Papua New Guinea đã trở thành điểm nóng COVID-19 như thế nào?

Papua New Guinea đang chứng kiến số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng vọt, với lo ngại đại dịch có thể đẩy hệ thống y tế nước này rơi vào bờ vực sụp đổ.

Chú thích ảnh
Chủ quầy bán hoa quả tại chợ Gordon ở thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea. Ảnh: The Guardian

Theo trang The Guardian (Anh), khi Papua New Guinea ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên hồi tháng 3/2020, giới chức nước này đã vô cùng lo lắng.

Hệ thống y tế Papua New Guinea vốn đã quá tải và thiếu nguồn lực, khi đất nước này chỉ có khoảng 500 bác sĩ phục vụ cho dân số khoảng 9 triệu người. Cùng với đó, họ đang phải vật lộn đối phó với sự bùng phát của bệnh sởi, bệnh lao kháng thuốc và cả bệnh bại liệt.

Trong một thời gian dài, Papua New Guinea đã không kiểm soát được cuộc khủng hoảng COVID-19.

Giờ đây, đã hơn 1 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, khi nhiều quốc gia đang hy vọng vaccine có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng này, thảm hoạ cuối cùng đã xảy đến với quốc gia ở Châu Đại Dương.

“Đây là điều mà tất cả chúng ta đều lo sợ vào năm ngoái khi đại dịch bùng phát”, Tiến sĩ William Pomat, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Papua New nói.

Số trường hợp xác nhận mắc COVID-19 ở Papua New Guinea đã tăng vọt từ dưới 900 ca và 9 trường hợp tử vong vào đầu tháng 2, lên trên 3.000 trường hợp và 36 ca tử vong vào giữa tháng 3.

“Chúng tôi đang chứng kiến nhiều ca mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn trong năm nay so với các đợt dịch trước”, Matt Cannon, Ủy viên của Tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận St John cho biết.

Các nhà chức trách lo ngại quy mô của đợt bùng phát đã bị che đậy bởi tỉ lệ xét nghiệm thấp, chỉ với 55.000 xét nghiệm được thực hiện trên toàn quốc trong suốt đại dịch. Họ cũng cho rằng số ca lây nhiễm thực sự có thể cao hơn nhiều lần.

Chú thích ảnh
Nhân viên của St John tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thủ đô Port Morseby. Ảnh: The Guardian

Hệ thống y tế mỏng manh

Ông Glen Mola, Trưởng khoa sản và phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa Port Moresby ở thủ đô của đất nước, cảnh báo rằng 30% nhân viên tại khoa sản đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông e rằng bệnh viện có khả năng sẽ phải đóng cửa và phụ nữ “cuối cùng có thể chết trong bãi đậu xe của bệnh viện”.

“Chúng tôi có hệ thống y tế rất mỏng manh và cảm tưởng như đã quá tải. Hệ thống y tế này có thể sớm sụp đổ nếu chúng tôi không cẩn thận. Nó giống như một quả bom hẹn giờ đang được kích hoạt ”, bác sĩ Sam Yockopua, Giám đốc y tế khẩn cấp tại Bệnh viện Port Moresby, cho biết.

Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị người mắc COVID-19 vẫn còn xảy ra ở quốc gia này. Nhiều người thậm chí còn từ chối đi xét nghiệm ngay cả khi có triệu chứng nhiễm virus. Họ chỉ đeo khẩu trang khi các toà nhà yêu cầu, còn bên ngoài thành phố nhộn nhịp, mọi người vẫn đi lại mà không đeo nó, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều thuyết âm mưu và tin đồn về khả năng miễn dịch.

Ngoài chợ công cộng ở Port Moresby, mọi người phàn nàn về việc phải đeo khẩu trang. Họ cho rằng COVID-19 không thể gây hại cho người Papua New Guinea vì màu da của họ. Niềm tin vô lý này đã sớm xuất hiện trong đại dịch như một lời giải thích về tỉ lệ lây nhiễm thấp của quốc gia này.

Chú thích ảnh
Tổ chức St John đã thiết lập nhiều điểm xét nghiệm COVID-19 ở thủ đô Port Moresby. Ảnh: The Guardian

“COVID-19 sẽ không lây nhiễm cho người Papua New Guinea”

Khi Julie Osafa, 53 tuổi, lên một chiếc xe buýt rất đông đúc từ thủ đô Port Moresby đến vùng ngoại ô Boroko, bà đã gạt bỏ mối lo về sự lây lan của bệnh COVID-19.

“Chúng tôi là một quốc gia Kitô giáo, COVID-19 sẽ không ảnh hưởng đến chúng tôi. Họ chỉ đang nói dối chúng tôi”, bà Osafa nói.

Bạn của Osafa, bà Anna John, 46 tuổi, cho rằng vaccine COVID-19 đã hết thời và việc tiêm chủng sẽ đánh dấu trên người những ký hiệu ma quỷ.

Ngay cả gia đình của một người đàn ông 86 tuổi bị nghi là đã chết vì COVID-19 cũng gọi loại virus này là “âm mưu của chính phủ”.

Trong 24 giờ qua, Papua New Guinea đã ghi nhận thêm 295 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của nước này lên 3.085 người với 36 ca tử vong, tính đến ngày 21/3.

Papua New Guinea đã cấp phép sử dụng vaccine của AstraZeneca và dự kiến cuối tháng 4 tới vaccine sẽ được lưu hành ở nước này thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng. 

Australia đang vật lộn để đảm bảo cam kết phân phối 8.000 liều vaccine AstraZeneca cho nước láng giềng gần nhất của mình. Họ cũng yêu cầu Liên minh châu Âu chuyển 1 triệu liều vaccine cho Papua New Guinea. Tuy nhiên, nhiều người dân nước này vẫn không muốn tiêm phòng và ngăn cản việc phong toả quốc gia sẽ bắt đầu vào tuần tới. Các trường học cũng phải đóng cửa và việc đi lại sẽ bị hạn chế.

Thủ tướng của nước này, ông James Marape và các thành viên khác của Quốc hội, cho biết họ sẽ là những người đầu tiên tiêm vaccine COVID-19, nhằm củng cố niềm tin cho người dân.

“Đối với những người coi COVID-19 là một trò đùa, hoặc đang xem thường nó, tôi cảnh báo rằng đây là một đại dịch toàn cầu”, ông Marape nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tiêm chủng chậm chạp, người già Italy một lần nữa phải trả giá
Tiêm chủng chậm chạp, người già Italy một lần nữa phải trả giá

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 của Italy vẫn không thay đổi, thậm chí một lần nữa tăng lên do nạn nhân chủ yếu vẫn là người cao tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN