Theo số liệu cập nhật tới sáng 1/5, Brazil đã ghi nhận 85.380 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 (tăng tới 7.218 ca trong vòng 24 giờ), trong đó có 5.901 trường hợp tử vong, cao hơn cả Trung Quốc là nơi căn bệnh này khởi phát. Nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh hiện cũng đứng đầu khu vực cả về số ca nhiễm lẫn tử vong vì COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa thể kiểm soát thì những bất đồng giữa Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và chính quyền các bang về quan điểm ứng phó với COVID-19 khiến tình hình càng trở nên rối ren và đe dọa biến Brazil trở thành một tâm dịch mới của thế giới trong những tuần tới.
Ngay từ thời điểm virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan trong cộng đồng tại Brazil, giới chuyên gia đã cảnh báo về khả năng bùng phát những ổ dịch lớn, khuyến cáo chính quyền cần phải có những biện pháp quyết liệt để đối phó với “kẻ thù vô hình” này. Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro luôn bảo vệ quan điểm rằng đây là một chiến dịch “thổi phồng” vấn đề mà giới truyền thông đưa ra để chống phá những chương trình phát triển đất nước, đồng thời coi COVID-19 chỉ giống như một loại cúm thông thường và những lo lắng của dư luận là thái quá.
Thậm chí, khi chính quyền các bang buộc phải áp dụng riêng rẽ các biện pháp cách ly xã hội, dừng những hoạt động đông người để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì Tổng thống Bolsonaro lại kêu gọi tổ chức các cuộc mít tinh và trực tiếp tham gia. Ông cũng là người phản đối kịch liệt việc đóng cửa các trường học, ngừng các hoạt động thường nhật trong xã hội vì cho rằng điều đó khiến cho nền kinh tế đất nước có thể bị sụp đổ. Nhà lãnh đạo Brazil cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng chỉ nên áp dụng biện pháp cách ly xã hội đối với người cao tuổi thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, còn tất cả những đối tượng khác cần phải tiếp tục một cuộc sống bình thường.
Đó cũng là nguyên nhân khiến cho Brazil phản ứng khá chậm so với các nước khác trong khu vực khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Mỹ Latinh vào thời điểm cuối tháng 3. Những quan điểm “khác lạ” của Tổng thống Bolsonaro khiến cho chính quyền các bang, cho dù là đồng minh chính trị hay thuộc các đảng phái khác, buộc phải đưa ra những quyết định của riêng mình.
Trước những xung đột về quyết định liên quan tới việc phòng chống COVID-19 của chính phủ và các bang, hồi đầu tháng Tư, Tòa án Tối cao Brazil đã phải vào cuộc và đưa ra phán quyết khẳng định chính phủ liên bang không được quyền bác bỏ các quyết định của chính quyền địa phương liên quan tới cách ly, phong tỏa và hạn chế kinh doanh.
Không những vậy, Tổng thống Bolsonaro còn thường xuyên có những phát biểu trái ngược với chính các quan chức trong chính phủ, đặc biệt là Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta khi ông này ủng hộ các biện pháp quyết liệt nhằm đối phó với COVID-19 theo khuyến cáo của giới chuyên môn. Kết quả là người đứng đầu ngành y tế Brazil đã bị cách chức.
Một lý do khác khiến tình trạng bệnh dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng tại Brazil, đã được giới chuyên gia cảnh báo ngay từ thời điểm đầu tiên, là điều kiện vệ sinh dịch tễ trong cộng đồng chưa đáp ứng được những đòi hỏi phòng chống dịch. Dân số lên tới trên 211 triệu người, trong đó hơn 20% thuộc tầng lớp người nghèo, số lượng người phải sống trong các khu ổ chuột đông đúc, thiếu điều kiện dịch tễ tối thiểu... vẫn chưa thể giảm bớt. Đơn cử như Rocinha, khu ổ chuột lớn nhất Mỹ Latinh tại Rio de Janeiro, mật độ dân số lên tới gần 50.000 người/km2, hay khu Complexo da Maré là 31.000 người/km2, nhiều ngôi nhà có tới 7 - 8 người chung sống trong mỗi phòng.
Khi được khuyến cáo phải thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ, nhiều người ở các khu ổ chuột nói rằng đó dường như là một đòi hỏi quá “xa xỉ” vì nước chỉ được cấp 2 lần/tuần và không bao giờ đủ dùng cho các sinh hoạt tối thiểu tại những khu như thế này. Ngoài ra, không gian chật chội, rác thải chất thành đống, điều kiện vệ sinh kém, nơi ở tối tăm... khiến các khu ổ chuột nhanh chóng trở thành điểm nóng COVID-19 ở Brazil.
Mặt khác, hệ thống y tế công tại Brazil hiện tồn tại khá nhiều hạn chế, đặc biệt khi phải đối phó với một đại dịch quy mô như COVID-19. Tại các bệnh viện lớn ở bang Sao Paulo, số bệnh nhân COVID-19 chiếm tới 70% tổng số giường chăm sóc đặc biệt, và tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng khiến các bệnh viện dường như quá tải, trong khi tại bang Amazonas, nơi sinh sống của nhiều cộng đồng thổ dân lớn, hệ thống y tế đã đạt đến giới hạn. Thủ phủ Manaos của bang này là thành phố duy nhất có phòng chăm sóc đặc biệt với tổng cộng 50 giường, trong khi diện tích bang Amazonas lớn gấp ba lần diện tích Tây Ban Nha.
Giới chức y tế tại Rio de Janeiro và một số thành phố lớn khác cũng cảnh báo hệ thống bệnh viện đang đứng trước nguy cơ sụp đổ do số lượng bệnh nhân nhiều, trong khi trang thiết bị y tế và số lượng nhân viên y tế không đủ đáp ứng.
Là quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh với khoảng 211 triệu người, đến nay hệ thống y tế công của Brazil mới chỉ có 7 trung tâm có khả năng tiến hành các xét nghiệm COVID-19. Khoảng 90.000 mẫu xét nghiệm đã được gửi đến các trung tâm này vẫn chưa được xử lý do thiếu que thử, trong khi hàng chục nghìn mẫu khác chỉ được công bố kết quả sau cả tuần lễ. Trong khoảng thời gian đó, những người được lấy mẫu cũng không phải cách ly bắt buộc nên vẫn có thể tiếp xúc với nhiều người khác. Cũng chính vì lý do này mà giới chuyên gia nhận định số lượng người mắc bệnh COVID-19 tại Brazil trên thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Cho tới tận những ngày cuối tháng 4, Bộ Y tế Brazil mới bắt đầu triển khai thử nghiệm các điểm xét nghiệm rộng rãi sàng lọc các trường hợp nhiễm COVID-19 tại thủ đô Brasilia. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng cơ quan y tế Brazil chỉ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với những trường hợp có triệu chứng rõ ràng và hơn nữa, không phải tất cả những người có dấu hiệu mắc bệnh đều đến các cơ sở y tế khám xét nếu như không quá nặng, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp nghèo.
Đại dịch COVID-19 tấn công Brazil đúng vào thời điểm chính phủ nước này đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua những chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Sau 1 năm lên nắm quyền, Tổng thống Bolsonaro đã tiến hành cắt giảm chương trình xã hội phân bổ thu nhập mang tên Bolsa Familia do các chính phủ cánh tả tiền nhiệm triển khai trong nhiều năm qua. Sau những cải cách việc làm để cắt giảm chi tiêu ngân sách, hiện số người làm việc không chính thức đã lên tới mức kỷ lục trên 40% và đây cũng là nhóm người dễ bị tổn thương nhất khi đại dịch hoành hành.
Trong bối cảnh như vậy, rõ ràng những cảnh báo về việc Brazil có thể trở thành một tâm dịch mới là hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt khi đỉnh dịch vẫn chưa thực sự đến với khu vực Mỹ Latinh.