử viên của đảng, Thượng nghị sĩ Ted Cruz nhắc đến ông Trump một lần qua lời chúc mừng ông giành được đề cử.
Ngoài ra, việc thiếu vắng một loạt thành viên đảng Cộng hòa gạo cội như Thượng nghị sĩ John McCain, cựu ứng viên tổng thống năm 2012 Mitt Romney hay các thành viên gia đình Tổng thống George Bush cũng phản ánh được quan điểm của những chính trị gia này đối với tỷ phú 70 tuổi này.
Dẫu vậy, học giả có nhiều thâm niên Darrell West của Viện nghiên cứu Brookings nhận định “chiến thắng này tạo ra nhiều động lực cho ông Trump và sẽ khiến ông tiết chế một số thông điệp về chính sách của mình. Việc trở thành ứng cử viên của đảng cho phép ông Trump hướng tới chiến dịch mùa thu và tập trung sức mạnh để đánh bại bà Clinton”.
Theo giới phân tích, nếu muốn trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông Trump cần biến cuộc bầu cử thành một phép thử đối với uy tín của đối thủ tiềm tàng là bà Clinton. Cử tri Mỹ có cơ sở để chọn bà Clinton, bởi trong mắt họ, bà không giống một Trump nóng tính và thiếu tố chất để trở thành tổng thống.
Tuy nhiên, nếu ông Trump có thể xoay ngược tình thế, khiến dư luận quay sang "mổ xẻ" các vấn đề của bà Clinton qua vài vụ bê bối của bà thì không loại trừ khả năng giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Chiến lược gia Ford O' Connell thuộc đảng Cộng hòa nhận định: "Hiện giờ, cuộc bầu cử là một cuộc trưng cầu ý dân nhằm vào ông Trump. Nếu có thể biến nó thành cuộc trưng cầu về bà Clinton, ông Trump sẽ chiến thắng. Ai giành lợi thế trong cuộc chiến trưng cầu ý dân này, người đó sẽ là chủ nhân Nhà Trắng".
Ông trùm bất động sản Trump đã trải qua một trong những khoảnh khắc có ý nghĩa lớn lao nhất trong đời sống chính trị của mình. Tuy nhiên, giờ đây, điều ông Trump cần nỗ lực hơn bao giờ hết là hàn gắn và thống nhất nội bộ đảng để dồn toàn lực cho chiến dịch tranh cử sắp tới, đặc biệt khi đối thủ của ông ở chặng đua quyết định gần như chắc chắn là nữ chính khách giàu kinh nghiệm - cựu Ngoại trưởng Mỹ, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton.