Theo trang tin Oilprice.com ngày 27/7, trong bối cảnh Sri Lanka đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong bảy thập kỷ, một thảm họa năng lượng cũng đang rình rập nước này. Nếu không nhanh chóng thành lập chính phủ mới để đề ra ngân sách tạm thời và cải cách tiền tệ, cũng như hỗ trợ tài chính từ các nước láng giềng, nước này có thể sớm cạn kiệt nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác.
Có những lo ngại có cơ sở về việc các kho dự trữ xăng dầu sẽ sớm cạn kiệt, khi Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera hồi đầu tháng thông báo rằng nước này chỉ còn đủ xăng trong chưa đầy 1 ngày, dựa trên mức tiêu thụ bình thường, do chỉ còn gần 13.000 tấn dầu diesel và hơn 4.000 tấn xăng còn lại trong kho dự trữ.
Chuyến hàng cung cấp xăng tiếp theo dự kiến có sau hơn hai tuần. Hiện nước này đã ngừng bán xăng và dầu diesel cho các loại xe không thiết yếu, nhưng nó có thể cạn kiệt ngay cả đối với loại phương tiện vận tải trên.
Ngay cả khi các chuyến hàng nhiên liệu đến sớm, Sri Lanka cũng không có đủ tiền để trang trải chi phí do nền kinh tế của nước này đang ở trong tình trạng tồi tệ. Mặc dù đã vượt qua khó khăn về cung cấp nhiên liệu ban đầu trong vài tuần qua, quốc gia này cho biết họ sẽ phải hạn chế nhập khẩu nhiên liệu trong năm tới vì sự thiếu hụt ngoại hối. Sri Lanka cũng đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm bao gồm nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men và không có khả năng giải quyết vấn đề sớm. Điều này chủ yếu được cho là do quản lý kinh tế kém và đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka trước đó, Gotabaya Rajapaksa, đã từ chức hồi đầu tháng 7 và bỏ trốn ra nước ngoài sau các cuộc biểu tình lan rộng do quản lý kinh tế kém. Các trường học hầu hết đã đóng cửa trong tháng trước vì thiếu nhiên liệu, mặc dù chúng đã mở cửa trở lại trong tuần này.
Trong khi đó, nhân viên khu vực công đang làm việc tại nhà. Hai lô hàng nhiên liệu của nhà bán lẻ nhiên liệu lớn thứ hai, Lanka IOC, với tổng trọng lượng 60.000 tấn, dự kiến giảm bớt phần nào tình trạng thiếu hụt trong tháng 8 tới. Giám đốc điều hành của công ty Manoj Gupta cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với chính phủ để giảm bớt nỗi đau và ưu tiên của chúng tôi là cung cấp cho các ngành công nghiệp”.
Trong khi nước này có một số lô hàng đã được lên kế hoạch để nhận, nhiều nhà cung cấp không muốn giao dịch với Sri Lanka, từ chối chấp nhận thư tín dụng từ các ngân hàng của quốc gia này. Sri Lanka có khoảng 700 triệu USD tiền thanh toán quá hạn, buộc các nhà cung cấp phải yêu cầu thanh toán trước cho các lô hàng. Trước đây chúng được bảo lãnh bởi Ấn Độ, quốc gia đã cấp cho Sri Lanka một hạn mức tín dụng 500 triệu USD, nhưng điều này đã hết hạn vào tháng 6. Giờ đây, họ lo ngại rằng các chuyến hàng theo lịch trình của họ sẽ không đến nơi và nước này có thể cạn nhiên liệu bất cứ lúc nào.
Gần đây, Chính phủ Sri Lanka đã thực hiện tăng giá nhiên liệu từ 12-22%, dự kiến sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát vốn đã cao leo thang hơn. Ngoài ra, nước này còn đề ra một “National Fuel Pass” (tạm dịch: Phiếu nhiên liệu quốc gia) như một phương tiện phân phối nhiên liệu, cung cấp cho mọi người một hạn ngạch hàng tuần dựa trên biển số của các phương tiện đã đăng ký.
Tuần trước, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cũng đã từ chức và rời khỏi nước này sau nhiều tháng nổ ra biểu tình. Liên hợp quốc hiện hy vọng một quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sẽ giúp xây dựng lại niềm tin trong nước. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Ceylon Vish Govindasamy, niềm tin kinh doanh ở Sri Lanka hiện rất thấp.
Để có được niềm tin vào tương lai của nền kinh tế Sri Lanka, một chính phủ mới sẽ cần đưa ra các cải cách tài khóa mới. Nó sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự chuyển giao quyền lực thành công và nhanh chóng để đưa ra ngân sách quốc gia tạm thời.
Ngoài việc thành lập chính phủ mới và cải cách tài chính, Sri Lanka sẽ phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia láng giềng nếu muốn cỉa thiện tình hình tài chính của mình. Để cải thiện vấn đề tái cơ cấu nợ, họ sẽ phải nhờ đến sự hỗ trợ từ Trung Quốc để giảm nợ và giúp đẩy nhanh quá trình này. Umesh Moramudali, giảng viên tại Đại học Colombo giải thích: "Sri Lanka không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này nếu không có Trung Quốc”.
Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào Sri Lanka cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, nghĩa là họ có lợi ích để giúp nước này khôi phục lại nền kinh tế. Wang Wenbin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “ngay sau khi chính phủ Sri Lanka tuyên bố tạm dừng thanh toán nợ quốc tế, các tổ chức tài chính Trung Quốc đã liên hệ với phía Sri Lanka và bày tỏ sự sẵn sàng tìm cách để xử lý các khoản nợ đáo hạn liên quan đến Trung Quốc và giúp Sri Lanka vượt qua khó khăn hiện tại”.
Sự hỗ trợ từ Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như sự thành lập nhanh chóng của một chính phủ với những cải cách tài chính mới, có thể giúp Sri Lanka nhận được một gói cứu trợ rất cần thiết từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) để bắt đầu tái thiết nền kinh tế của mình. Deborah Brautigam, một giáo sư từ Đại học Johns Hopkins, giải thích: “IMF không thể tương tác với chính phủ Sri Lanka khi mọi thứ đang trong tình trạng khủng hoảng tiếp diễn. IMF sẽ không cho vay trong tình huống mà họ cho rằng tiền của họ sẽ không được hoàn trả".
Sri Lanka đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế bất ổn và tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng, khiến nhiều người lo ngại về an ninh kinh tế và năng lượng của nước này. Tuy nhiên, vẫn có hy vọng rằng việc thành lập một chính phủ mới, cùng với sự hỗ trợ từ các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế, có khả năng kéo Sri Lanka thoát khỏi tình trạng bất ổn trước khi quá muộn.