Phép thử khắc nghiệt với Nga

"Ngày thứ Ba đen tối" (16/12) là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong những ngày qua ở nước Nga khi chỉ trong một buổi chiều, đồng ruble Nga mất giá tới hơn 10% và được ghi nhận là lần sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tại quốc gia này năm 1998.

Sau khi đóng cửa phiên giao dịch thị trường chứng khoán Moskva ngày 15/12, đồng ruble Nga đã giảm từ mức 57,5 ruble xuống 64,45 ruble đổi được 1 USD. Cuộc họp khẩn cấp ngay trong đêm kết thúc với việc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên thành 17%/năm cũng không ngăn nổi tình trạng mất kiểm soát của đồng ruble.

Trong ngày ngày 16/12, đồng nội tệ Nga liên tục trồi sụt với những quãng giá cách biệt so với đồng USD và euro, có lúc lên tới 80 ruble đổi 1 USD và 100 ruble đổi 1 euro. Nhiều người Nga đã bắt đầu liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như năm 1998 ở nước này khi đồng ruble phá đáy, mất giá 44% so với USD, lãi suất tăng lên trên 100% và đẩy Nga vào cảnh vỡ nợ.

Sau thời điểm "Ngày thứ Ba đen tối" trên, với hàng loạt biện pháp "nước rút" mà Chính phủ Nga áp dụng để cứu đồng nội tệ, hiện giá trị đồng ruble đã tương đối bình ổn, duy trì ở mức trên dưới 60 ruble/USD. Tuy nhiên, người dân Nga vẫn không khỏi hoài nghi về "sức bền ổn định" của tỷ giá đồng ruble dù Moskva tuyên bố dùng 7 tỷ USD để vực dậy đồng ruble và ổn định thị trường.

Hình ảnh đồng ruble tại trung tâm thủ đô Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN


Tình trạng hỗn loạn trên thị trường tiền tệ Nga những ngày qua được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Phát biểu ngay sau sự sụt giảm sâu của đồng nội tệ, Thống đốc CBR Elvira Nabiullina cho rằng thị trường tiền tệ Nga đang chịu áp lực từ sự đầu cơ. Đồng ruble rớt giá liên tục trong suốt nhiều tháng qua đã hình thành tâm lý hoảng loạn trong người dân, sự mất cân đối giữa cung và cầu đối với đồng USD dẫn đến một thực tế là đồng USD càng tăng giá thì người dân lại càng sẵn sàng muốn mua USD để tích trữ. Bà Nabiullina Elvira thừa nhận đang hình thành điều gì đó tương tự như hiện tượng "bong bóng tài chính" trên thị trường tiền tệ Nga. Ngoài ra, bà Nabiullina cũng như nhiều chuyên gia kinh tế Nga khác đều cho rằng đồng ruble đang bị định giá thấp từ 10-20% so với giá dầu thế giới.

Giá dầu sụt giảm cũng khiến nền kinh tế Nga thiệt hại khoảng 90 - 100 tỷ USD mỗi năm, bởi doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm đến 50% ngân sách và 60% xuất khẩu của Nga. Giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Nga hiện đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 5 năm qua.

Trong khi đó, không ít chuyên gia phân tích của Nga và thế giới lại có góc nhìn khác. Họ cho rằng hiện tượng đồng ruble trồi sụt chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, còn trên thực tế những khó khăn, thách thức mà Nga đang phải đối mặt bắt nguồn từ những yếu tố chính trị.

Các động thái trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa Phương Tây và Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, được áp dụng kể từ tháng 3/2014 tới nay, đang đẩy nền kinh tế thế giới đến những con số thiệt hại ngày càng lớn. Theo công bố của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, Nga đang thiệt hại tới 40 tỷ USD mỗi năm do các biện pháp trừng phạt mang động cơ địa chính trị từ phương Tây. Ngay sau "Ngày thứ Ba đen tối", Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký dự luật mới gồm các biện pháp tăng cường trừng phạt Nga. Cùng với các lệnh trừng phạt là tình trạng suy giảm lòng tin của giới đầu tư, các công ty Nga không thể huy động nguồn vốn từ nước ngoài, trong khi dòng tiền vốn từ Nga lại đang chảy ra ngoài. Tất cả những yếu tố đó kết hợp và tác động với nhau đã đẩy nền kinh tế Nga vào tình trạng suy giảm trầm trọng.

Đồng ruble lao dốc mạnh so với USD và euro.


Đồng ruble Nga đã tạm bình ổn trở lại, song thị trường tài chính Nga vẫn trong “cơn choáng váng”. Lần đầu tiên sau 6 năm, kinh tế Nga đang đứng trước ngưỡng cửa suy thoái. Đây quả là một phép thử khắc nghiệt đối với nước Nga.


Nga đã từng thành công khi giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi CBR bơm ra 200 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại hối và đã không để xảy ra tình trạng người dân đổ xô đến ngân hàng rút tiền. Lần này, với nguồn dự trữ ngoại hối 400 tỷ USD, Nga cũng đang tiếp tục các nỗ lực cứu đồng ruble. Chính phủ Nga cũng đang tích cực vào cuộc, đồng thời thúc đẩy một chính sách kinh tế mới, những cải cách cơ cấu quyết liệt để đa dạng hóa nền kinh tế, tăng năng suất, hiệu quả đầu tư và đặc biệt là kích thích kinh tế phát triển trở lại càng nhanh càng tốt.

Khi cuộc khủng hoảng không chỉ đơn thuần là khủng hoảng kinh tế - tài chính, các giải pháp chính trị dường như cũng đang được tính tới. Trong cuộc điện đàm mới nhất với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp ở quốc gia láng giềng Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái khẳng định nhu cầu cấp thiết phải đối thoại nhằm sớm vãn hồi hòa bình tại Ukraine. Ngoài việc đề xuất hàng loạt biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh lập trường của Nga tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Động thái này cho thấy Nga mong muốn giải quyết bất đồng với phương Tây. Quan điểm đó đang được Đức, Pháp và nhiều nước châu Âu đồng tình, bởi chính phương Tây cũng hiểu rằng việc nền kinh tế Nga suy thoái sẽ chẳng có lợi cho quốc gia nào.


Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)
Nga thành thiên đường mua sắm do ruble giảm giá
Nga thành thiên đường mua sắm do ruble giảm giá

Trang mạng RBK của Nga cho biết do đồng ruble giảm giá mạnh so với các đồng tiền khác, chỉ trong vài tuần, nước Nga đã trở thành trung tâm mua sắm của thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN