‘Ô hạt nhân’ Triều Tiên sắp sẵn sàng đối đầu với Mỹ

Giới chuyên gia quân sự cho rằng những lần phóng tên lửa gần đây nhất của Bình Nhưỡng là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã sẵn sàng đưa cả “gia đình” tên lửa đạn đạo vào hoạt động, có khả năng đánh hàng loạt mục tiêu ở nhiều tầm bắn.

Bình luận về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, các chuyên gia Nga nhấn mạnh vụ phóng phản ánh cuộc chạy đua của Bình Nhưỡng để tạo ra “một ô hạt nhân nhiều lớp” nhằm đối phó với mối đe dọa từ Washington và các đồng minh.


Sáng 29/5, truyền thông Hàn Quốc đưa tin quân đội nước này đã phát hiện một quả tên lửa được phóng từ Triều Tiên. Sau đó, Mỹ đã xác nhận quả tên lửa này là loại tầm ngắn, đã bay gần 450 km rồi rơi xuống Biển Nhật Bản, cách bờ biển của Nhật Bản khoảng 300 km.

Hình ảnh một vụ phóng tên lửa Pukguksong-2 do hãng thông tấn nhà nước KCNA công bố.

Bất cứ phạm vi nào


Quả tên lửa Triều Tiên phóng ngày 29/5 được xác nhận là một quả Scud-B, một phiên bản tương tự tên lửa đạn đạo chiến thuật R-17 Elbrus do Liên Xô sản xuất. Tầm bắn của R-17 nằm trong phạm vi từ 50 km đến 550 km. Sức công phá của đầu đạn hạt nhân R-17 là từ 10 – 550 kiloton.


Hệ thống dẫn đường của tên lửa này sử dụng ba con quay hồi chuyển nên có xác suất sai lệch 450 m. Hay nói cách khác, loại tên lửa này mạnh nhưng độ chính xác không cao nên không hiệu quả trong các cuộc tấn công mục tiêu vị trí cụ thể. Thay vào đó, sức mạnh công phá của nó lại phát huy tốt khi tấn công nhằm vào các lực lượng trên bộ tập trung hoặc một thành phố lân cận.


Như vậy, trong ba lần phóng gần đây nhất, Triều Tiên đã thử nghiệm ba loại tên lửa khác nhau. Ngày 14/5, Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwangson-12, có tầm bắn lên tới 5.000km. Tiếp đến, ngày 21/5 nước này lại thử thành công một quả tên lửa đạn đạo chiến thuật Pukguksong-2, có thể vươn tới mục tiêu ở khoảng cách trên 500 km.


Triều Tiên tuyên bố Pukguksong-2 có thể gắn một đầu đạn hạt nhân. Còn tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia cho rằng tên lửa này được phóng từ một phương tiện di động và sử dụng công nghệ nhiên liệu rắn, giúp nó dễ dàng ẩn náu và triển khai nhanh hơn sau khi được lệnh.


Giới quan sát cũng không loại trừ khả năng vài tuần tới cả thế giới sẽ được chứng kiến Triều Tiên phóng một quả Taepodong-2, được xem là tên lửa chủ lực của quốc gia Đông Bắc Á này với tầm xa lên tới 7.000 km.  


"Trò chơi phòng thủ"

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang nỗ lực hết sức để đẩy mạnh tiến trình giới thiệu các loại tên lửa mới vào kho vũ khí của nước này. Trong khía cạnh này, các chuyên gia quân sự nhận xét vụ thử ba loại tên lửa khác nhau trong vòng ba tuần có thể được xem là giai đoạn cuối trong tiến trình của ông Kim Jong-un.


Họ cũng cho rằng Triều Tiên hiện tại nhìn thấy một mối đe dọa trực tiếp từ Mỹ và các đồng minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây chính là lý do mà Bình Nhưỡng đang dốc sức để tạo ra một cái “ô hạt nhân bảo vệ nhiều lớp” nhanh nhất có thể.


Trả lời phỏng vấn đài Sputnik, chuyên gia quân sự người Nga Mikhail Khodaryonok đã nhấn mạnh rõ về các đe dọa không ngừng của Washington về một giải pháp quân sự cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên. “Lợi thế của cuộc chơi hiện tại nằm ở phía ông Kim Jong-un. Triều Tiên thử nghiệm càng nhiều loại tên lửa thì càng gây khó khăn cho Mỹ nếu nước này sử dụng hành động quân sự. Triều Tiên tìm cách tự bảo vệ sớm nhất có thể. Từ góc nhìn quân sự và chiến lược, đây là cách duy nhất để giải thích thái độ hiện tại của Triều Tiên”, ông Khodaryonok cho biết.


Các quan chức ngoại giao Nga đã lên án những vụ thử của Triều Tiên, song cho rằng nước này bị ép buộc tham gia vào "trò chơi phòng thủ". Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov, về phần mình, lý giải một trong số lý do khiến Bình Nhưỡng dồn sức cho chương trình hạt nhân là việc Hàn Quốc và Nhật Bản có ý định tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu mà Mỹ đang phát triển.


Trong khi đó, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc hội Nga về Quốc phòng và An ninh Franz Klintsevich cho rằng cách duy nhất để giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên là ký kết một thỏa thuận hòa bình giữa Bình Nhưỡng và Washington.


Ông Klintsevich cho rằng: “Ký kết một thỏa thuận hòa bình giữa Bình Nhưỡng và Washington sẽ là lối thoát tốt nhất, có lợi cho mọi người và sẽ làm cho thế giới an toàn. Thông qua ký thỏa thuận này, Mỹ cũng có thể chứng tỏ rằng những hành động của họ trên Bán đảo Triều Tiên không nhắm trực tiếp vào Nga hoặc Trung Quốc. Quan tâm tới trạng thái tâm lý và những diễn biến bên trong Triều Tiên chính là bước đi đầu tiên Mỹ cần làm”.


Hoàng Trang/Báo Tin Tức
Đánh chặn ICBM thành công, Mỹ tự tin đối phó với các mối đe dọa thực sự
Đánh chặn ICBM thành công, Mỹ tự tin đối phó với các mối đe dọa thực sự

Lầu Năm Góc ngày 30/5 tuyên bố đã thử nghiệm thành công đánh chặn một tên lửa đạn đạo liên lục địa ở Thái Bình Dương trong một tình huống giả định nhằm mục đích giúp Mỹ sẵn sàng đối phó mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN