Phía sau một nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ

Giới chức Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 1/8 đã kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày với một tuyên bố nêu bật sức mạnh của thị trường lao động và nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Chú thích ảnh
Khách hàng mua sắm tại cửa hàng ở Atlanta, Georgia, Mỹ. Ảnh: EPA/TTXVN

Những đánh giá tích cực này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tươi sáng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngớt lời tung hô. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng nền kinh tế Mỹ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới, khi triển vọng kinh tế đang bị "phủ bóng" bởi những căng thẳng thương mại giữa Washington với nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, ngân hàng trung ương Mỹ đã mô tả "hoạt động kinh tế đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ", thay vì "vững chắc" như trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp hồi tháng 6 vừa qua, thời điểm FED tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm nay. Các nhà hoạch định chính sách của FED cũng nhất trí với nhận định chi tiêu hộ gia đình đã “gia tăng mạnh mẽ”, chứ không chỉ “khởi sắc” như mô tả trong thông báo lần trước. Một điểm tích cực nữa là FED đánh giá tỷ lệ lạm phát "duy trì gần" mức mục tiêu 2%, thay cho cụm từ "tiến gần tới" mức 2% trong báo cáo trước đó. Mặc dù quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,75 - 2% hiện nay tại cuộc họp lần này, song FED để ngỏ khả năng tiến hành 2 đợt điều chỉnh lãi suất từ nay đến cuối năm, có thể vào tháng 9 và tháng 12 tới.

Quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này là kết quả đồng thuận tuyệt đối của các thành viên FOMC. Kết quả này như một sự thừa nhận những tín hiệu tích cực của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong thời gian gần đây dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với cam kết "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Theo một báo cáo của Chính phủ Mỹ, quy mô nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đã vượt qua con số 20.000 tỷ USD. Tăng trưởng GDP đạt 4,1% trong quý II đã giúp Mỹ trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, dù Tổng thống Trump đã khẳng định rằng việc kinh tế Mỹ đạt tăng trưởng nhanh nhất trong gần 4 năm qua là minh chứng thành công cho chính sách kinh tế của ông, song các chuyên gia kinh tế cảnh báo niềm vui này "ngắn chẳng tày gang" khi các chỉ số quý II cũng phản ánh sự vội vã trong động thái tăng nguồn cung và di chuyển hàng hóa tồn kho phòng trường hợp chiến tranh thương mại kéo giá thành đi lên. Chiến lược gia Andrew Sheets của Công ty chứng khoán Morgan Stanley nhận định: “Những gì tốt đẹp ở quý II có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chúng tôi nghĩ 6 tháng còn lại sẽ cho thấy một cục diện khác, với tốc độ tăng trưởng giảm dần và lạm phát tăng trong một số lĩnh vực trọng điểm”.

Thực tế cho thấy bên cạnh lý do chính phủ tăng chi tiêu và người tiêu dùng bắt đầu mạnh tay chi các khoản tiền có được từ gói cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD của chính phủ, một yếu tố giúp nền kinh tế Mỹ đạt được mức tăng trưởng nhảy vọt trong quý II, là hiệu ứng của những chính sách áp thuế của Washington đối với các mặt hàng nhập khẩu từ nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, và kéo theo các biện pháp trả đũa từ các đối tác của Mỹ. Nỗi lo ngại về nguy cơ bùng phát "cuộc chiến" áp thuế giữa Mỹ và nhiều quốc gia đã khiến các nhà xuất khẩu nỗ lực cung ứng sản phẩm, qua đó góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Ngoài ra, còn có các bằng chứng khác cho thấy các doanh nghiệp đang dự trữ hàng hóa để đối phó với giá nhập khẩu cao nếu phải chịu tác động do các hành động trả đũa đối với các mức thuế quan mà Mỹ đưa ra. Ông Neal Dutta, nhà kinh tế trưởng của Renaissance Macro Research, nhận định: "Thật mỉa mai khi phần lớn các nhà kinh tế cho rằng căng thẳng thương mại hiện nay tạo đà cho sự tăng trưởng mặc dù nó có tác động tới mức tăng trưởng ở quý II. Tuy nhiên, những tác động này chỉ là tạm thời”.

Do vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là liệu nền kinh tế của Mỹ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng này hay không. Đa số các chuyên gia kinh tế dự đoán trong thời gian còn lại của năm nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không duy trì được mức tăng trưởng cao của quý II. Việc đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhờ vào gói cắt giảm thuế được đánh giá sẽ chỉ duy trì ngắn hạn, khi chính sách giảm thuế cùng dự luật chi tiêu tổng thể cho chính phủ, có vai trò kích thích sự tăng trưởng, sẽ bắt đầu hết tác dụng vào năm tới. Trong khi đó, lộ trình tăng lãi suất của FED được dự báo cũng sẽ tạo thêm một rào cản nữa cho tăng trưởng.

Mặt khác, thể trạng tài chính của nền kinh tế Mỹ cũng xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại khi chi tiêu tiêu dùng tăng trái ngược với tốc độ tăng trưởng "ì ạch" của tiền lương, đặc biệt ở nhóm người có thu nhập thấp và nhóm tầng lớp trung lưu. Kết quả là chỉ trong một năm qua, những dấu hiệu bộc lộ khả năng dễ bị tổn thương về mặt tài chính của nền kinh tế Mỹ đã gia tăng theo cấp số nhân, khi các khoản nợ quá hạn qua thẻ tín dụng và tiền vay mua ô tô của người dân đang trên đà leo thang, còn tiết kiệm lại sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005. Người đứng đầu chi nhánh FED ở New York John Williams nhận định rằng việc nhiều người Mỹ thiếu sự an toàn về mặt tài chính vẫn là một mối lo ngại, dù bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ khá khả quan.

Trong khi đó, mối đe dọa hàng đầu đối với mục tiêu tăng trưởng tối đa của Tổng thống Trump lại là chính sách thương mại mà ông đang theo đuổi. Thực tế các nhà đầu tư vẫn lo ngại về "bóng ma" của một cuộc chiến thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cận kề, trong bối cảnh Tổng thống Trump xem xét khả năng áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, thay cho mức thuế 10% như thông báo trước đây, kéo theo nguy cơ Bắc Kinh có động thái trả đũa tương tự. Một cuộc chiến thương mại bùng phát sẽ đe dọa tốc độ tăng trưởng không chỉ của hai quốc gia này mà cả nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến các chỉ số chủ lực trên thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới đồng loạt sụt giảm trong ngày 1/8, bất chấp những ngôn từ tích cực trong tuyên bố của FED. Như nhận định của ông Jim O’Sullivan, chuyên gia kinh tế trưởng của Mỹ tại High Frequency Economics: "Một cuộc chiến thương mại leo thang trong giai đoạn sắp tới sẽ tiếp tục là một rủi ro lớn nhất khiến kinh tế Mỹ đi xuống".

Phương Oanh (TTXVN)
Kinh tế Mỹ đón tín hiệu tích cực
Kinh tế Mỹ đón tín hiệu tích cực

Chi tiêu tiêu dùng Mỹ tăng ổn định trong tháng Sáu, giữa bối cảnh các hộ gia đình tăng chi tiêu cho các nhà hàng và nhà ở. Đây được coi là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Mỹ khi bước sang quý III/2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN