Những tính toán chiến lược trong chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Trump

Khi Tổng thống Trump tuyên bố ngừng bắn với Houthi, né tránh đề cập tới Israel và hướng về vùng Vịnh, giới quan sát đặt câu hỏi: Washington đang tái định hình Trung Đông? Và vị trí của Tel Aviv trong bàn cờ địa chính trị liệu còn giữ được như trước?

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) trong một cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington D.C.. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Israel, vốn được xây dựng trên nền tảng lợi ích chiến lược và các giá trị chung, đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Theo tờ Jerusalem Post (Israel), chuyến công du Trung Đông vào tuần tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù không bao gồm Israel trong lịch trình chính thức, lại đặt ra những câu hỏi sâu sắc về tương lai của mối quan hệ này, đặc biệt trong bối cảnh khu vực đầy biến động.

Kể từ khi trở lại nắm quyền, Tổng thống Trump đã không ít lần bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong chuyến thăm Nhà Trắng gần đây, thậm chí còn gọi ông là "người bạn tuyệt vời nhất mà Israel từng có tại Nhà Trắng". Những phát ngôn này củng cố niềm tin về một mối quan hệ Washington - Tel Aviv nồng ấm và khăng khít.

Tuy nhiên, thông báo gần đây từ Mỹ đã gây ra không ít sự bối rối và hoài nghi ở Israel. Chỉ một tuần trước chuyến công du tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar, Tổng thống Trump tiết lộ rằng Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với lực lượng Houthi ở Yemen. Theo đó, Mỹ sẽ ngừng các cuộc không kích vào Yemen, đổi lại Houthi sẽ ngừng tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ.

Sự bối rối của Israel trước những toan tính riêng của Mỹ

Thông tin này càng trở nên đáng chú ý hơn khi nó được đưa ra chỉ 48 giờ sau khi một tên lửa đạn đạo của Houthi rơi gần Sân bay Ben-Gurion của Israel, buộc nhiều hãng hàng không phải hủy chuyến bay đến nước này. Điều trên xảy ra chỉ vài giờ sau khi Không quân Israel tiến hành các cuộc tấn công trả đũa vào sân bay quốc tế Sanaa và các mục tiêu khác ở thủ đô Yemen.

Vấn đề khiến Tel Aviv cảm thấy khó khăn hơn cả là tuyên bố tiếp theo của Houthi rằng các hoạt động chống lại Israel của họ sẽ tiếp tục chừng nào cuộc chiến ở Gaza còn diễn ra. Theo giới quan sát ở Israel, động thái của Mỹ cho thấy Washington dường như đã ưu tiên đảm bảo lợi ích riêng của mình, cụ thể là sự thông suốt của tuyến hàng hải quan trọng ở Biển Đỏ, trong khi để Israel tự đối mặt với mối đe dọa từ Houthi.

Đây không phải là lần đầu tiên Israel cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Vài tuần trước đó, chính quyền Trump cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật với Iran, một động thái đi ngược lại mong muốn của Israel, quốc gia luôn coi Tehran là mối đe dọa.

Tất cả những diễn biến này đang làm dấy lên nhận thức ở Israel rằng, bất chấp những lời lẽ và biểu tượng ủng hộ, khi lợi ích của Mỹ và Israel khác biệt, Washington có thể không đặt lợi ích của Tel Aviv lên hàng đầu. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Giora Eiland thậm chí còn nhận định rằng mối quan hệ Mỹ - Israel đang ở "điểm thấp nhất mà công chúng không biết", khi Mỹ không còn coi trọng Israel hoặc thậm chí "hành động sau lưng" nước này.

Cảm giác bị "ra rìa" càng được củng cố khi Tổng thống Trump chuẩn bị cho chuyến công du vùng Vịnh mà không có điểm dừng chân nào ở Israel. Điều này trái ngược với chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong nhiệm kỳ trước, khi Saudi Arabia là điểm đến đầu tiên nhưng sau đó ông đã ghé thăm Israel. Việc Israel bị loại khỏi lịch trình lần này cho thấy trọng tâm của chuyến đi không trực tiếp liên quan đến nước này.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Israel sẽ không bị ảnh hưởng bởi chuyến đi. Tổng thống Trump đang đặt chân đến một khu vực đang rung chuyển bởi chiến tranh, cạnh tranh và những thay đổi cấu trúc sâu sắc. Dù chương trình nghị sự chính thức có thể tập trung vào đầu tư, thỏa thuận vũ khí và vấn đề Trung Quốc, nhưng các cuộc thảo luận ở Riyadh, Doha và Abu Dhabi chắc chắn sẽ đề cập đến Gaza, Iran, tiến trình bình thường hóa quan hệ và những vấn đề liên quan khác, theo những cách có thể tác động lâu dài đến khu vực sau khi ông Trump trở về nước.

Một trong những vấn đề lớn nhất phủ bóng lên chuyến thăm này chính là cuộc chiến ở Gaza. Dù không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, nhưng tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza và nguy cơ Israel tiến hành một chiến dịch quân sự lớn sau khi ông Trump rời khỏi khu vực đang gây ra nhiều lo ngại cho các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ. Họ đang thúc đẩy Washington kiềm chế "chiến dịch không kiểm soát" của Israel, kêu gọi ngừng bắn và mở rộng viện trợ nhân đạo.

Đằng sau cánh cửa đóng kín, các nhà lãnh đạo Arab dự kiến sẽ hối thúc Tổng thống Trump làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn hoặc thả con tin. Điều này tạo ra một cơ hội cho ông Trump để thể hiện vai trò vừa là đồng minh của Israel, vừa là nhà môi giới hiệu quả trong khu vực. Tuy nhiên, nếu ông không thể đạt được một thỏa thuận như vậy, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman dự kiến sẽ nhắc lại rằng việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ không tiến triển cho đến khi cuộc chiến ở Gaza kết thúc và một giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine trở nên khả thi.

Chú thích ảnh
Người dân Palestine nhận thức ăn cứu trợ tại thành phố Gaza ngày 9/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Bài toán khó cho Tổng thống Trump

Thông điệp này, được lan tỏa rộng rãi trong thế giới Arab, đặt Tổng thống Trump vào một thế khó. Nếu ông nghiêng quá nhiều về phía Israel, ông có nguy cơ mất đi sự ủng hộ của các nước Arab. Ngược lại, nếu ông quá chú trọng đến quan điểm của vùng Vịnh, ông có thể vấp phải sự phản ứng dữ dội từ những người ủng hộ Israel ở trong nước.

Hiệp định Abraham, một thành tựu đối ngoại quan trọng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đang đứng trước những thách thức mới. Mục tiêu lớn hơn của ông trong chuyến đi này có thể là Saudi Arabia - một thỏa thuận bình thường hóa giữa Riyadh và Tel Aviv sẽ định hình lại khu vực và mang lại một chiến thắng lớn về chính sách đối ngoại cho ông. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại có vẻ không thuận lợi.

Các quan chức Saudi Arabia đã nhiều lần khẳng định rằng sẽ không có thỏa thuận hòa bình với Israel chừng nào cuộc chiến ở Gaza còn tiếp diễn. Dư luận Arab cũng trở nên cứng rắn hơn, và Thái tử Saudi Arabia, người từng được coi là cởi mở với việc bình thường hóa, khó có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán trong bối cảnh những hình ảnh đau thương từ Gaza đang chi phối các vấn đề khu vực.

Mặc dù vậy, việc bình thường hóa vẫn chưa phải là không thể, mà chỉ đang bị trì hoãn. Mục tiêu của Tổng thống Trump ở Riyadh có thể không phải là ký kết một thỏa thuận ngay lập tức, mà là đánh giá những gì có thể xảy ra trong tương lai và gây áp lực buộc Saudi Arabia vạch ra những điều kiện cần thiết để khởi động lại các cuộc đàm phán bình thường hóa sau khi cuộc chiến ở Gaza kết thúc. Điều này có thể bao gồm các đảm bảo quốc phòng từ Mỹ, một thỏa thuận hạt nhân dân sự hoặc cam kết của Israel đối với một "khuôn khổ chính trị" cho người Palestine.

Một vấn đề chiến lược sâu xa khác đang lơ lửng trong các cuộc họp của Tổng thống Trump tại vùng Vịnh chính là Iran. Đối với cả Israel và các quốc gia quân chủ vùng Vịnh, Tehran vẫn là đối thủ hàng đầu. Tuy nhiên, trong khi nhiều người ở Israel coi đây là cơ hội để giáng một đòn mạnh vào Iran, thì các nước vùng Vịnh lại lo ngại rằng một động thái như vậy có thể kéo họ vào một cuộc chiến tranh khu vực và Tehran sẽ trả đũa họ. Do đó, họ có xu hướng ủng hộ con đường ngoại giao mà Tổng thống Trump đang theo đuổi.

Hiện tại, Tổng thống Trump đang theo đuổi một cách tiếp cận song song đối với Iran: duy trì áp lực thông qua các lệnh trừng phạt và đe doạ hành động quân sự, đồng thời âm thầm thăm dò khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới. Tại vùng Vịnh, ông sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các nước Arab đối với cách tiếp cận này.

Những toan tính kinh tế và chính trị trong nước

Không thể bỏ qua yếu tố kinh tế trong chuyến công du này. Tổng thống Trump luôn coi trọng các con số và muốn mang về những cam kết đầu tư lớn, các thỏa thuận vũ khí và các liên doanh trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng. Saudi Arabia đã cam kết đầu tư vào Mỹ lên tới 600 tỷ USD trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, trong khi UAE đưa ra con số thậm chí còn lớn hơn là 1,4 nghìn tỷ USD, nhắm vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên.

Đối với các nhà lãnh đạo vùng Vịnh, những khoản đầu tư này không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế mà còn là công cụ để tăng cường ảnh hưởng và ổn định mối quan hệ với Washington trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

Về mặt chính trị trong nước, với tỷ lệ ủng hộ đang ở mức thấp và những thách thức gia tăng về lạm phát, thuế quan và bế tắc lập pháp, Tổng thống Trump đang chuyển hướng sang chính sách đối ngoại, một lĩnh vực mà ông có quyền tự do hành động rộng rãi và dễ dàng nhận được sự chú ý tích cực từ dư luận. Ông dường như tin rằng những động thái mạnh mẽ và quyết đoán trên trường quốc tế sẽ củng cố sự ủng hộ từ cử tri của mình.

Tóm lại, chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump cho thấy Mỹ không rút lui khỏi khu vực, mà đang điều chỉnh lại cách tiếp cận của mình: giảm sự hiện diện quân sự trực tiếp, tăng cường chia sẻ gánh nặng và tập trung hơn vào các giao dịch kinh tế. Liệu mô hình mới này có mang lại sự ổn định lâu dài cho khu vực hay không vẫn còn là một câu hỏi mở.

Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc
Căng thẳng tại Trung Đông: Đề xuất quỹ mới viện trợ cho Gaza
Căng thẳng tại Trung Đông: Đề xuất quỹ mới viện trợ cho Gaza

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/5 thông báo chuẩn bị hoàn tất một giải pháp để chuyển giao viện trợ lương thực cho Gaza và Washington sẽ sớm công bố kế hoạch. Động thái này diễn ra trong bối cảnh cộng đồng viện trợ nhân đạo tỏ ra hoài nghi về khả năng kế hoạch viện trợ, do Israel đề xuất, có thể giúp giảm bớt khó khăn cho người dân tại vùng lãnh thổ bị xung đột tàn phá này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN