Theo tạp chí The Week (Anh), những người chỉ trích Tổng thống Trump ở cả hai đảng không có tầm nhìn chiến lược hợp lý khi đưa ra các luận điểm. Thay vào đó, các luận điểm chủ yếu xuất phát từ những suy nghĩ cũ kỹ có từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là từ các vụ tấn công khủng bố 11/9.
Chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump đều do ông quyết định và điều này cũng cho thấy một điều là những bộ óc hàng đầu về các vấn đề quốc tế ở Mỹ không thể đưa ra một luận điểm, lý do thuyết phục để phản biện và thay đổi các chính sách đó.
Phản ứng phổ biến nhất với quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump là thương xót số phận của người Kurd ở đây. Họ cho rằng Mỹ rút khỏi Đông Bắc Syria không khác nào bật “đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd. Đa số đều không đồng tình với việc Mỹ lại bỏ rơi đồng minh từng sát cánh với Washington chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, để mặc họ bị binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng việc từ bỏ hỗ trợ người Kurd là sai lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông Trump. Hạ nghị sỹ Cộng hòa Liz Cheney cho rằng nước Mỹ đang bỏ rơi đồng minh.
Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ, phản ứng trên có vấn đề. Thứ nhất, người Kurd không phải là đồng minh của Mỹ. Đồng minh được định nghĩa là quan hệ hai chiều qua lại. Nếu Mỹ cam kết bảo vệ một quốc gia khi nước đó bị tấn công và quốc gia đó cam kết bảo vệ Mỹ khi Mỹ bị tấn công, thì quốc gia đó mới là đồng minh của Mỹ.
Trong khi đó, người Kurd là một nhóm sắc tộc không quốc gia, sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Iran và họ không có khả năng bảo vệ Mỹ. Nếu định nghĩa chính xác quan hệ Mỹ-người Kurd, đó được gọi là quan hệ với khách hàng: Mỹ viện trợ và bảo vệ người Kurd để đổi lại họ giúp Mỹ trong chống IS ở Syria và Iraq.
Một câu hỏi được đặt ra là: Vậy Mỹ sẽ phải bảo vệ người Kurd trong bao lâu khi mà họ ở khu vực nguy hiểm, cách biên giới Mỹ tới gần 10.000 km? Không ai trả lời câu hỏi đó khi chỉ trích Tổng thống Trump.
Bản thân Tổng thống Trump đã nói rõ trên Twitter: "Người Kurd đã chiến đấu cùng chúng ta nhưng họ được trả rất nhiều tiền và được cung cấp trang thiết bị-vũ khí để làm việc đó… Tôi đã trì hoãn rút quân gần 3 năm nhưng giờ là lúc chúng ta rút khỏi những cuộc chiến tranh bất tận nực cười này".
Thứ hai, xét thực tế, đồng minh của Mỹ trong khu vực không phải là người Kurd, mà chính là Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), như Mỹ.
Sau khi thương xót cho số phận người Kurd, các nghị sĩ tiếp tục luận điểm rằng sự thay đổi chính sách của Tổng thống Trump là vô trách nhiệm vì như thế có nghĩa là từ bỏ cuộc chiến chống IS.
Nhiều nghị sĩ đã nói rằng nếu Mỹ không ở lại Syria, khủng bố sẽ lại trỗi dậy mạnh mẽ, đe dọa Mỹ như đã làm trong ngày 11/9/2001. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell tuyên bố việc nhanh chóng rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Syria sẽ làm gia tăng nguy cơ IS và các nhóm khủng bố khác trỗi dậy.
Trong thực tế, nếu mục tiêu của cuộc chiến chống IS cách đây 5 năm là loại bỏ “vương quốc Hồi giáo” của IS, thì các nước tham gia cuộc chiến đó đã thành công xuất sắc. Thế giới đã chiến thắng. “Vương quốc Hồi giáo” đã bị xóa sổ. Tuy nhiên, theo luận điểm của những người chỉ trích Tổng thống Trump, mục tiêu ban đầu đó giờ đã được chuyển thành đảm bảo IS hay một tổ chức Hồi giáo cực đoan không trỗi dậy trở lại. Thậm chí, mục tiêu đó đôi khi là loại bỏ bất kỳ người nào có thể có ý đồ khôi phục “vương quốc Hồi giáo” tại một thời điểm nào đó trong tương lai.
Theo nhà báo Damon Linker, đây không phải là một mục tiêu chính sách đối ngoại hợp lý. Duy trì hiện diện quân sự Mỹ tại sa mạc Syria và Iraq để đảm bảo IS không trỗi dậy và đe dọa nước Mỹ cách đó cả châu lục dường như là điều không hợp lý. Cho dù hợp lý thì câu hỏi đặt ra sẽ là duy trì hiện diện trong bao lâu để có thể đánh giá sứ mệnh đó thành công hay không. Không ai có thể trả lời câu hỏi này vì họ không có câu trả lời hợp lý.
Những chỉ trích chỉ đều mơ hồ và đều hướng tới một quan điểm: lúc nào cũng mở rộng cam kết của Mỹ ở nước ngoài, không bao giờ rút quân ở bất kỳ đâu.
Hiện nay, cùng một lúc, Mỹ cam kết bảo vệ châu Âu và bảo vệ Israel. Mỹ muốn quản lý vi mô các đối thủ khắp Trung Đông mãi mãi. Mỹ muốn chấm dứt hoạt động khủng bố khắp Bắc Phi. Mỹ muốn thắng trong đàm phán với Taliban ở Afghanistan. Mỹ muốn kiềm chế Triều Tiên. Mỹ muốn cạnh tranh với Trung Quốc trên mọi mặt. Mỹ cũng muốn can thiệp vào Venezuela….
Nói tóm lại, xử lý bằng đó việc đòi hỏi Mỹ phải rất thông thái và căng nguồn lực. Do đó, Tổng thống Trump cũng có lý khi không muốn Mỹ tham gia vào các cuộc chiến bất tận khắp thế giới.
Trong con mắt của đảng Cộng hòa, chủ nghĩa can thiệp đã hình thành và ăn sâu từ sau vụ khủng bố 11/9 và họ vẫn muốn duy trì mãi. Về phần mình, Tổng thống Trump muốn đi ngược lại, hay chí ít là điều chỉnh, chủ nghĩa đó mà rút quân khỏi Syria là một bước.
Việc Tổng thống Trump đi ngược lại chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ có thể mang lại hoặc không mang lại lợi ích cho Mỹ. Tuy nhiên, những người phản đối ông cần phải xây dựng luận điểm vững chắc và hợp lý, chứ không chỉ phản đối với những luận điểm yếu như trên.