Sự 'đảo chiều' trong quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ

Quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ đang trải qua một sự đảo chiều mạnh mẽ, chuyển từ hợp tác quân sự sang tập trung vào thương mại dầu mỏ và hàng hóa. Với kim ngạch thương mại tăng đột biến lên 65 tỷ USD vào năm 2023, Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Moskva ngày 8/7/2024. Ảnh: ANI/TTXVN

Quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ đang chứng kiến một sự chuyển biến mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ sau sự kiện ngày 24/2/2022. Theo chuyên gia Rajoli Siddharth Jayaprakash thuộc Quỹ nghiên cứu Observer (Ấn Độ), trong thập kỷ qua, các động lực cốt lõi của mối quan hệ này đã có những thay đổi đáng kể.

Trước đây, trụ cột chính trong quan hệ song phương là hợp tác quân sự - kỹ thuật. Tuy nhiên, lĩnh vực này đã dần suy giảm khi Ấn Độ giảm mua sắm vũ khí và công nghệ quân sự từ Nga. Thương mại song phương cũng trì trệ, chỉ dao động quanh mức 10-11 tỷ USD.

Nhưng bức tranh đã thay đổi hoàn toàn kể từ năm 2022. Ấn Độ đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga, với kim ngạch thương mại song phương tăng vọt lên 49 tỷ USD trong năm 2022 và đạt 65 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Động lực chính cho sự tăng trưởng này đến từ thương mại dầu mỏ. Trong tổng kim ngạch 65 tỷ USD năm 2023, riêng nhập khẩu dầu đã chiếm tới 54 tỷ USD. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận trong năm 2022 với 38 tỷ USD trong tổng số 49 tỷ USD là từ nhập khẩu dầu. Con số này tương phản rõ rệt với năm 2021, khi dầu và nhiên liệu khoáng sản chỉ chiếm 5,2 tỷ USD trong tổng kim ngạch 12 tỷ USD.

Bên cạnh dầu mỏ, thương mại các mặt hàng khác cũng có những thay đổi đáng chú ý. Nhập khẩu phân bón từ Nga tăng mạnh từ mức trung bình 600 triệu USD lên đến 3 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2023. Các mặt hàng như đá quý, kim loại, đồ trang sức, thực phẩm cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Đáng chú ý, một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Ấn Độ sang Nga lại có xu hướng giảm. Điển hình là dược phẩm, đến năm 2024 chỉ còn 386 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu máy móc và thiết bị cơ khí lại tăng vọt từ 320 triệu USD lên 650 triệu USD trong giai đoạn 2023-2024.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong quan hệ thương mại này cũng đặt ra nhiều thách thức cho Ấn Độ. Nhóm G7 (bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ) đã lên tiếng chỉ trích việc này. Đặc biệt, vấn đề thanh toán vẫn còn nhiều rào cản, mặc dù Ấn Độ đã mở rộng cơ sở tài khoản vostro đặc biệt cho các doanh nghiệp Nga.

Ngược lại, Nga cũng đang tìm cách mở rộng danh mục hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ. Vào tháng 11/2022, Moskva đã gửi một danh sách gồm hơn 500 mặt hàng cần nhập khẩu, bao gồm các bộ phận cho ô tô, tàu hỏa và máy bay. Tuy nhiên, New Delhi vẫn thận trọng trong việc cung cấp các mặt hàng có giá trị lớn hoặc có khả năng sử dụng kép.

Chuyên gia Jayaprakash cho rằng thương mại Ấn Độ-Nga cần được xem xét từ góc độ cung-cầu hơn là yếu tố chính trị. Trong bối cảnh hiện tại, Ấn Độ đang phải cân bằng giữa việc duy trì quan hệ với Nga và thúc đẩy hợp tác với phương Tây, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng trong ngắn và trung hạn.

Với xu hướng hiện tại, dự báo thương mại giữa hai nước trong giai đoạn 2024-2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, đồ điện tử, máy móc và phụ tùng. Tuy nhiên, cường độ của các lệnh trừng phạt thứ cấp từ phương Tây có thể ảnh hưởng đến mức độ hợp tác kinh tế của New Delhi với Moskva trong tương lai.

Công Thuận/Báo Tin tức
Ấn Độ phát động chiến dịch cải thiện chất lượng không khí tại New Delhi
Ấn Độ phát động chiến dịch cải thiện chất lượng không khí tại New Delhi

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Hội đồng thành phố New Delhi (NDMC) vừa khởi động chiến dịch vệ sinh và quét dọn đường phố vào ban đêm tại nhiều khu vực trong thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN