Quan hệ Israel - Thổ Nhĩ Kỳ ở 'bước ngoặt nguy hiểm' do cuộc chiến tại Gaza

Trong một động thái bất ngờ đầy kịch tính, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định chấm dứt hoàn toàn quan hệ thương mại với Israel để gây áp lực về lệnh ngừng bắn ở Gaza. Động thái này là chưa từng có tiền lệ và đánh dấu đỉnh điểm tiêu cực mới trong căng thẳng giữa hai nước. 

Chú thích ảnh
 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh tại cuộc gặp ở Ankara ngày 26/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của Tiến sĩ Remi Daniel và chuyên gia Gallia Lindenstrauss, 2 nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS), sau cuộc bầu cử địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3 vừa qua, với việc ​​Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của Tổng thống Erdogan bị đánh bại ở các thành phố lớn, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một loạt biện pháp cứng rắn nhằm vào Israel để phản ứng với cuộc xung đột ở Dải Gaza. Một số biện pháp này đi chệch khỏi các chính sách trước đây của Ankara và điều này cũng khiến mối quan hệ giữa hai nước xấu đi nghiêm trọng.

Sự thay đổi so với các chính sách trước đây đặt ra vấn đề cho Israel là liệu có cần xem xét lại mối quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ và chuẩn bị cho các kịch bản xấu hơn hay không. Sự thay đổi này cũng đặt ra câu hỏi về vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong cán cân quyền lực khu vực và toàn cầu. Lập trường hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây ra xích mích với Mỹ vào thời điểm quan hệ Ankara-Washington dường như đang được cải thiện. Ngoài ra, sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Hamas và sự gần gũi ngày càng tăng của nước này với Iran có thể gây nguy hiểm cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Arab khác.

Kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Dải Gaza, quan điểm cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Israel ngày càng rõ ràng, nhưng trong nhiều tháng trước, điều đó tương tự như những gì đã được chứng kiến ​​trong các vòng xung đột trước đây giữa Israel và Palestine. Ankara đã thực hiện một số bước thực tế, chẳng hạn như hủy bỏ các sự kiện chung và triệu hồi đại sứ để tham vấn, tuy nhiên những biện pháp này ở mức độ vừa phải và ở mức độ mà Israel có thể quản lý được.

Nhưng kể từ tháng 4 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã có một số động thái cho thấy sự thay đổi căn bản trong quan hệ giữa hai nước. Đáng kể nhất là quyết định ngừng hoàn toàn thương mại với Israel vào đầu tháng 5 này. Quyết định mới được đưa ra sau lệnh cấm của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4 đối với việc xuất khẩu 54 loại sản phẩm sang Israel. Quyết định ngừng hoàn toàn thương mại, có hiệu lực ngay lập tức, cũng là điều bất thường khi so sánh với các cuộc xung đột khác trên toàn thế giới.

Cho đến gần đây, cả chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã thành công trong việc tách các cuộc khủng hoảng chính trị ra khỏi quan hệ thương mại của họ. Trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, mặc dù được coi là “thập kỷ mất mát” trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – Israel, thương mại giữa hai nước vẫn tăng trưởng đều đặn, ngay cả trong những thời điểm khủng hoảng, chẳng hạn như sau sự cố Israel đột kích tàu Mavi Marmara hay sau khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel từ Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây.

Mặc dù khối lượng thương mại song phương giữa hai nước giảm xuống còn 5,7 tỷ USD vào năm 2023 từ mức kỷ lục 8 tỷ USD vào năm 2022, nhưng khối lượng thương mại vẫn rất đáng kể, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 5 nhà xuất khẩu lớn nhất sang Israel. Vì vậy, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tác động đến nhiều doanh nghiệp và rất có thể sẽ dẫn đến việc làm tăng giá cả ở Israel.

Mối quan hệ gần gũi của Thổ Nhĩ Kỳ với Hamas cũng là vấn đề gây tranh cãi giữa Tel Aviv và Ankara trong nhiều năm. Thực tế là các nhà lãnh đạo Hamas đã được hoan nghênh ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 7/10 năm ngoái và như thể đây là "căn cứ hoạt động" mới của họ, sau áp lực ngày càng tăng buộc Qatar phải trục xuất ban lãnh đạo Hamas khỏi lãnh thổ của mình.

Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ dường như không đánh giá lại mối quan hệ của mình với Hamas sau khi xung đột nổ ra ở Gaza. Ngược lại, những tuyên bố và hành động cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó chấp nhận một kịch bản kết thúc xung đột gắn liền với sự thất bại hoàn toàn của Hamas. Trong khi nhiều quốc gia ở châu Âu và Trung Đông phân biệt giữa vấn đề Palestine và số phận của Hamas, thúc đẩy các chính sách kết hợp lợi ích của người Palestine với nỗ lực giải tán nhóm Hamas, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại mô tả tổ chức này như một đối tác tự nhiên cho bất kỳ kế hoạch nào trong tương lai. Lập trường này đã tạo ra xích mích giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ với Israel và một số chính phủ khác trong khu vực cũng như với phương Tây.

Các biện pháp khác của Thổ Nhĩ Kỳ gây căng thẳng trong mối quan hệ với Israel bao gồm việc Ankara tham gia vụ kiện của Nam Phi nhằm vào Tel Aviv tại Tòa án Công lý Quốc tế, cáo buộc Israel tội "diệt chủng". Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào các vấn đề luật pháp nhằm vào Israel, nhưng không phải theo cách công khai mạnh mẽ như vậy. Trong khi đó, Ankara từ chối chỉ trích các cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel ngày 13-14/4 vừa qua, thay vào đó đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh trách nhiệm của Israel đối với sự leo thang.

Quyết định tạm dừng thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với Israel một phần có thể được giải thích bởi áp lực trong nước. Công chúng Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn ủng hộ người Palestine và phản đối Israel, liên tục kêu gọi chấm dứt giao dịch thương mại. Cách tiếp cận cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một phần trong nỗ lực của Ankara nhằm tác động đến diễn biến cuộc chiến ở Dải Gaza.

Trong cuộc họp báo, Tổng thống Erdoğan cho rằng việc cắt đứt quan hệ thương mại với Israel là cách buộcTel Aviv đồng ý ngừng bắn trong cuộc chiến ở Gaza, để ngỏ khả năng nối lại quan hệ kinh tế khi chiến tranh kết thúc.

Kể từ khi nổ ra chiến tranh, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang cố gắng khẳng định mình là một cường quốc trung tâm khu vực trong những năm gần đây, đã nỗ lực hết sức để đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến. Thổ Nhĩ Kỳ tự đề nghị làm trung gian hòa giải. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cung cấp viện trợ nhân đạo đáng kể cho Dải Gaza. Ngay từ đầu cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn đề xuất mô hình bảo đảm an ninh cho người Palestine với sự tham gia tích cực của nước này. 

Tuy nhiên, quyết định ngừng giao thương với Israel có thể khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ mất đi một nguồn ngoại tệ đáng kể. Đơn phương vi phạm hiệp định thương mại tự do với Israel sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ nguy cơ bị Israel kiện trong các tổ chức quốc tế và làm suy yếu uy tín của nước này đối với các đối tác thương mại.

Một câu hỏi nảy sinh trong bối cảnh này mà không có câu trả lời rõ ràng ở giai đoạn này là liệu hiện tượng này chỉ là vết nứt trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel, có liên quan đến các sự kiện trên đấu trường Israel - Palestine, hay liệu nó đại diện cho một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo inss.org.il)
Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ bắt giữ hàng loạt đối tượng liên quan IS
Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ bắt giữ hàng loạt đối tượng liên quan IS

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/5 đã bắt giữ 20 người tình nghi là thành viên tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trong chiến dịch lớn ở tỉnh Izmir, miền Tây nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN