Chọn “phó tướng”, ông Trump mắc sai lầm chiến lược?

Ngày 15/7, ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa Donald Trump quyết định liên danh với Thống đốc bang Indiana Mike Pence để chạy đua vào Nhà Trắng. Trong khi cả ông Trump và ông Pence vui mừng thông báo tin trên, tạp chí Politico coi đây là một “sai lầm lớn”.

Ông Donald Trump (phải) và “phó tướng” mới chọn Mike Pence.

“Đồng sàng dị mộng”

Truyền thông Mỹ cho hay ông Pence được coi là một nhà truyền tin tuyệt vời và là một tay chơi chính trị thông minh. Tuy nhiên, ở Indiana, do liên tục bộc lộ sự thiếu chín muồi về chính trị, ông Pence suýt nữa phải trả giá bằng cả sự nghiệp. Thậm chí, ở Indiana ông Pence bị coi là “hổ giấy”.

 

Cách đây vài tháng, ông Pence đã ký Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo gây tranh cãi. Đây là đạo luật mà nhiều người cho là sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp dùng tôn giáo làm cái cớ để phân biệt khách hàng thuộc cộng đồng đồng tính. Ông Pence cho rằng đạo luật này gây tranh cãi đơn thuần là do vấn đề quan điểm và rằng nó bị bôi nhọ. Tuy nhiên, ngay sau câu nói đó, ông Pence đã đề nghị các nhà làm luật ở Indiana chỉnh sửa đạo luật. Hai câu nói đối nhau chan chát trong tích tắc khiến ông Pence mất luôn 5% ủng hộ, chỉ còn 47% trong tháng 11/2015.

 

Tờ Politico nhận định: Đó là khoảnh khắc đen tối nhất sự nghiệp của Thống đốc bang Indiana, nhưng khi chấp nhận đề nghị làm “phó tướng” tranh cử cùng ông Trump, khoảnh khắc đó sẽ lặp lại hàng ngày. Ông Pence sẽ phải vận động tranh cử cùng một ứng cử viên có thể đẩy mình rơi vào tình thế “há miệng mắc quai”. Bởi trước đây, ông Pence từng ủng hộ tự do thương mại, coi ý tưởng cấm người Hồi giáo vào Mỹ là “xúc phạm và vi hiến” và từng bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết dùng vũ lực ở Iraq. Tất cả những điều đó đều đi ngược lại với quan điểm của “tỷ phú vạ miệng”. Vậy ông Pence sẽ ăn nói ra sao với cử tri khi trở thành “phó tướng” của ông Trump?

 

Trong bối cảnh đó, nhiều người coi lựa chọn ông Pence lầm “phó tướng” là sai lầm đầu tiên của ông Trump trước thềm Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa khai mạc vào hôm nay (18/7). Họ không hiểu tại sao hai người có quan điểm khác nhau, từng chỉ trích nhau lại có thể cùng chung chiến tuyến. Nhưng có vẻ như cả ông Pence và Trump đều không coi trọng chuyện đó.

 

Với ông Pence, liên danh với ông Trump là cơ hội tốt nhất để có được vị thế thuận lợi nhằm tranh cử tổng thống năm 2020 hoặc 2024. Với ông Trump, nhân vật này coi trọng khả năng truyền đạt thông tin trước báo chí của “phó tướng” Pence – người vốn được mệnh danh là “thống đốc thông cáo báo chí” ở Indiana. Nhưng nếu ông Pence không thể xử lý những chỉ trích nhằm vào mình liên quan tới các vấn đề ở Indiana thì làm sao ông có thể xử lý được mọi chuyện khi sống trong “cơn lốc” Trump?

 

Làn sóng công kích

 

Ngay sau khi ông Trump nêu tên “phó tướng” trên Twitter, đảng Dân chủ lập tức chĩa mũi dùi vào ông Pence. Phe Dân chủ mô tả Thống đốc bang Indiana là nhân vật cực đoan và gây chia rẽ. Những người ủng hộ bà Hillary Clinton coi quyết định hôm 15/7 của ông Trump là “lựa chọn phó tổng thống cực đoan nhất trong một thế hệ” và chỉ trích kịch liệt quan điểm của ông Pence về cộng đồng đồng tính, quyền phá thai cũng như chính sách kinh tế thị trường tự do ưu đãi các tỷ phú, tập đoàn lớn hơn tầng lớp lao động. Trên trang Twitter, bà Clinton viết: “Hãy làm quen với phó tổng thống của ông Trump, Mike Pence: Thống đốc Indiana và thảm họa tiềm tàng cho nước Mỹ”.

 

Tuy nhiên, đa số thành viên đảng Cộng hòa nhận định rằng ông Pence là một lựa chọn an toàn. Với kinh nghiệm 12 năm làm hạ nghị sĩ và cương vị thống đốc một bang ở Trung Tây, ông Pence có thể bù đắp và tạo lợi thế cho ông Trump trong tổng tuyển cử.

 

Logo tranh cử của liên danh Trump-Pence dưới góc nhìn của Sportsgrid.

Hiện tại, không ai có thể biết “cặp đôi” Pence-Trump có thể làm được gì. Chỉ biết trước mắt, việc “trình làng” của họ với cái logo “không thể xấu hơn” đã bị dư luận “ném đá” tơi tả. Logo là hình chữ cái T và P lồng vào nhau ở vị trí khiến người xem liên tưởng đến hình ảnh dung tục. Thậm chí, có người còn đặt câu hỏi: “Làm sao mà chúng ta có thể giải thích logo ấy với trẻ con đây?”

 

Mặc dù cử tri đa số chỉ để ý tới người ra tranh cử vị trí tổng thống, ít quan tâm tới “phó tướng”, Tuy nhiên, quyết định chọn người liên danh cũng là một hành động thể hiện bản thân với cử tri vì qua đó, họ có thể đánh giá ứng cử viên có tầm nhìn và tài dùng người hay không.

 

Thùy Dương
Chân dung tổng thống đắc cử Donald Trump - Kỳ 1
Chân dung tổng thống đắc cử Donald Trump - Kỳ 1

Khuấy đảo thị trường bất động sản Mỹ trong thập niên 80 và 90, bị coi là “kẻ ngoại đạo” khi đặt chân vào cuộc đua tổng thống 2016, là cái tên gắn liền với tai tiếng nhưng lại vượt qua hàng chục ứng viên “chính thống” để trở thành đại diện của đảng Cộng hòa rồi chiến thắng vang dội, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Người ta tự hỏi “Donald Trump là ai?”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN