Tại sao Houthi lại khó bị đánh bại ở Trung Đông?

Từ một nhóm dân quân nhỏ bé ở Yemen, Houthi nay có thể phóng tên lửa đe dọa Israel và làm gián đoạn giao thương toàn khu vực. Điều gì khiến họ nguy hiểm đến vậy – và tại sao không ai ngăn được?

Chú thích ảnh
Tên lửa siêu vượt âm do lực lượng Houthi phóng từ Yemen nhằm vào các tàu thương mại trên biển Arabia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo Jerusalem Post (Israel) ngày 5/5, vụ nổ chấn động gần sân bay Ben-Gurion do tên lửa Houthi phóng đi hôm 4/5 vừa qua không chỉ gây gián đoạn hàng không mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về một thách thức ngày càng lớn từ Yemen. Dù Israel đã quen với việc đánh chặn tên lửa tầm xa của Houthi trong suốt một năm qua, sự kiện lần này cho thấy một bước leo thang nguy hiểm, đặt ra câu hỏi: Tại sao một nhóm vũ trang nhỏ bé lại có thể thách thức cả một khu vực, và điều gì khiến việc ngăn chặn họ trở nên nan giải đến vậy?

Để trả lời câu hỏi này, Jerusalem Post lưu ý cần nhìn sâu hơn vào lịch sử hình thành và sức mạnh tiềm ẩn của lực lượng Houthi. Xuất phát từ một nhóm dân quân yếu ớt ở Yemen hơn một thập kỷ trước, Houthi, với sự hậu thuẫn ngày càng tăng từ Iran, đã vươn mình thành một thế lực đáng gờm. Tham vọng của họ không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát Yemen mà còn vươn ra các tuyến hàng hải huyết mạch.

Năm 2015, khi Houthi đe dọa chiếm giữ cảng Aden, Saudi Arabia đã dẫn đầu một liên minh quân sự can thiệp vào Yemen với sự ủng hộ của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sự can thiệp này, dù có sự tham gia của các cường quốc khu vực như Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã nhanh chóng sa lầy. Sự khác biệt về mục tiêu và chiến lược giữa các thành viên liên minh, đặc biệt là giữa Saudi Arabia và UAE, đã tạo ra những rạn nứt, cản trở nỗ lực chung trong việc kiềm chế Houthi.

Vị trí địa lý hiểm trở của Yemen, với các vùng núi non hiểm trở do Houthi kiểm soát ở phía Bắc và các khu vực khác bị chia cắt, càng làm phức tạp thêm tình hình. Lịch sử chia cắt giữa Bắc và Nam Yemen từ năm 1962 đến 1990 cũng góp phần tạo ra những bất ổn sâu sắc, tạo điều kiện cho Houthi củng cố quyền lực.

Mối liên hệ ngày càng sâu sắc giữa Houthi, một nhóm Hồi giáo dòng Shi'ite Zaydi, với Iran đóng vai trò then chốt trong việc gia tăng sức mạnh của họ. Iran không chỉ cung cấp công nghệ tên lửa và thiết bị bay không người lái mà còn giúp Houthi xây dựng một chương trình vũ khí riêng, cho phép họ thực hiện các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Saudi Arabia. Thống kê cho thấy, từ năm 2015 đến 2018, đã có tới 83 tên lửa đạn đạo được bắn vào Saudi Arabia, minh chứng cho năng lực tấn công ngày càng tăng của Houthi.

Dù Saudi Arabia đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống phòng không và sử dụng các chiến đấu cơ hiện đại như F-15 để đánh chặn thiết bị bay không người lái và tên lửa của Houthi, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để ngăn chặn hoàn toàn các cuộc tấn công. Bất chấp những tổn thất, Houthi vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự ở Yemen và củng cố vị thế của mình.

Bước ngoặt có thể đến vào năm 2022 với một thỏa thuận ngừng bắn mong manh ở Yemen, mà nhiều người cho rằng có sự tác động không nhỏ từ Trung Quốc, quốc gia đang có mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Iran. Việc Trung Quốc làm trung gian cho thỏa thuận hòa giải giữa Saudi và Iran vào năm 2023 dường như đã tạo ra một khoảng lặng trong cuộc xung đột Yemen. Tuy nhiên, sau vụ tấn công Hamas vào Israel ngày 7/10 cùng năm, Houthi đã nhanh chóng chuyển hướng sang tấn công Israel, bắt đầu bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa, sau đó mở rộng ra các cuộc tấn công vào tàu thuyền trên Biển Đỏ.

Việc Houthi sở hữu các thiết bị bay không người lái Shahed 136 do Iran cung cấp, có tầm bay vượt quá 2.000 km, cho phép họ vươn tới Israel. Vụ cướp tàu chở hàng Galaxy Leader vào tháng 11/2023 là một hành động cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của nhóm này.

Trong bối cảnh đó, Mỹ đã khởi động chiến dịch Prosperity Guardian vào năm 2024 nhằm bảo vệ hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ, nhưng Houthi vẫn tiếp tục các cuộc tấn công vào Israel. Ngay cả khi có lệnh ngừng bắn ở Gaza từ tháng 1 đến tháng 3 vừa qua, nhóm này vẫn duy trì khả năng tấn công tên lửa đáng kể. Việc các bệ phóng tên lửa thường được đặt trong các hang động trên núi và có tính di động cao khiến việc đánh bại họ trở nên vô cùng khó khăn, gợi nhớ đến cuộc "săn lùng Scud" bất thành trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Lịch sử cũng cho thấy rằng các lực lượng không có ưu thế trên không vẫn có thể gây ra những thách thức đáng kể cho các đối thủ mạnh hơn. Vậy, liệu có cách nào để ngăn chặn Houthi? Sức mạnh không quân dường như là không đủ. Có lẽ việc cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí và xác định các cơ sở lưu trữ tên lửa của họ là những giải pháp tiềm năng. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng, đặc biệt khi Iran dường như đang cố gắng giữ khoảng cách với các hành động của Houthi trong bối cảnh muốn đạt được một thỏa thuận mới với Washington. 

Đáng chú ý, Houthi đã tuyên bố sở hữu các loại tên lửa mới, bao gồm cả tên lửa nhiên liệu rắn "Palestine" mà họ tuyên bố có khả năng "siêu vượt âm". Tên lửa nhiên liệu rắn có ưu điểm là triển khai nhanh hơn tên lửa nhiên liệu lỏng, cho thấy Houthi đang không ngừng nâng cao năng lực quân sự của mình. Họ cũng đã sử dụng các loại tên lửa khác như Qiam 1 và tên lửa chống hạm Ghader.

Houthi dường như cũng rút ra bài học từ lịch sử. Họ biết rằng Yemen đã từng thành công trong việc chống lại cuộc xâm lược của Ai Cập vào những năm 1960, nhờ vào việc tận dụng địa hình núi non hiểm trở và sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tương tự, lực lượng Saudi Arabia hiện đại hơn cũng đã không thể đánh bại Houthi vào năm 2015.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Mỹ không kích các mục tiêu của Houthi
Mỹ không kích các mục tiêu của Houthi

Ngày 5/5, lực lượng Houthi ở Yemen cho biết Mỹ đã tiến hành không kích các mục tiêu của lực lượng này ở trong và xung quanh Sanaa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN