Nỗi bất an xuyên Đại Tây Dương

Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Donald Trump sau khi đắc cử chính là tới Pháp, nơi ông được Tổng thống Emmanuel Macron mời dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức bà Paris.

Đối với chủ nhà, đây là sự kiện đối ngoại có nhiều ý nghĩa vào thời điểm uy tín của ông Macron đang sa sút trên cả trường quốc tế lẫn trong nước.

Chú thích ảnh
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ nhậm chức ở Washington, DC ngày 20/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Có thể nói ông Trump là khách mời được mong đợi nhất nhân sự kiện văn hóa quan trọng trên, cho thấy nhà lãnh đạo Pháp thực sự mong muốn sớm hàn gắn quan hệ với ông chủ mới của Nhà Trắng sau những căng thẳng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Thậm chí vào ngày bầu cử tại Mỹ 5/11/2024, Tổng thống Macron đã không cần đợi kết quả cuối cùng được công bố để công nhận sự trở lại của ông Trump.

Trong số các nhà lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Macron thuộc nhóm rất ít người từng làm việc với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu của tỷ phú này. Khi đó, ông Macron đã nhiều lần cố gắng tác động đến lập trường của người đồng cấp, đặc biệt trong các vấn đề Trung Đông, Iran, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chống biến đổi khí hậu hay thương mại. Nhưng tất cả đều không thành công và quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đôi khi rơi vào tình trạng căng thẳng.

Ông Trump trở lại Nhà Trắng vào thời điểm Tổng thống Macron đang gặp rất nhiều khó khăn ở trong nước. Quyết định của ông giải tán quốc hội hồi tháng 6/2024 đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc và dai dẳng chưa từng có trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa Pháp.

Chính phủ của Thủ tướng Francois Bayrou, chính phủ thứ tư kể từ khi ông Macron bắt đầu nhiệm kỳ hai, đang chật vật với các vấn đề cải cách và tài chính công, thậm chí cũng đứng trước nguy cơ bị bãi nhiệm như chính phủ tiền nhiệm.

Điều này đang làm suy yếu danh tiếng và năng lực hành động của Pháp ở nước ngoài, đặc biệt tại châu Phi, nơi nhiều nước đã yêu cầu quân đội Pháp phải rút quân. Trước những thách thức to lớn ở trong nước và quốc tế, Tổng thống Macron chắc chắn muốn có một sự khởi đầu mới êm đẹp với người đồng cấp ở Nhà Trắng sau lễ nhậm chức của nhà lãnh đạo này.

Nhìn chung, đại đa số người Pháp, khoảng 80% thuộc mọi tầng lớp dân chúng, có ấn tượng không thực sự khả quan về ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng, đặc biệt với những người ủng hộ cánh tả và trung dung. Phần 20% còn lại nghĩ tốt về ông chủ yếu là những người ủng hộ phe cực hữu.

Mặc dù không thích tỷ phú Mỹ lên làm tổng thống, nhưng 85% người Pháp vẫn đánh giá rằng sau lễ nhậm chức, ông Trump sẽ theo đuổi một chính sách đột phá cả ở trong và ngoài nước so với người tiền nhiệm Joe Biden. Những thay đổi này có thể liên quan tới quan hệ quốc tế, nền kinh tế toàn cầu, giải quyết chiến tranh Nga - Ukraine và xung đột ở Trung Đông, và đặc biệt là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Người Pháp có sự chia rẽ rõ ràng trong nhận thức về vai trò của ông Trump đối với quan hệ giữa hai nước. Khoảng một nửa dân số, chủ yếu là cử tri của phe cánh tả và trung dung, cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Pháp sẽ xấu đi sau khi ông Trump nhậm chức, trong khi chỉ khoảng 7% cho rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện. Trong khi đó, những người ủng hộ phe cực hữu cho rằng việc ông Trump vào Nhà Trắng sẽ không mang lại nhiều thay đổi trong quan hệ song phương. 

Trên bình diện châu lục, cùng chung mong muốn với Tổng thống Pháp, nhưng hầu hết các nhà lãnh đạo khác ở Liên minh châu Âu (EU) đều dự cảm sự trở lại của tỷ phú đảng Cộng hòa không phải là điều gì tốt lành và sẽ không có gì lạ nếu trong quan hệ giữa Brussels và Washington lại xuất hiện một làn sóng căng thẳng như trước đây. Từ tăng thuế hải quan đến khả năng chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine, chương trình nghị sự của Tổng thống Trump đang khiến cả châu Âu thấp thỏm.

Tổng thống Trump luôn coi Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ và tiếp theo chính là châu Âu mà ông có lần gọi là “Trung Quốc thu nhỏ”. Cũng như đối với Trung Quốc, nhà lãnh đạo này không hài lòng về mức thâm hụt thương mại 240 tỷ USD với EU hiện nay, khi châu Âu luôn xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu từ Mỹ. Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” và luôn đề cao chủ nghĩa bảo hộ, ông Trump muốn đảo ngược xu hướng bằng biện pháp áp thêm thuế hải quan đối với hàng hóa châu Âu từ 10 - 20%, khiến các nền kinh tế hàng đầu châu Âu không khỏi âu lo.

Ở chiều ngược lại, EU cũng có những công cụ trả đũa thuế hải quan, chẳng hạn áp phụ phí đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như đã làm năm 2018, khi chính quyền của Tổng thống Trump tăng thuế hải quan đối với sắt và nhôm châu Âu. Nhưng một chiến tranh thương mại với Mỹ trong thời điểm hiện nay sẽ khiến kinh tế châu Âu vốn đang đình trệ càng suy yếu thêm trong bối cảnh các tranh chấp đang gia tăng với Trung Quốc.

Tuy không phải là nước xuất khẩu sang Mỹ nhiều như Đức, nhưng Pháp cũng thực sự có lý do để lo ngại về một mối quan hệ không êm đẹp với Washington. Nếu Mỹ áp thêm thuế hải quan như đã tuyên bố, các ngành có thế mạnh của Pháp như hàng không, hóa chất, rượu vang, rượu cognac và các loại rượu khác sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Khi đó, mức trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ lịch sử 153 tỷ USD đạt được năm 2023 giữa Pháp và Mỹ sẽ chỉ còn là dĩ vãng.

Dù là đồng minh của Mỹ nhưng rõ ràng châu Âu không nhận được sự nể nang của ông chủ mới ở Nhà Trắng. Ngoài lĩnh vực thương mại, tỷ phú Trump cũng gây bất an trong lĩnh vực quân sự, khi ông tuyên bố rằng các thành viên NATO phải thực hiện nghĩa vụ đầu tư lớn hơn cho nền quốc phòng chung, chấm dứt việc dựa dẫm vào sự bảo trợ của Mỹ và vì vậy, phải nâng chi tiêu thậm chí lên 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thay vì 2% như hiện nay. Đó là chưa kể đến viễn cảnh tiềm tàng rằng châu Âu phải tự mình đứng ra lo liệu cho Ukraine nếu Mỹ cắt đứt nguồn viện trợ quân sự chủ chốt cho Kiev.

Trong lĩnh vực kỹ thuật số, quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng có thể trở nên căng thẳng. Trong những năm gần đây, EU đã tăng cường kiểm duyệt các mạng xã hội bằng Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và hạn chế sự thống trị của các gã khổng lồ công nghệ bằng Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA). Tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu nền tảng X và là người ủng hộ nhiệt thành Tổng thống Trump, đương nhiên không hoan nghênh các luật này. Giới quan sát đang “chờ xem” Washington có thể cản trở việc áp dụng các quy tắc của châu Âu đến mức nào và tỷ phú Musk có ảnh hưởng trong vấn đề này ra sao.

Tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu tháng 11/2024, Tổng thống Macron đã khẳng định rằng “châu Âu phải quyết định cùng lúc bảo vệ lợi ích của mỗi quốc gia và của cả khối thống nhất, phải tin vào chủ quyền và quyền tự chủ chiến lược của chính mình, rằng châu Âu không được "ủy thác nền kinh tế, các lựa chọn công nghệ hoặc an ninh của mình cho một cường quốc khác".

Tóm lại theo ông,  đã đến lúc châu Âu cuối cùng cũng phải trưởng thành và tin vào sức mạnh của chính mình. Và bất luận ra sao, EU cần tuân theo một lộ trình mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Nhưng đứng trước một Tổng thống Trump khó đoán định, nói vẫn dễ hơn làm, nhất là với một châu Âu chưa bao giờ dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong mọi vấn đề then chốt.

Đánh giá về sự kiện Tổng thống Trump nhậm chức, báo điện tử 20minutes.fr cho rằng không chỉ là một buổi lễ đơn thuần mà ngày 20/1 là một sự kiện toàn cầu. Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy được mời, trong khi lại thiếu vắng rất đáng chú ý các đồng minh lịch sử và Tổng thống Trump đã có một hành động phá vỡ truyền thống, đồng thời phản ánh tầm nhìn chính trị quốc tế của ông.

Các nhân vật dân túy chủ nghĩa được mời gồm nữ Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, người được ông cho là “một phụ nữ tuyệt vời”; tiếp theo là Thủ tướng Hungary, một nhà lãnh đạo thân Nga và là một trong những đồng minh trung thành nhất của ông ở châu Âu.

Trong số các khách mời đáng chú ý khác còn có Tổng thống Argentina Javier Milei, một nhân vật thuộc phe cực hữu được xem là “tổng thống được Trump ưa thích nhất”. Thêm vào đó là Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, được mệnh danh là “ông Trump của vùng nhiệt đới” vì phong cách dân túy, thái độ hoài nghi về biến đổi khí hậu và những đòn tấn công liên tiếp vào giới truyền thông.

Bằng cách mời những nhà lãnh đạo gây tranh cãi và gạt sang một bên những đối tác truyền thống, Tổng thống Trump dường như đang tìm cách khẳng định mình là người lãnh đạo của một phong trào dân túy toàn cầu.

Nguyễn Tuyên (Phóng viên TTXVN tại Pháp)
Những thuận lợi và thách thức khi ông Donald Trump 'cầm lái' kinh tế Mỹ
Những thuận lợi và thách thức khi ông Donald Trump 'cầm lái' kinh tế Mỹ

Ông Donald Trump nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ cho thấy sự phục hồi khá vững chắc sau đại dịch COVID-19, nhưng vẫn còn tồn tại những thách thức dai dẳng có thể thử thách những cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN