Kết quả của mối quan hệ xấu đi từng ngày đó đã tạo ra một “môi trường độc hại” khó giải quyết, gây ra những hậu quả chết người.
Thêm một giọt nước tràn ly
Có thể nói thực tế đó ở Mỹ hiếm khi nào lại đen tối hơn thời điểm hiện tại, khi 5 cảnh sát ở thành phố Dallas, bang Texas bị bắn chết trong một cuộc biểu tình ngày 7/7. Cuộc biểu tình này nhằm phản đối cảnh sát bắn chết hai người da màu. Vòng luẩn quẩn lấy máu trả máu, mạng trả mạng giữa cảnh sát da trắng và công dân da màu cho thấy nền dân chủ số một thế giới đang bế tắc thực sự.
Thành phố Dallas vốn là nơi mà cảnh sát và người dân không có mấy mâu thuẫn nghiêm trọng, sâu sắc trong biểu tình như ở một số nơi khác. Người biểu tình lúc nào cũng hành động hòa bình. Cảnh sát luôn kiềm chế. Đâu đó trên mạng xã hội, còn có ảnh chụp một số cảnh sát và người biểu tình tươi cười đứng cạnh nhau.
Người dân biểu tình tại thành phố New York phản đối cảnh sát bắn chết người da màu. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy vậy, trong cuộc sống thường ngày, va chạm giữa cảnh sát và công dân dù không đổ máu nhưng cũng khiến người dân âm ỉ sự bất mãn. Cảnh sát hàng ngày đối mặt với những tội phạm nguy hiểm. Người dân vô tội xung quanh chúng thỉnh thoảng bị chặn lại, bị khám xét, bị làm nhục, bị lạm dụng.
Phong trào “Black Lives Matter” (Mạng sống của người da màu quan trọng) là một phản ứng của cộng đồng người da màu với vấn đề chia rẽ chủng tộc ở Mỹ, ra đời năm 2014 sau vụ cảnh sát da trắng bắn một thanh niên da màu ở Ferguson. Phong trào này thể hiện rõ sự chia rẽ giữa một bên là cảnh sát da trắng, một bên là công dân da màu. Sự chia rẽ đó được thể hiện qua khảo sát năm 2015 của hãng Gallup với cộng đồng da màu. Khảo sát cho thấy lòng tin của người da màu vào cảnh sát ở mức thấp nhất trong vòng 22 năm. Chỉ 30% người Mỹ gốc Phi tin tưởng vào lực lượng thực thi pháp luật.
Lòng tin của người da màu vào cảnh sát da trắng giảm sút xuất phát từ chính thực tế hàng ngày. Nghiên cứu cho thấy lái xe người Mỹ da màu và gốc Latinh có nhiều khả năng bị cảnh sát chặn xe, lục soát xe hay bị bắt hơn lái xe da trắng, cho dù người da trắng thường là đối tượng có khả năng mang hàng hóa phi pháp nhiều hơn. Nghiên cứu mới của trường đại học tư pháp hình sự John Jay tại New York cho thấy cảnh sát dùng vũ lực với người da màu nhiều hơn gấp ba lần so với đối tượng da trắng. Thống kê cũng chỉ rõ cảnh sát Mỹ giết dân thường nhiều gấp 5 lần so với cảnh sát ở Canada, gấp 40 lần so với cảnh sát Đức và 140 lần so với ở Anh.
Phong trào “Black Lives Matter” bùng lên thành ngọn lửa giận dữ khi một đoạn video được lan truyền trên mạng ghi lại cảnh cảnh sát ở Louisiana và Minnesota giết hai người da màu tên là Alton Sterling và Philando Castile một cách vô lý. Người dân đổ ra đường biểu tình. Mâu thuẫn giữa hai bên như một hành động “tràn ly” khi xảy ra vụ giết 5 cảnh sát ở Dallas. Một tay súng bắn tỉa nấp ở đâu đó nhả đạn làm 5 cảnh sát thiệt mạng, đám đông gào thét xô đẩy tìm nơi ẩn náu. Sự việc chỉ chấm dứt khi tay súng bị một robot mang bom giết chết sau khi thương lượng bất thành. Thủ phạm là Micah Xavier Johnson, 25 tuổi, da màu, sống ở Mesquite, bang Texas, cựu quân nhân từng phục vụ ở Afghanistan. Khám xét nhà hắn ta, cảnh sát phát hiện vật liệu chế tạo bom, áo chống đạn, súng trường, đạn và một sổ tay chiến thuật chiến đấu. Trước đó, thủ phạm cho biết hắn muốn bắn chết cảnh sát da trắng để trả thù cho cái chết của người da màu.
Thực ra, những cái chết như của Alton Sterling và Philando Castile dưới tay cảnh sát xảy ra hầu như hàng ngày ở Mỹ. Nhưng nếu vụ bắn giết không bị ghi hình và tung lên mạng thì dư luận hầu như không biết.
“Nội chiến” màu da
Sau vụ việc ở Dallas, mâu thuẫn giữa cảnh sát da trắng và người dân da màu ở Mỹ đã được tờ New York Post giật thành tít “Nội chiến” trên trang nhất. Theo các nhà xã hội học, căng thẳng sắc tộc ở Mỹ đang tiến tới một trong những giai đoạn đỉnh điểm là cuối những năm 1960, khi bạo loạn đường phố bùng phát khắp các thành thị Mỹ. Ông Darrel W. Stephens, giám đốc điều hành Hiệp hội Lãnh đạo các thành phố lớn, nói: “Ngay cả những năm 1960 và 1970, khi xảy ra nhiều căng thẳng quanh vấn đề cảnh sát, nhân quyền, phong trào phản chiến, chúng ta cũng chưa bao giờ chứng kiến điều gì như đã xảy ra ở Dallas”.
Dù cảnh sát đã được huấn luyện để tránh và giảm đụng độ bạo lực với cộng đồng thiểu số tại Mỹ, nhưng vụ ở Dallas chỉ củng cố niềm tin của người Mỹ gốc Phi rằng 6 thập kỷ qua, vấn đề sắc tộc ở Mỹ không có gì thay đổi. Thời đó, Ủy ban Kerner do Tổng thống Lyndon B. Johnson thành lập đã đưa ra một nhận định năm 1968 rằng: “Đất nước chúng ta đang tiến tới hai xã hội, một da màu, một da trắng, riêng biệt nhưng không bình đẳng”.
Sau vụ ở Dallas, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta E. Lynch nói: “Người Mỹ khắp đất nước đang cảm thấy bất lực, bất an và sợ hại. Chúng ta phải gạt bỏ sự cay đắng và cơn giận bốc đồng, thực hiện công việc khó khăn nhưng quan trọng, mang tính sống còn là cùng nhau tìm một con đường phía trước”.
Con đường mà bà Lynch nhắc đến có lẽ không dễ gì mà cả hai bên trong cuộc “nội chiến” hiện nay ở Mỹ cùng tìm được và cùng chấp nhận đi chung, khi mà suốt gần 8 năm nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử, nhưng vấn đề sắc tộc ở Mỹ dường như không những không cải thiện mà còn trầm trọng hơn. Và cuộc “nội chiến” màu da có thể sẽ bùng lên bất kỳ lúc nào. Nước Mỹ chắc chắn sẽ có thêm những Ferguson và Dallas nữa.