Trong bối cảnh đó, lãnh đạo bang Queensland của Australia giáp giới Papua New Guinea đã kêu gọi đẩy nhanh công tác phân phối vaccine tới quốc đảo này để khống chế dịch bệnh lây lan.
Papua New Guinea có tỉnh Western nằm cách biên giới với bang Queensland của Australia chỉ vài km, do đó, các phòng sinh hóa của bang này hỗ trợ Papua New Guinea xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm. Trong 500 xét nghiệm đã thực hiện, có 250 xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Theo thống kê mới nhất của chính phủ Papua New Guinea, đến nay, tại nước này đã có 2.173 ca mắc COVID-19 và 21 ca tử vong. Hiện dịch bệnh đã lây lan ra 17 tỉnh của nước này.
Tuần trước, Papua New Guinea đã cấp phép sử dụng vaccine của AstraZeneca và dự kiến cuối tháng 4 tới vaccine sẽ được lưu hành ở nước này thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng.
Ông Brendan Crabb, Giám đốc điều hành Viên Burnet phụ trách các chương trình phòng chống các bệnh truyền nhiễm của Papua New Guinea cho rằng quốc đảo này đang trải qua giai đoạn số ca mắc COVID-19 tăng mạnh và cần một kế hoạch khẩn cấp để hỗ trợ hệ thống y tế hiện đang đứng trước nguy cơ quá tải. Theo ông, Papua New Guinea cần vaccine để tiêm chủng cho khoảng 5.000 nhân viên y tế trong vòng 1 hoặc 2 tuần tới.
Ông Crabb nhận định nếu dịch COVID-19 khiến các dịch vụ y tế bị quá tải, công tác điều trị các bệnh sốt rét, HIV/AIDS và lao sẽ gặp nhiều trở ngại.
Australia đã cam kết chi 77 triệu USD để phân phối vaccine cho các nước Ấn Độ dương - Thái Bình Dương theo sáng kiến của nhóm Bộ Tứ bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Con số này bổ sung cho 407 triệu USD mà Canberra đã cam kết để phân bổ vaccine cho 9 nước khu vực Thái Bình Dương và Timor-Leste.
* Ngày 15/3, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque thông báo ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, đồng thời cho biết ông không tiếp xúc với Tổng thống Duterte sau khi có kết quả xét nghiệm này.
Theo ông Roque, lần gần đây nhất ông gặp Tổng thống Duterte là vào ngày 11/3 và trước đó ông có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh, ngày 15/3 ghi nhận gần 10.000 ca. Số ca nhiễm mới gia tăng đã làm dấy lên lo ngại quốc gia Đông Nam Á này có thể khôi phục lệnh phong tỏa toàn quốc, tuy nhiên, ông Roque đã bác bỏ khả năng này với lý do hệ thống bệnh viện của nước này ở thời điểm hiện tại chưa gặp nguy cơ lớn.
Đúng 1 năm trước đây, Tổng thống Duterte đã áp đặt lệnh phong tỏa dài nhất và nghiêm ngặt nhất tại thủ đô Manila và nhiều tỉnh của Philippines để khống chế dịch bệnh. Philippines cũng đã từng bước nới lỏng các biện pháp để khôi phục kinh tế.
* Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới ghi nhận ngày 15/3 đã giảm xuống mức dưới 400 ca lần đầu tiên trong 1 tuần qua. Tuy nhiên, giới chức y tế nước này cảnh báo số ca giảm do số người đi xét nghiệm vào cuối tuần giảm, trong khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại khi thời tiết ấm lên và các ca nhiễm không thể truy vết nguồn lây lây nhiễm.
Theo Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 382 ca nhiễm mới, trong đó có 370 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc đã lên tới 96.107 ca.